Pháp luật quy định thế nào xung quanh đề nghị tước danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú của Hoài Linh?

0:00 / 0:00
0:00
Thanh tra Bộ VHTTDL có văn bản về việc xem xét thu hồi danh hiệu nghệ sĩ ưu tú của nghệ sĩ Hoài Linh
Thanh tra Bộ VHTTDL có văn bản về việc xem xét thu hồi danh hiệu nghệ sĩ ưu tú của nghệ sĩ Hoài Linh
TPO - Theo luật sư, hiện nay nghệ sĩ Hoài Linh chưa bị cơ quan chức năng nào kết luận là có vi phạm trong việc không thực hiện đúng cam kết về việc chuyển số tiền gần 14 tỷ đồng cho đồng bào miền Trung nên chưa đủ cơ sở để thực hiện hình thức tước danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Cụ thể, báo Tiền Phong có đưa tin, ngày 27/5, Thanh tra Bộ VHTTDL có văn bản số 38 về việc chuyển đơn đề nghị xem xét thu hồi danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của nghệ sĩ Hoài Linh.

Pháp luật quy định thế nào xung quanh đề nghị tước danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú của Hoài Linh? ảnh 1

Theo luật sư Cường, chưa có kết luận chính thức nên chưa có cơ sở để tước danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của nghệ sĩ Hoài Linh ở thời điểm này.

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” là danh hiệu vinh dự mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng cho những người hoạt động biểu diễn nghệ thuật, là phần thưởng cao quý mà nhà nước tặng cho những người có công lao, có thành tích đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

“Tuy nhiên, danh hiệu này vẫn có thể bị tước nếu như người được trao danh hiệu không còn xứng đáng. Bởi vậy, vụ việc đối với nghệ sỹ Hoài Linh cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng xác định hành vi của nam nghệ sĩ này có vi phạm pháp luật hay không. Trong trường hợp có vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm đến mức có thể bị xử lý hình sự thì mới thực hiện thủ tục tước danh hiệu nghệ sĩ nhân dân theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nói.

Theo Điều 97 của Luật Thi đua khen thưởng thì cá nhân được trao danh hiệu vinh dự của nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu. Luật thi đua khen thưởng không quy định là vi phạm pháp luật ở mức độ xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì nghệ sĩ bị tước danh hiệu.

Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành thì ghi rõ là Nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù thì bị tước danh hiệu. Cụ thể, tại điểm 11, Chương IV, Thông tư số 24/2007/TT-BVHTT của Bộ văn hóa thể thao cũng quy định về Tước danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú như sau: “Cá nhân được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú mà vi phạm pháp luật bị Toà án kết án tù thì bị tước danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú”.

Theo khoản 1 Điều 79, Nghị định 91/2017/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng) thì dù trước đó nghệ sĩ là người có nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật và được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân nhưng vẫn có thể bị tước danh hiệu.

Luật sư cho biết thêm, việc nghệ sĩ Hoài Linh bị dư luận lên án về việc không thực hiện đúng cam kết trong việc chuyển giao gần 14 tỷ đồng cho đồng bào miền Trung và bị một số người tố cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong đợt quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung tháng 11 năm 2020. Tuy nhiên, nội dung tố cáo đang được các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, chưa có kết luận chính thức nên chưa có cơ sở để tước danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của nghệ sĩ này tại thời điểm này.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ thêm, ở thời đại internet phổ biến trong xã hội, nên tất cả thông tin về việc nghệ sĩ Hoài Linh vẫn chỉ là dạng tin đồn, không có cở sở. Chúng ta cần tỉnh táo, không nên để bị định hướng theo dạng tin này. Về mặt pháp luật thì đã có quy định chi tiết, cụ thể về điều kiện phong danh và tước hiệu nghệ sĩ. Cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý chỉ căn cứ vào mặt quy định của pháp luật chứ không giải quyết chạy theo hướng dư luận, tin đồn của một nhóm thiểu số.

"Chúng ta nên khách quan và bình tĩnh chờ kết quả giải quyết của cơ quan thẩm quyền", luật sư Nguyên nói.

Điều 79, Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định về thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu:

1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Chủ tịch nước, cơ quan trình khen thưởng có trách nhiệm thu hồi hiện vật khen thưởng để giao nộp cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng cùng cấp; thu hồi tiền thưởng và nộp vào ngân sách nhà nước hoặc quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định.

4. Cá nhân bị xét xử oan, sai và đã được cơ quan có thẩm quyền minh oan, sửa sai thì được xem xét phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.

5. Hồ sơ đề nghị tước, đề nghị phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước gồm:

a) Tờ trình của cấp có thẩm quyền;

b) Báo cáo tóm tắt, nêu rõ nội dung hoặc giải trình lý do đề nghị và ý kiến của cấp có thẩm quyền.

MỚI - NÓNG