Phân cấp cho địa phương không phải nới lỏng thi tốt nghiệp

Phân cấp cho địa phương không phải nới lỏng thi tốt nghiệp
TP - Năm nay việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được phân cấp cho địa phương. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đây không phải là biểu hiện nới lỏng bởi kỳ thi có nghiêm túc hay không phụ thuộc vào quá trình dạy học, không hoàn toàn phụ thuộc vào mấy ngày thi.

> Thí sinh có quyền xin phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói:

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một số điểm mới so với trước đây. Chẳng hạn, từ năm nay, Bộ không bắt buộc các tỉnh phải tổ chức thi theo cụm. Nơi nào có điều kiện thì thi theo cụm, nơi nào không thì thôi.

Hoặc mọi năm có quy định chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương, năm nay giám khảo tỉnh nào chấm thi cho thí sinh tỉnh ấy. Tuy nhiên chúng tôi đã lưu ý các địa phương, nội bộ từng Sở GD&ĐT vẫn phải thực hiện triệt để nguyên tắc chấm chéo: giáo viên không chấm bài thi chính học sinh của mình.

Không chỉ “chéo” trong chấm thi mà còn phải “chéo” trong các khâu khác của kỳ thi. Chẳng hạn, cán bộ, giáo viên có người thân dự thi thì tuyệt đối không được tham gia phục vụ kỳ thi, dù ở khâu nào.

Với yêu cầu chấm chéo trong phạm vi một địa phương, sẽ xử lý thế nào khi cả tỉnh chỉ có một hội đồng chấm thi, thưa ông?

Dù chỉ có một hội đồng chấm thi, nhưng người ta sẽ chia thành nhiều nhóm chấm khác nhau, bài thi của thí sinh cũng sẽ chia theo khu vực. Người phụ trách hội đồng thi có trách nhiệm phân công các nhóm chấm chéo nhau, đảm bảo giám khảo khi chấm bài sẽ không gặp bài thi của học sinh trường mình.

Đối với các nơi trọng điểm, Bộ sẽ cử thanh tra chốt tại địa điểm coi thi, chấm thi.

Ông nghĩ sao khi có dư luận cho rằng những thay đổi năm nay về thi tốt nghiệp THPT là biểu hiện nới lỏng kỳ thi của Bộ GD&ĐT?

Hoàn toàn không phải như vậy. Qua mấy năm chúng ta tổ chức thi cụm, chấm chéo, rồi thanh tra ủy quyền…, sự nghiêm túc trong thi cử đã được nâng cao hơn trước đây.

Quan điểm của ngành GD&ĐT là thi cử có nghiêm túc hay không trước hết do chất lượng dạy học quyết định. Nếu thí sinh được chuẩn bị kiến thức tốt thì các em vào thi với khí thế tự tin, nếu không các em thiếu tự tin và sự thiếu nghiêm túc cũng từ đó mà ra.

Hơn nữa, chúng ta phải coi trọng trách nhiệm của chính những người đi làm thi. Họ mới là những người làm nên kỳ thi nghiêm túc chứ không phải mấy ông thanh tra.

Năm nay, hội đồng thi địa phương được tăng cường trách nhiệm Ảnh: Hồng Vĩnh
Năm nay, hội đồng thi địa phương được tăng cường trách nhiệm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bộ có biện pháp cụ thể gì để đảm bảo thi cử phản ánh đúng chất lượng dạy và học?

Tôi khẳng định lần nữa, chất lượng dạy và học đảm bảo chất lượng thi. Dạy và học trong nhà trường là hoạt động suốt cả năm học, từ năm này qua năm khác.

Dạy học tốt thì kết quả sẽ tốt. Dạy học tốt, học sinh tự tin, giáo viên tự tin thì thi cử sẽ nghiêm túc. Nếu dạy học không tốt thì rất khó làm cho kỳ thi nghiêm túc, đạt kết quả cao.

Để có một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng đòi hỏi một sự cố gắng thường xuyên liên tục của Bộ, của các cơ sở giáo dục.

Đồng thời công tác chuẩn bị thi là chuẩn bị kiến thức cho học sinh ngay trước kỳ thi, ví dụ như tổ chức ôn tập cho học sinh, phải đặc biệt coi trọng việc tổ chức giúp đỡ cho học sinh yếu kém.

Trong những năm vừa qua các trường ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc phát hiện những học sinh yếu kém để tổ chức ôn tập, điều đó làm cho học sinh tự tin hơn, kết quả cao hơn.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG