Phạm Xuân Ẩn - Điệp viên hoàn hảo (Kỳ 2)

Phạm Xuân Ẩn - Điệp viên hoàn hảo (Kỳ 2)
TP - Trong suốt ngày làm việc cuối cùng của tôi với ông, Phạm Xuân Ẩn luôn lo ngại rằng những điều ông nói ra có thể gây hậu quả ngược lại không phải đối với ông mà là đối với những người khác.
Phạm Xuân Ẩn - Điệp viên hoàn hảo (Kỳ 2) ảnh 1
Ông Phạm Xuân Ẩn.

>> Kỳ 1

Lúc đó tôi rất trân trọng đề nghị này của ông Phạm Xuân Ẩn. Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng ông không muốn đọc bản thảo trước khi cuốn sách của tôi được xuất bản. Ông dẫn ra một câu thành ngữ Việt Nam “Văn mình, Vợ người”.  

Ông khẳng định nếu đọc sách của tôi ông sẽ tìm thấy những đoạn mà ông không thích nhưng ông không muốn là người chỉ ngồi rồi đưa ra đánh giá này nọ về những kết luận mà người viết tiểu sử cho mình đưa ra. Vì ông đã chọn không tự viết về câu chuyện cuộc đời mình.

Ông Phạm Xuân Ẩn và tôi đã thỏa thuận với nhau như vậy. Đổi lại, tôi có điều kiện thuận lợi không ai sánh bằng để tìm hiểu về người điệp viên.

Tôi tự thấy mình phải làm việc rất khẩn trương. Ông Phạm Xuân Ẩn đã yếu lắm rồi và thường hay nói đến cái chết, đại loại như “Tôi đã sống quá lâu rồi ông ạ”.

Sau khi đã được phép của ông Phạm Xuân Ẩn rồi, tôi quyết định đến gặp ông càng nhiều càng tốt. Chẳng ai có thể biết khi nào thì ông vĩnh viễn ra đi. Vào thời điểm ông Phạm Xuân Ẩn cảm thấy ngày ra đi của ông đang đến rất gần, ông bỗng tỏ ra cởi mở hơn, cung cấp cho tôi những tài liệu quý giá mà ông thu được trong chiến tranh.

Đó là hàng chục bức ảnh cá nhân và những trao đổi thư từ, tiếp cận với những thành viên trong mạng lưới của ông, những người bạn của ông ở Mỹ và quan trọng nhất là ông cho tôi lật giở đến tận đáy chiếc tủ gia đình đựng tài liệu của ông.

Chiếc tủ bằng sắt cũ kỹ và han gỉ trong đó lưu giữ hàng chục tài liệu ẩm mốc. Tôi làm việc với ông Phạm Xuân Ẩn trong hoàn cảnh chẳng khác nào Doris Kearns làm việc với (cựu Tổng thống Mỹ) Lyndon Johnson. Đó là hoàn cảnh trong đó nhân vật ở giai đoạn mùa đông của cuộc đời.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa dám chắc là tôi đã lấy được hết những thông tin từ một nhà tình báo gạo cội từng làm việc trong một vỏ bọc hoàn hảo. Có thể ông Phạm Xuân Ẩn vẫn còn áp dụng cả với tôi nguyên tắc kỷ luật và kỹ thuật phân khúc nhằm chia cắt từng đoạn thông tin mà ông từng áp dụng trong chiến tranh.

Thời kỳ chiến tranh không một ai trong số những người bạn Mỹ và bạn Việt Nam của ông thực sự hiểu con người Phạm Xuân Ẩn. Tên của ông trong tiếng Việt có nghĩa là bí ẩn hay bí mật. Quả thật, tên của Phạm Xuân Ẩn cũng đúng như cuộc đời ông vậy.

Tôi đã tiến hành nghiên cứu tại các kho lưu trữ tài liệu trên khắp nước Mỹ để tìm thêm thông tin. Tôi tìm được tư liệu trong những bài báo của Robert Shaplen lưu giữ tại Hội Lịch sử Wisconsin; những bài báo của Neil Sheehan tại Thư viện của Quốc hội Mỹ; những bài báo của Frank McCulloch tại trường Đại học Nevada; và những bài báo của  Edward Lansdale tại thư viện Học viện Hoover.

Tôi đã phỏng vấn hàng chục bạn học và bạn của ông Phạm Xuân Ẩn, trong đó có những người biết ông từ ngày ông còn đang học ở trường Orange Coast College (Hoa Kỳ).

Mỗi chuyến đi sang Việt Nam, tôi đều làm mới lại những nguồn tài liệu gốc. Mắt ông Phạm Xuân Ẩn sáng lên mỗi khi ông nhìn thấy những dấu ấn cuộc đời ông đã đi qua và biết rằng tôi đang tạo dựng lên một sự hiểu biết độc lập vượt quá cả những điều người khác có thể làm được. Đó cũng chính là tất cả những gì ông Phạm Xuân Ẩn mong muốn ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời.

Ông Phạm Xuân Ẩn bảo tôi cho ông sử dụng nhờ chiếc máy ghi âm nhỏ xíu của tôi để ông ghi âm mấy lời chia tay mà ông muốn gửi cho những người bạn cũ ở Mỹ. Ông đã quá yếu không thể viết hoặc đánh máy chữ được.

Ông Phạm Xuân Ẩn muốn nói mấy lời cám ơn và tạm biệt. Ông bảo rằng tôi có thể sử dụng bất cứ điều gì ông đã nói với tôi để hiểu bối cảnh sự việc, trừ những điều ông đã lưu ý không đưa vào sách trong một vài buổi trao đổi với tôi. Chỉ khi những người trong cuộc đồng ý, cho phép thì tôi mới có thể sử dụng những thông tin ấy đưa vào sách.

Ông Phạm Xuân Ẩn còn nhờ tôi chuyển trả lại cho tác giả của những bức thư riêng mà những người bạn Mỹ đã gửi cho ông trước đây.

Ông Phạm Xuân Ẩn mất ngày 20/9/2006, đúng 8 ngày sau sinh nhật lần thứ 79 của ông. Linh cữu của ông được quàn 2 ngày cho công chúng đến viếng trước khi đám tang ông có đầy đủ lễ nghi quân sự được tổ chức.

Tại lễ tang có một số vòng hoa viếng ông Phạm Xuân Ẩn, trên dải băng tang đề những dòng chữ chẳng liên quan gì đến việc ông là một nhà tình báo, một Anh hùng.

Một số dải băng tang cài trên những vòng hoa này viết: “Kính viếng người thầy kính yêu Phạm Xuân Ẩn, chúng em luôn ấp ủ tình hữu nghị của thầy - Dự án Việt Nam, Đại học Harvard”.

Trên một vòng hoa khác viết dòng chữ: “Với tất cả lòng biết ơn sâu sắc nhất vì những lời khuyên và khích lệ của thầy - Chương trình dạy kinh tế học Fulbright.

Và một vòng hoa khác viết: “Những ký ức đáng yêu và khâm phục đối với Phạm Xuân Ẩn - Neil Susan, Catherine, và Maria Sheehan”.

* Tít do Tiền phong đặt

Nguyễn Đại Phượng dịch

MỚI - NÓNG