Theo TS Vũ Thành Tự Anh, cần phân bổ nguồn vốn vay hợp lý theo các tín hiệu của cơ chế thị trường. |
Ông nói cần lựa chọn, phân loại các nhóm ngân hàng để có những chính sách tín dụng thích hợp. Việc lựa chọn có dễ làm?
Về mặt kỹ thuật không có gì là khó, các nước phát triển đã làm rồi, họ chia ngân hàng ra thành 5 nhóm. Các nhóm rất tốt nhà nước không cần can thiệp gì cả, để họ tự vận hành. Chỉ có hai nhóm cuối là đặc biệt có vấn đề và nhóm có vấn đề mới cần can thiệp. Với nhóm đặc biệt có vấn đề thì phải đưa vào trạng thái kiểm soát đặc biệt. Ngân hàng Nhà nước phải đóng vai trò người cho vay cuối cùng, người quản lý và điều tiết rủi ro.
Với chính sách siết chặt tiền tệ và tín dụng hiện nay, làm thế nào để vẫn có thể nuôi dưỡng sản xuất và để những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả tiếp cận được vốn?
Ở các nền kinh tế phát triển hơn, nói cách khác là nền kinh tế thị trường hiệu quả hơn thì ngân hàng là nơi phân bổ nguồn lực, sự phân bổ đó dựa vào các tín hiệu thị trường. Có nghĩa là một doanh nghiệp hiệu quả sẽ huy động được vốn; không những thế còn huy động được vốn lãi suất rẻ hơn.
Còn những doanh nghiệp khác kém hiệu quả hơn thì có thể không huy động được vốn, hoặc huy động với lãi suất cao hơn. Cơ chế thị trường tạo ra sự vận hành trơn tru và thông suốt của hệ thống, nhờ đó mà những dòng vốn khan hiếm có thể chảy đến những người sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Còn cơ chế phân bổ nguồn lực của Việt Nam lại là sự hỗn hợp của cơ chế thị trường và cơ chế hành chính. Chính cơ chế hành chính trong phân bổ vốn vừa qua làm méo mó thị trường vốn của Việt Nam, làm cho doanh nghiệp đáng lẽ ra không được vay vốn bởi vì nó kém hiệu quả;
Đáng lẽ ra thậm chí có thể bị phá sản nhưng vẫn tiếp tục được bơm vốn, và điều này làm cho phân bổ vốn của nền kinh tế không hiệu quả. Tức là người kém hiệu quả có thể nhận được vốn, điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều người hiệu quả lại không nhận được vốn. Thế nên quan trọng là phải phân bổ vốn cho hiệu quả hơn.
Việc phân bổ nguồn vốn có hiệu quả sẽ giúp cho những doanh nghiệp có hiệu quả, mặc dù nền kinh tế vẫn khó khăn nhưng họ vẫn có thể có vốn. Và họ làm tăng nguồn cung, từ đó tạo ra cơ hội để giảm lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước phát ra thông điệp siết tín dụng trong khu vực phi sản xuất, theo ông đó là tín hiệu gì?
Đấy là chính sách đúng. Tuy nhiên, cách thực hiện lại dường như không ổn. Theo quy định, đến 30-6 các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 22% và sáu tháng tiếp theo sẽ phải giảm xuống còn 16%.
Cho vay đầu tư hay cho vay bất động sản là những khoản cho vay trung và dài hạn. Nhiều ngân hàng hiện nay có tỷ lệ cho vay phi sản xuất lên đến 40-50, thậm chí trên 50%. Mà để họ giảm từ mức 40-50% xuống mức 22% trong thời gian rất ngắn là rất khó.
Quy trình ra chính sách của Ngân hàng Nhà nước nên cải tiến; trước khi ra một chính sách gì, phải dự báo được phản ứng của các tác nhân chịu tác động của chính sách đó như thế nào, với sự phản ứng như thế thì xem chính sách có hiệu quả hay không. Và sau khi chính sách được thực hiện thì phải đánh giá lại xem chính sách đó có đạt được các mục tiêu ban đầu hay không...
Làm chuẩn thì phải làm thế nào, thưa ông?
Làm chuẩn thì như tôi vừa nói, tức là đầu tiên anh phải xem các ngân hàng có mức độ khác nhau khi cho vay bất động sản, cho vay chứng khoán, cho vay tiêu dùng như thế nào, phân loại ngân hàng dựa trên tiêu thức đó, sau đó đối với từng nhóm ngân hàng có chính sách thích ứng.
Đại Dương thực hiện