Chiều ngày 11/5, trong cái nắng gay gắt của tiết trời Sài Gòn, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi), người mua được thùng loa cũ và phát hiện bên trong có 5 triệu yên Nhật hơn một năm trước, mồ hôi nhễ nhại đẩy chiếc xe chất đầy bao ve chai về căn nhà trọ trong con hẻm trên đường Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình, TPHCM).
Gạt những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, chị Hồng tâm sự: “Lúc phát hiện 5 triệu yên trong chiếc loa thùng cũ mua được, tôi đã nhanh chóng mang giao nộp cho công an và được thông tin sau 1 năm ra thông báo, nếu không ai đến nhận chủ sở hữu số tiền này thì tôi sẽ được nhận.
Tuy nhiên, mới đây có một luật sự phát ngôn trên báo cho rằng để nhận lại số tiền này tôi phải đợi thêm 9 năm nữa. Không biết tới lúc đó, hai vợ chồng tôi có còn sức để đợi hay không? Sắp tới tôi cùng với luật sư hỗ trợ pháp lý miễn phí sẽ lên công an quận Tân Bình tiếp tục làm việc. Phía công an họ nói sẽ có văn bản trả lời cụ thể việc tôi có được nhận hoặc không được nhận lại số tiền 5 triệu yên trong chiếc loa cũ mà tôi đã mua trước đó”.
Vụ việc xuất hiện tình tiết bất ngờ đúng vào “phút 89”, khi chị Hồng đang chuẩn bị làm thủ tục để nhận lại số tiền thì bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) lên tiếng nói là có thể số tiền này là của chồng bà – ông Afolayan Caled (quốc tịch Nam Phi). Do đó, cơ quan công an quận Tân Bình phải làm các thủ tục để xác minh đơn của bà Ngọt.
Bà Ngọt cho biết, trước khi đến với bà, ông Afolayan Caled có thời gian giảng dạy tiếng Anh ở Nhật. Năm 2009, sang Việt Nam dạy tiếng Anh ở các trung tâm. Bà Ngọt sau đó kết hôn với ông Afolayan Caled. Thời gian sống chung, bà Ngọt thấy chồng có 3 chiếc loa thùng và có nghe ông Afolayan Caled nói có để dành được số tiền 6 triệu yen nhưng không biết cất ở đâu, sau đó năm 2013 ông Afolayan Caled về nước chăm sóc mẹ già và ở luôn bên đó.
Luật sư Hà Hải – Đoàn luật sư TP.HCM, người hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chị Hồng - cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, bà Ngọt vẫn chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh số tiền 5 triệu yên là của chồng bà. Hơn nữa nếu muốn đứng ra giải quyết số tiền này bà Ngọt phải có giấy tờ chứng minh bà và ông Caled đã kết hôn và phải có giấy ủy quyền của ông Caled”.
“Nếu chưa hết 1 năm mà có người đến nhận đó là số tiền của mình thì người đó phải có đầy đủ bằng chứng chứng minh. Nếu không chứng minh được thì không thể được nhận. Cho đến thời điểm hiện nay, đã quá 1 năm kể từ thời điểm thông báo mà vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu đối với số tiền 5 triệu yên này. Sự việc có người đến nhận là chủ sở hữu nhưng không đưa ra được bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu thì cũng coi như chưa xác định được ai là chủ sở hữu. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2005, bà Hồng được xác lập quyền sở hữu đối với số tiền 5 triệu yên này” - Luật sư Hải khẳng định.
Liên quan đến vụ việc này, bà Phạm Thị Ngọt vẫn khẳng định, chồng bà Efolayan Caleb có thể là chủ nhân của số tiền trên. “Hiện tôi đã thông báo cho chồng tôi về việc số tiền hơn 5 triệu yên mà người mua ve chai tìm thấy có thể là của ông ấy. Tất cả chứng cứ chồng tôi đang cầm, do bận việc gia đình nên chồng tôi chưa về Việt Nam được, do việc liên hệ giữa trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian nhưng tôi vẫn cố gắng. Trong trường hợp không thể về, ông ấy sẽ làm ủy quyền cho tôi” – Bà Ngọt khẳng định.
Khi phóng viên, hỏi thêm về các giấy giờ để chứng minh số tiền hơn 5 triệu yên là của chồng bà Ngọt, bà này cho biết hiện chưa có giấy tờ gì trong tay, tất cả chỉ nghe chồng kể lại. Hiện bà Ngọt cũng chưa thể cho biết ngày nào ông Efolayan Caleb có thể trở lại Việt Nam vì còn phải chăm mẹ bệnh.
Dự kiến trong chiều nay 12/5, công an quận Tân Bình sẽ có văn bản trả lời về “số phận” 5 triệu yên cho chị Hồng nắm rõ.