Phan Khôi và Bạch Thái Bưởi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ít ai biết đầu thế kỷ 20, học giả, nhà văn-nhà báo Phan Khôi từng có thời gian làm chân thư ký cho nhà tư sản lẫy lừng Bạch Thái Bưởi. Việc một nhà Nho chỉ quen thi ca, chữ nghĩa, phản biện xã hội đi làm cho một nhà buôn kiểu Tây trở thành tư liệu văn học sử thú vị cho giới nghiên cứu...

Theo tư liệu của ông Phan An Sa, con trai út của Phan Khôi, mùa thu năm 1919 Phan Khôi trắng tay quay về quê nhà Bảo An (Quảng Nam) “nằm khoèo” sau mấy tháng vỡ mộng với việc làm báo tại Sài Gòn. Được gần 1 năm thì bước ngoặt xảy ra: Tháng 3/1920, Phan Hạnh (anh trai nhà trí thức cách mạng Phan Thanh) là con trai cả của người chú ruột đột ngột qua đời ở Thanh Hóa khi tuổi đời còn rất trẻ. Phan Khôi khi đó 33 tuổi, được gia đình ủy thác ra xứ Thanh lo hậu sự cho em.

Phan Khôi và Bạch Thái Bưởi ảnh 1

Học giả Phan Khôi một đời chữ nghĩa ảnh: TL

An táng xong xuôi, Phan Khôi nhận rương hòm đồ đạc của em đưa về quê. Nhưng thay vì về thẳng bằng đường bộ, ông lại nổi hứng “mua đường” vòng vèo lên Hà Nội, rồi xuống Hải Phòng để đợi đi... tàu biển trở về! Ở Hải Phòng, ông tình cờ gặp Dương Tự Nguyên, anh ruột của những trí thức lừng danh Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tự Quán,... và cũng là chú ruột của nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. Dương Tự Nguyên sau khi du học tại Nhật Bản theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, về Hải Phòng vừa làm một chân trong nhà băng của Ăng-lê, vừa viết sách.

Gặp nhau hàn huyên cả đêm, Dương Tự Nguyên mới thốt lên “Sĩ sanh ư thế, khả dĩ bách vi” (Kẻ sĩ sinh ra ở đời, có thể làm hàng trăm việc). Đại ý chúng ta bỏ nghề báo để sang nghề buôn, há chẳng được sao?

Đang nghĩ ngợi về câu nói của Dương tiên sinh, thì có người mách, rằng ông Bạch Thái Bưởi chủ hãng tàu Bạch Thái đang cần một chân thư ký thành thạo chữ Hán, Quốc ngữ và cả tiếng Pháp, lương tháng chừng bốn, năm chục đồng. Ông Bạch Thái Bưởi (1874-1932) nằm trong danh sách bốn người giàu nhất Việt Nam thời đó: “nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”.

Phan Khôi và Bạch Thái Bưởi ảnh 2

Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi ảnh: TL

Phan Khôi bèn thử vận may, nhờ người tiến cử mình với ông chủ họ Bạch. Thế rồi một buổi chiều có người tìm đến phòng trọ gặp Phan Khôi đưa ra thư mời đến gặp ông chủ. Cuộc gặp giữa Phan Khôi và Bạch Thái Bưởi diễn ra khá nhanh gọn. Sau một hồi trao đổi, đôi bên thống nhất Phan Khôi sẽ làm việc từ ngày 1/5/1920 với mức lương năm chục đồng, nhưng mỗi tháng phải để lại 10% gọi là “tiền ký quỹ”.

Phan Khôi ra bưu điện gửi đồ đạc của người em quá cố về quê, rồi ngụ cư tại Hải Phòng với chân “thư ký hãng buôn” Bạch Thái Bưởi. Công việc chính hàng ngày của ông là thảo văn thư bằng chữ Hán, Quốc ngữ, và cả tiếng Pháp giúp ông chủ giao dịch với khách hàng.

Công việc không khó khăn gì, tuy nhiên việc mỗi ngày một nhiều, thêm nữa giờ giấc làm việc kiểu Tây của ông chủ khiến một người vốn Nho học như Phan Khôi bị áp lực, mệt mỏi. “Trong tám tháng ở trọ để làm cho công ty Bạch Thái, trưa cũng như tối, bữa nào ông cũng phải ăn cơm sau, ăn một mình với cơm canh nguội lạnh hết cả”.

Thêm một điều khiến một Nho sĩ như Phan Khôi ngày càng bức xúc, đó là cách hành xử của ông chủ đối với người làm. Vì không muốn một người tài của công ty là Đoàn Dư dứt áo ra đi, ông chủ họ Bạch đã nghĩ kế “cột buộc” ông này bằng tiền bạc. Bằng cách nhân danh ông chủ ứng trước 1 ngàn đồng nhưng không hề chịu ký biên lai. Thành thử viên kế toán nọ đành phải “mang nợ” công ty một ngàn bạc, công ty tăng lương cho ông hai chục đồng mỗi tháng để trừ dần vào khoản “nợ” này đến khi nào xong mới thôi.

Ông chủ còn hay có tật đánh người làm. Có lần Phan Khôi góp ý về cái tật ấy, ông chủ liền “triết lý”: “Người An Nam, nhất là cái bọn hạ lưu, xưa nay quen ăn roi vọt mới chịu làm, chứ không phải họ biết tự trọng.... Còn muốn lấy nhân đạo đãi họ thì phải đợi đến khi nào giáo dục lan khắp và đầy đủ để họ cũng biết tự trọng thì mới được. Tôi là nhà buôn, chỉ cốt sao cho công việc chạy là được...”. Tuy nhiên, ông chủ sau đó cũng cười hà hà và hứa sẽ nhớ khuyên can thẳng băng của “cụ” đồ Nho trẻ xứ Quảng. Cũng có lẽ vì vậy, nên ông chủ họ Bạch chưa bao giờ có một lời nói nặng với Phan Khôi. Ngược lại, ông còn tỏ ra quan tâm nhiều thứ ngoài công việc với viên thư ký họ Phan.

“Kể cũng lạ, cái anh chàng thư ký của tôi! Sao một nhà Nho lại có cái óc Tây lạ!?” Doanh nhân Bạch Thái Bưởi nói về kẻ sĩ Phan Khôi

Thế rồi, sự xa cách về quan điểm, chí hướng tự do tư tưởng, sáng tạo chữ nghĩa khiến Phan Khôi quyết tâm dứt áo khỏi hãng tàu Bạch Thái, dù việc này không dễ dàng gì, bởi ông chủ cũng muốn cố giữ người tài. Lúc này có thêm hai nguyên nhân càng khiến Phan Khôi ra đi. Đó là Hội Thánh Tin Lành ở Hà Nội cho người xuống Hải Phòng tìm ông, mời tham gia dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt. Một lý do khác, đó là ở quê nhà, chính quyền địa phương đang buộc ông phải về lại. Bởi trước đó, Phan Khôi bị bắt đi tù mấy năm ở Quảng Nam do tham gia phong trào Văn Thân cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, và biểu tình đòi giảm thuế trong vụ Trung kỳ dân biến. Lúc này tuy mãn hạn tù đã lâu, nhưng Phan Khôi vẫn thuộc diện phải quản thúc vô kỳ hạn.

Thế rồi buổi chiều ngày 31/12/1920, Phan Khôi gặp Bạch Thái Bưởi để từ giã, sau tròn 8 tháng làm công cho hãng buôn này. Không níu giữ người được nữa, ông chủ đành tươi cười bảo thủ quỹ mở két lấy tiền trả lương tháng ấy cho Phan Khôi, và trả luôn 35 đồng tiền ký quỹ...

“Sĩ sanh ư thế, khả dĩ bách vi, duy bất khả tục, tục tiện bất khả y”, là nguyên văn câu của một danh sĩ thời Bắc Tống Trung Hoa mà người bạn Dương Tự Nguyên dùng một nửa vế đầu khi thuyết phục Phan Khôi tạm bỏ nghề báo đi làm cho nghề buôn. Nhưng rồi cái vế sau hàm nghĩa “Nhưng không thể theo tục được, tục càng không thể chữa được” đã ứng với Phan Khôi sau chưa đầy một năm bước chân vào giới thương trường. Phan Khôi đã chối bỏ cái “tục tiện” của một nghề mà ông không thể đeo đuổi. Để sau này lừng danh với những Chương dân thi thoại, Tình già, bản dịch Kinh Thánh, hàng ngàn bài báo cùng những cuộc bút chiến vang dội...

Tất nhiên, với kẻ sĩ như họ Phan là vậy. Còn với “nghề buôn”, mà giờ đây xã hội tôn vinh, gọi là doanh nhân/doanh nghiệp, thì cũng có những triết lý và văn hóa của riêng mình. Làm nên cơ nghiệp, giàu có, bởi họ thực tế, ít có máu “nghệ sĩ” lãng đãng. Quản trị doanh nghiệp, quản lý và sử dụng nhân sự luôn có những quy định nghiêm ngặt, buộc người lao động phải thích nghi và làm quen. Mà thực tế cho đến nay, chất lượng và tính chuyên nghiệp của người lao động ở ta vẫn còn là vấn đề khá nan giải.

Một năm sau, tại Hà Nội, Phan Khôi và ông chủ Bạch Thái Bưởi tình cờ gặp lại nhau trong một buổi hội. Ông chủ cũ nài nỉ nhà nho xứ Quảng về làm lại cho Bạch Thái, nể quá Phan Khôi có hẹn nhưng rồi lơ luôn. Lúc này Phan Khôi đang dịch Kinh Thánh và viết cho Thực nghiệp dân báo – được xem là cơ quan ngôn luận của các nhà doanh nghiệp miền Bắc thời ấy. Dù vậy, trên tờ này Phan Khôi chủ yếu cũng chỉ đăng...thơ và ít dòng tin dân sự.

Trong bài có sử dụng tư liệu “Chân thư ký hãng buôn” của Phan An Sa (Tôi với Thầy tôi - Phan Khôi, NXB Đà Nẵng, 2021)

MỚI - NÓNG