Phân luồng sau Trung học cơ sở: Nâng tỉ lệ học sinh chọn học nghề

0:00 / 0:00
0:00
TP - Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau bậc THCS vẫn là một thực tế khó khăn cho các nhà trường, địa phương khi tỉ lệ học sinh chọn học nghề khá thấp. Điều này có nguyên nhân phần lớn từ nhận thức của phụ huynh cho rằng, con phải tiếp tục học THPT và vào ĐH.

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, những năm gần đây tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS chọn học nghề có xu hướng tăng, tuy nhiên con số này vẫn rất thấp. Trước đây, có năm chỉ có khoảng 10% học sinh chọn học nghề, con số này tăng hằng năm và năm ngoái đã đạt mức 25%. Thậm chí, có em đã thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập vẫn chọn nhập học một trường cao đẳng nghề.

Phân luồng sau Trung học cơ sở: Nâng tỉ lệ học sinh chọn học nghề ảnh 1

Trường cao đẳng nghề tư vấn cho phụ huynh học sinh

Theo bà Lý, nhà trường đổi mới bằng cách tổ chức nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh lớp 8, lớp 9 như: đi tham quan trải nghiệm hướng nghiệp ở các trường ĐH; mời đại diện các trường cao đẳng, trung cấp nghề đến trường giới thiệu về nghề nghiệp. Bên cạnh đó, còn có những CEO các doanh nghiệp, phụ huynh thành công ở các lĩnh vực đến trường nói chuyện với học sinh giúp các em nhìn nhận tổng thể được bức tranh về nghề nghiệp, cơ hội việc làm từ đó có sự cân nhắc, quyết định lựa chọn.

Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội qua các năm cũng cho thấy, dù số lượng học sinh tham gia học nghề có tăng nhưng vẫn chưa đáng kể so với mục tiêu đề ra. Ví dụ, năm 2020-2021, toàn thành phố chỉ có hơn 15.000 em học nghề; năm tiếp theo có hơn 17.000 em. Năm 2023-2024, Hà Nội có hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tuyển vào các trường THPT công lập hơn 78.600 em nhưng chỉ có hơn 17.000 học sinh (chiếm tỉ lệ 13,4%) vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch về việc triển khai Đề án “Giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, phấn đấu 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp hoặc cơ sở GDNN-GDTX vừa đào tạo chương trình trung cấp nghề, vừa học văn hóa.

Tại Quảng Bình, Sở GD&ĐT cũng đánh giá, công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ví dụ, năm 2020, toàn tỉnh có 13.038 học sinh THCS tốt nghiệp thì có hơn 83% học sinh học tiếp lớp 10, chỉ có 7,55 % em vào học các cơ sở GDNN. Điều này được cho là, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác giáo dục tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh còn ít; giáo viên chưa được đào tạo bài bản. Phụ huynh có tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề. Nhiều phụ huynh có mong muốn con, em mình vào học THPT và tiếp tục học lên ĐH, thậm chí muốn có bằng cấp cao hơn nữa. Trong khi thực tế, không ít học sinh mất 3 năm học tiếp THPT, thậm chí vào ĐH, tốt nghiệp không có việc làm đành phải quay lại học nghề.

Bộ GD&ĐT cũng thông tin, triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giai đoạn 2018 - 2025”, hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch theo hướng mở, thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, năm học 2022 - 2023, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT chiếm khoảng 74,4%; tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chiếm khoảng 7%.

Tư vấn hướng nghiệp chưa tốt

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp ở bậc THCS khiến thầy cô, nhà trường rơi vào thế khó. Ở lớp cuối cấp, những em học tốt giáo viên tư vấn lựa chọn các trường THPT có điểm tuyển sinh phù hợp, còn em có năng lực yếu, kém hơn giáo viên khuyên nên lựa chọn con đường giảm áp lực thi cử, đó là đi học nghề. Thế nhưng, phụ huynh vẫn có tâm lý phải tiếp tục học lên THPT rồi tính tiếp. Do đó, trong các buổi tư vấn, giáo viên nói không khéo, phụ huynh sẽ cho rằng, ép học sinh không thi. Do đó, trường phải chỉ đạo giáo viên tư vấn, tránh chuyện hiểu nhầm. Trong khi nhiều năm nay, các cấp quản lý từ Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT không lấy tỉ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 THPT công lập để đánh giá thi đua.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng thông tin, 3 năm gần đây, tỉ lệ học sinh học nghề sau THCS tăng từ 14 % lên 17,5%. Thậm chí, có trường THCS, trong 3 năm liền 100% học sinh tiếp tục học lên THPT, không có em nào lựa chọn học nghề. Trong thời gian tới, các nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với các trung tâm đào tạo việc làm, làng nghề bồi dưỡng giáo viên kiêm làm công tác tư vấn, hướng nghiệp.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cũng cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề vô cùng quan trọng và một trong những vấn đề quan trọng, thiết thực đó chính là phân luồng lao động. Con số thống kê cho thấy, tại Việt Nam lực lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ rất lớn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, làm việc, thu nhập không cao. Trong khi, tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới họ đã thực hiện tốt việc phân luồng từ sau bậc THCS. Khi học xong kiến thức nền tảng (hết lớp 9), chỉ những em giỏi, có năng lực nghiên cứu, phát triển chuyên sâu mới tiếp tục học lên THPT và ĐH, những em khác định hướng học nghề.

MỚI - NÓNG