Đây là quy định tại Nghị định 133/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự và sẽ có hiệu lực từ 25/12. Nghị định 133/2020 áp dụng với đối tượng là phạm nhân, học sinh trong cơ sở giao dưỡng, trại giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…
Theo Nghị định, phạm nhân được Nhà nước cấp tiêu chuẩn ăn mỗi tháng gồm 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 1 kg thịt lợn; 1 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ và chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.
Với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại; nữ phạm nhân có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng được tăng tiêu chuẩn ăn. Phạm nhân thi hành án tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 5 tỉnh Tây Nguyên được cấp chăn, áo ấm.
Ngoài ra, phạm nhân được học văn hóa nếu mù chữ hoặc tái mù chữ. Phạm nhân phải được phổ biến pháp luật, thời sự; tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, học nghề… Người nước ngoài được sử dụng các tài liệu học tập bằng ngôn ngữ của mình nhưng khuyến khích tự học tiếng Việt.
Trong thời gian thi hành án, phạm nhân phải chấp hành các quy định của pháp luật, ai vi phạm kỷ luật sẽ bị giam tại buồng kỷ luật. Tại đây, phạm nhân chỉ được mang theo các đồ dùng phục vụ sinh hoạt cá nhân. Buồng kỷ luật phạm nhân phải bảo đảm chặt chẽ về an ninh; bảo đảm ánh sáng, thông thoáng và theo mẫu thiết kế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Khi bị giam tại buồng kỷ luật, nếu phạm nhân nhận rõ sai phạm, ăn năn hối cải, quyết tâm sửa chữa sẽ được xem xét cho ra khỏi buồng kỷ luật trước thời hạn.
Cũng theo Nghị định 133/2020, trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ được hưởng chế độ ăn do Nhà nước chi trả; các ngày lễ, Tết được hưởng chế độ ăn bằng 5 lần ngày thường; ngày Quốc tế Thiếu nhi và Trung Thu được hưởng chế độ ăn bằng 2 lần ngày thường.
Mỗi tháng, các cháu phải được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ/em. Các em được cấp thẻ bảo hiểm y tế; chăm sóc, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Trẻ em và Luật Bảo hiểm y tế.
Trường hợp trẻ em bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá, cơ sở giam giữ phải làm thủ tục chuyển đến cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị đồng thời trích xuất và áp giải phạm nhân là mẹ đi cùng chăm sóc.