Người đàn bà ấy vẫn tin là chồng mình chưa chết, bởi sau khi người ta đưa người chồng đi cấp cứu, thì chị ta bị xua đến nhà ngoại để tạm lánh vì sợ cơn thịnh nộ ập đến từ các anh em nhà chồng, và chị ta bị bắt ngay sau khi đặt chân về nhà ngoại không lâu. Trong buổi chiều lạnh lẽo, những lời tâm sự của người đàn bà bị chồng đối xử không ra gì càng làm cho câu chuyện thêm u uất.
9 năm làm "ôsin" xứ người
Đỗ Thị Đượm nói nhiều và thường cắt khúc câu chuyện ra làm nhiều đoạn, khiến chúng tôi phải rất vất vả mới sàng lọc và chắp nối được câu chuyện mà Đượm đang nói đến.
Vùng quê xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương có nhiều người phụ nữ vay tiền ngân hàng đi xuất khẩu lao động như Đượm. Và đó cũng là một bi kịch đã tồn tại nhiều năm nay ở các gia đình có vợ đi nước ngoài. Họ đi lao động, không có một nhu cầu nào khác ngoài kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của gia đình nơi quê nhà. Nhưng nhiều bi kịch đã xảy ra khi ngôi nhà không có bàn tay người phụ nữ chăm sóc.
Lương của Đượm cũng không cao, chỉ từ 5-7 triệu đồng, có thời điểm cao nhất là 11 triệu đồng/tháng. Đượm đi sang Đài Loan làm ôsin từ năm 2003, cứ hết 3 năm hợp đồng lại về và ký tiếp hợp đồng mới. Công việc của Đượm là chăm sóc những người già bại liệt.
Đến năm 2012 thì chồng Đượm - anh Nguyễn Văn Luân (SN 1968) nhất định không cho vợ đi nữa. Anh Luân tuyên bố: "Nếu mày đi thì đi luôn và tao sẽ lấy vợ hai".
Lo lắng cho hạnh phúc gia đình, Đượm đành trả lại giấy tờ cho người ta và quyết định ở nhà cùng chồng chăm sóc hai con. Hàng ngày, Đượm lo việc đồng áng với 7 sào lúa và đàn lợn gần chục con, chợ búa cơm nước, còn anh Luân có nghề mổ trâu, mổ bò. Cũng đầu tắt mặt tối từ sáng đến đêm, thế nhưng trong căn nhà mua lại của người chị gái với giá 60 triệu đồng, tài sản cũng không có gì đáng kể.
Từ khi Đượm ở nhà, giữa hai vợ chồng thỉnh thoảng lại xảy ra mâu thuẫn. Không biết anh Luân nghe ai nói rằng, ở bên Đài Loan, vợ mình có con riêng nên anh này thường cạnh khóe, chọc chạch vợ, dù thông tin chỉ là mơ hồ mà kẻ xấu nào đó dựng lên trong lúc vui miệng. Cũng vì những ẩn ức chất chứa trong lòng không được giải tỏa, nên cứ có chuyện gì "liên quan", anh Luân lại quay ra sỉ nhục vợ.
Khoảng 11 giờ trưa 14/2, Đượm đang cầm con dao ngồi làm vịt, còn anh Luân ngồi ngay cạnh cạo lông chân bò, chân trâu thì chị Thanh - người hàng xóm vui vẻ cho biết, tháng sau là cưới con gái của chị này. Đượm vui mồm nói: "Cưới thì phải chọn ngày ấm ấm nhé để còn mặc váy, chứ cưới hôm lạnh thì không mặc váy được đâu".
Chị Thanh cũng vui vẻ đùa lại: "Thế thì hôm ấy ông Luân cũng phải mặc comle nhé". Câu chuyện chỉ có vậy, ai ngờ anh Luân chửi thề rồi cạnh khóe vợ: "Mặc váy thì phải mặc quần xilip bằng sắt, không thì...".
Đã quen với những lời móc máy, dù thanh minh cũng chẳng ích gì nên Đượm lại quay ra tiếp tục công việc của mình. Vừa cắt xong 2 cái chân vịt bỏ ra chiếc rổ bên cạnh thì có con gà nhảy vào mổ chiếc chân vịt văng ra đất. Đượm xua con gà đi và nhặt lại chiếc chân, quay đi quay lại đã thấy chồng vật chết con gà nằm giãy đành đạch giữa sân. Đượm gọi thằng con trai thứ hai đang rán bánh chưng trong bếp: "Đông ơi, con ra đóng cổng vào cho gà khỏi chạy ra không là chó cắn đấy".
Cho là vợ nói đểu mình, anh Luân chửi bậy: "Đm con này bố láo tao giết chết mày". Và giữa tiết trời lạnh như cắt, anh Luân túm đầu vợ ấn vào thau nước rửa vịt còn nguyên máu hồng. Rồi người chồng đẩy vợ ngã ngửa đập đầu xuống đất. Thằng con trai chạy ra xin rối rít: "Con xin bố, bố đừng đánh mẹ, bố bỏ mẹ ra".
Đượm giãy giụa và thoát được người chồng. Chị ta đứng lên cầm dao tiếp tục làm vịt. Uất ức vì bị đối xử không ra gì, Đượm buông tiếng trách móc: "Anh khốn nạn thế, anh lại đánh em thế à?". Như lửa đổ thêm dầu, anh Luân tiếp tục chửi bới, xông vào túm tóc, đẩy vợ ngã ngửa ra sau rồi bóp cổ. "Anh ấy bảo: "Hôm nay tao cho mày ăn hết con vịt này" rồi đổ thau nước vịt vào mồm em. Anh ấy còn lấy chân dận vào phần dưới. Em bị sặc nước ặc ặc, không thở được. Tay em vẫn cầm dao và bây giờ em cũng không biết em đâm như thế nào nữa" - Đượm nói.
"Ước gì có hạnh phúc lại có cả tiền!”
Đỗ Thị Đượm là mẫu phụ nữ nông thôn chăm chỉ, tháo vát. Người Đượm sắt lại như vắt cơm, cứ quần quật từ sớm tới khuya, móng tay, móng chân đen sì vì nước ruộng, vì cám bã lợn gà.
Đượm kể rằng, hồi mới lấy nhau, hai vợ chồng nghèo túng lắm, ở căn nhà chồng bên rệ đường gần nghĩa địa một thời gian ngắn thì bị bão giật đổ. Bố Đượm cho 2 sào đất, vợ chồng Đượm mua gạch cũ về xây lên thì bị xã giật đổ vì không được phép xây dựng. Dắt díu ở nhờ nhà mẫu giáo của thôn một thời gian ngắn thì lại bị đuổi để họ xây trường học. Bác ruột của Đượm thấy thương quá mới bán cho mấy thước đất với giá 3,8 triệu đồng.
Cất lên căn nhà hai gian lợp ngói bro xi măng, mùa hè nóng như nằm trong chảo lửa, còn mùa đông thì lạnh thấu xương. Thấy em gái khổ quá, chị gái của Đượm mới bảo Đượm vào ở căn nhà chị vừa xây và sau đó bán luôn cho cô em, với giá 60 triệu đồng, bao giờ có tiền thì trả.
Mua nhà nợ hoàn toàn nên Đượm đánh liều vay tiền ngân hàng đi lao động xuất khẩu, thế rồi com cóp 9 năm, chị ta cũng trả hết tiền nợ nần và gửi cả tiền về cho chồng chạy chữa đợt bị tai nạn năm 2011 và nuôi con ăn học.
Trong câu chuyện, không dưới chục lần, Đượm thốt lên: "Đời em khổ lắm các chị ạ!". Đượm nói nhanh và nói nhiều, như thể chị ta muốn trút hết nỗi lòng bao lâu nay không được than thở cùng ai. Còn chúng tôi thì chợt thấy cay đắng khi nghe Đượm nói: "Ước gì em có cả hạnh phúc và cả tiền bạc!".
Kết cục của một người đàn bà cả đời vì chồng, vì con chấp nhận lang bạt nơi xứ người, để rồi nhận lại được gì ngoài những nghi ngờ, sỉ vả, dằn hắt và thói vũ phu của chồng mình?
- Chị có biết hôm qua là ngày gì không?
Không, bọn em ở nông thôn, chỉ biết hôm qua là mười tư, còn chả biết nó là ngày gì.
- Theo chị thì mâu thuẫn lớn nhất của hai vợ chồng là gì?
Có lần, anh ấy lên nhà ông bà ngoại em ăn cơm, lúc chén rượu vào có nói cạnh khóe, chọc chạch em: "Đi nước ngoài 9 năm mà không có được 1 tỷ mang về thì không bằng cái đứa ở nhà". Rồi anh ấy xúc phạm bằng nhiều lời lẽ bậy bạ khác nữa. Ngày mới lấy nhau anh ấy ngoan lắm, từ khi em đi lao động, anh ấy mới sinh ra thế, còn chửi ông bà ngoại em, chửi ác.
Có lần em nói với thằng út nhà em: "Mẹ chỉ ước 10 năm nữa có tiền, mẹ đi du lịch Đài Loan" thì anh ấy bảo: "l0 năm nữa thì con nó không nhận ra đâu". Cứ chọc chạch em suốt. Em trong sáng nên nghe như thế uất lắm. Không phải cứ muốn nói em thế nào cũng được.
- Thời gian chị đi nước ngoài, có nghe điều tiếng gì về chồng mình không?
Có. Năm 2004-2005 gì đó, em nhận tin anh ấy đưa một cô bé về ở cả tuần. Bữa đó em gầy róm đi, 1 tuần mà sút đi 3 cân. Sau anh ấy còn viết thư đòi ly hôn, bắt em chia đất. Thư từ em còn giữ cả. Em khóc suốt, không ăn không uống gì được. Chủ nhà thương quá bảo, mày khổ quá, đã phải sang đây lao động vất vả lại còn bị chồng phản bội.
- Khi bị đánh, sao chị không chạy đi?
Nào có chạy được, em bị dẩy ra đất, đầu vẫn còn sưng đây này. Mà chuyện có gì đâu. Hôm đó cái thằng lớn nhà em đang học cao đẳng ở Hà Nội nói là chiều nó sẽ về, tính nó hà tiện nên nếu nó về em mới làm thịt vịt thì nó không bằng lòng, em đành phải làm trước để chiều về con có miếng thịt mà ăn. Ai ngờ vừa cắt xong cái chân vịt thì xảy ra chuyện.
- Sau khi xảy ra sự việc thì chị làm gì?
Mọi người chạy sang can ngăn, mọi người nói, lấy quần cho nó thay. Em cũng ướt như chuột: Con em bảo, bố mẹ đánh nhau con sẽ bỏ đi. Nó lục quần áo, em sợ quá níu nó lại thì mọi người bảo nó đưa bố đi viện. Chồng em nằm thẳng dẵng, em lột quần mặc quần khác cho anh ấy mới phát hiện ra anh ấy bị em đâm vào đùi.
Em kéo cái khăn buộc vào vết thương rồi vơ cái chăn, gối cho anh ấy nằm đưa đi viện. Người thì bảo em thay quần áo đi lên nhà ngoại, người thì bảo đi theo chồng vào viện. Sau có người bảo, thôi lên nhà ngoại lánh đi, thế là em chạy lên nhà ngoại.
- Chị có hay bị chồng đánh không?
Những lần trước khi hết thời hạn lao động, em về nước thì chồng em lại đồng ý cho đi, đến lần cuối cùng này anh ấy không đồng ý thì em cũng không đi nữa. Nhưng lần này về nhà là em khổ nhất, bị đánh nhiều nhất.
Trước đây vào năm 1996 cũng bị đánh vào mặt, còn nguyên vết sẹo đây này. Khi anh ấy không đồng ý cho đi nước ngoài đã ném vali, rồi bóp cổ em, túm tay làm bong gân, giờ vẫn đau. Anh ấy hay kiếm cớ, lý do rất vụn vặt.
Con em có bạn gái, nó chụp ảnh gửi về, anh ấy xem bảo: "Con này chỉ cao mét mấy, mét mấy thôi". Em đang nằm trên giường mới nói: "Mét mấy thì bây giờ là bạn gái của nó rồi việc gì phải lôi thôi, mình không thích cho nó lấy thì kéo nó về". Anh ấy bảo: "Đời tao đã lấy phải vợ lùn rồi, giờ con tao không thể lấy vợ lùn nữa, phải lấy vợ cao hơn để lai giống". Em bảo: "Gớm! Nó lấy nhau là cái duyên cái số, anh không thích thì gọi con về. Nay mai anh thấy đứa nào cao ráo thì đi hỏi cho nó làm vợ". Xong cứ cãi nhau chuyện con bé đấy đi guốc 5 phân hay l0 phân. Thế là anh ấy chửi em, bóp cổ bảo, 3 đời sau không cho con mình lấy gái lùn và gái họ Đỗ. Lần nào đánh em, anh ấy cũng bóp cổ.
- Giờ cho chị làm lại, có đánh đổi hạnh phúc gia đình với tiền bạc không?
Nếu em không đi làm thì không có tiền trả nợ, ước gì em có cả hanh phúc gia đình và có cả tiền bạc.
- Với linh cảm của người vợ, chị nghĩ chồng mình hiện đang như thế nào?
Sáng sớm nay, em nằm mê thấy một người đàn ông nói với em là anh ấy chết rồi, còn nói cả giờ chết. Em giật mình tỉnh đậy. Giờ với lương tâm của mình, em chỉ cầu mong anh ấy tai qua nạn khỏi. Vợ chồng sau này thông cảm cho nhau, bỏ qua tất cả quá khứ lỗi lầm của cả hai thì tốt, bằng không thì anh ấy cứ đi lấy vợ mới.
Theo Đinh Hiền-Xuân Mai