> Những vị quan ‘lạc lối vì… ham ăn’
Tập thơ tự tuyển của Phạm Công Trứ có cái tên nửa Nôm nửa Hán "Cỏ may thi tập", phảng phất hơi hướng chữ nghĩa thời thị trường, kiểu "Bạn tôi quán", "Cầy tơ quán",... Đọc tuyển thơ đầy tự tin này (320 trang, 183 bài thơ, NXB Văn học 2000) mới biết Phạm Công Trứ làm thơ từ hồi còn trong quân ngũ, về lí (và về tuổi) có thể xếp vào "lứa chống Mỹ", trước 1975.
Nhưng những bài thơ tân binh ấy, giá có được công bố ngay thời điểm sáng tác, cũng chẳng được ai để ý? Tác giả cũng biết vậy nên xếp nó ở cuối thi tập, dưới một cái tên chung là "Rừng", ăn theo ba phần trước là "Quê", "Em" và "Tuyết".
Bài thơ làm nên cái tên Phạm Công Trứ là "Lời thề cỏ may" (1986). Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên Phạm Công Trứ đến toà soạn Tiền Phong, mang theo bài thơ. Một gã sinh viên gốc gác nông thôn, quần áo nhàu nhĩ, răng lợi lủng củng, râu ria xúm xít, mắt cúp có đuôi, hay nhìn từ dưới lên kiểu Trùm Sò. Đấy là tướng người nhút nhát nhưng đa tình, không kém phần tinh quái. Bài thơ lục bát mang hơi hướng Nguyễn Bính không cần che giấu, được chấp nhận một cách dễ dàng, được đăng báo ít tuần sau. Trong thâm tâm, tôi không đánh giá cao bài thơ, cũng không tin tưởng lắm vào sự phát triển của cây bút này.
"Lời thề cỏ may" có "họ hàng" quá gần gũi với "Chân quê" của Nguyễn Bính viết trước đó tròn nửa thế kỉ (1936), thậm chí có thể nói Phạm Công Trứ đã "nhại" lại bài thơ nổi tiếng của người đi trước? Vẫn một tứ thơ hoài cổ, muốn níu giữ những gì đã quen thuộc từ "ngày xửa ngày xưa". Vẫn một tâm trạng ích kỉ, hoang mang của anh con trai xưng "tôi" trước sự thay đổi của "em". Thay đổi gì? Thay đổi về chuyện ăn mặc: anh trai quê của Nguyễn Bính khó chịu với "khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ áo cài khuy bấm..."; cái người xưng "tôi" của Phạm Công Trứ cũng mặc cảm trước "Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò".
"Em" của ông Bính "đi tỉnh", "em" của Trứ "ra thành phố". Câu chuyện buồn của hai thời đại cùng diễn ra trên một con đê, bờ đê. Xét nét hơn nữa thì có thể chỉ ra sự lặp lại cả về hình thức: hai bài thơ đều được " gói lại" bằng một cặp lục bát tách rời với phần trên Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều (N B); Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may (PCT)! Đó là lí do khiến Trần Đăng Khoa hạ bút "phán" những câu xanh rờn "đọc Phạm Công Trứ vẫn nhớ đến Nguyễn Bính. Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu trải giữa làng văn rồi". (1996).
Có một điều lạ là bài thơ ấy lại rất được bạn đọc hâm mộ, được in đi in lại nhiều lần, được dùng làm tên cho tập thơ đầu tay của Trứ và cả 2 tập tiếp theo (Lời thề cỏ may I, 1990; Lời thề cỏ may II, 1993; Lời thề cỏ may III, 1996). Cỏ may trở thành một thứ thương hiệu do Trứ sở hữu, bởi thế mới có "Cỏ may thi tập"! Giải thích chuyện này thế nào? Phải chăng có hiện tượng "lại giống", "lại gạo" trong thị hiếu của công chúng thơ?
Nhưng không phải Nguyễn Bính được hâm mộ thì đệ tử của ông cũng dễ dàng được hoan hô! Hơn nửa thế kỉ qua, người bắt chước lối thơ Nguyễn Bính nhiều không đếm xuể, nhưng thành danh được có lẽ chỉ một Phạm Công Trứ? Điều đó chứng tỏ anh có tài. Từ năm 1996, Vũ Nho đã khẳng định Phạm Công Trứ có tài. Trong khoảng hơn 10 năm mà in được 4-5 tập thơ, trên 200 bài, không phải bài nào cũng hay nhưng không có bài nào quá dở, làm thành một điệu riêng, giọng riêng, hẳn phải là người tài? Nhưng điều quan trọng hơn là anh còn gặp thời nữa.
Năm "Lời thề cỏ may" xuất hiện trên văn đàn (1986) cũng là năm bắt đầu một thời kì đặc biệt của đời sống Việt Nam, được định danh là thời Đổi mới. Đổi mới thì có nhiều cái hay, cái tốt - và phải khẳng định cái hay cái tốt là chính- nhưng cũng có nhiều cái dở, cái chướng tai gai mắt, thậm chí đau lòng.
Đồng tiền lên ngôi, đô thị bành trướng, môi trường suy thoái, làng quê vốn đã bị xáo trộn vì chiến tranh, vì phong trào này, chiến dịch nọ, nay lại cuốn vào một cơn lốc mới, chưa biết điểm dừng ở đâu. Từ thời Nguyễn Bính đến nay mới lại có một cuộc thay đổi sâu sắc như vậy. Thay đổi từ điếu thuốc đầu lọc trên môi đến hộp bia trong bữa ăn. Từ dây xu-chiêng của cô thôn nữ đến chiếc quần bò kéo khoá cái rẹt của anh con trai...
Không phải chỉ thành thị xâm nhập nông thôn, còn có quá trình ngược lại nữa. "Chợ quê" họp trên tầng thượng khách sạn, muốn "đi chợ" ăn bún ốc phải vào thang máy. Quán karaoke treo biển "Hương quê", "Hương bưởi"... Gà quê, gạo quê, gái quê... món gì cũng phải có cái đuôi "quê" thì mới đảm bảo là thứ thiệt! Nhà quê lên ngôi, trở thành mốt lúc nào không hay. Nông thôn hi sinh cả "thương hiệu" của mình cho đô thị tham lam. Trong không khí "nhà quê muôn năm" ấy, Phạm Công Trứ được hoan nghênh, "ăn khách", tưởng cũng không có gì là lạ?
Nhưng Phạm Công Trứ chỉ là người gặp thời, may mắn, chứ không phải là người theo thời, a dua. Anh là người nhà quê chính hiệu, một anh trai quê có tâm hồn thi sĩ, giữa thời buổi toàn cầu hoá.
Xưng nhà quê bây giờ đôi khi chỉ là một cách giả vờ nhún nhường. Lê Lựu, Trần Đăng Khoa đăng đàn ở đâu cũng trương cái biển nhà quê to đùng, ai dám bảo là hai ông ấy lớ ngớ? Phạm Công Trứ cũng vậy. Phạm Công Trứ |
Những dòng tự hoạ sau đây khá chuẩn Chốn đô hội hắn đi đầu cúi xuống/ Còn tóc tai thì cứ xù lên/ Giữa giảng đường com-lê, cà vạt/ Cao giọng rồi, trông hắn vẫn nhom nhem. Hiểu con người, Trứ hiểu cả thơ mình. Khiêm tốn ư? Có vẻ thế thôi, thực ra là kiêu ngầm Rừng chữ nghĩa những ai kia tùng bách/ Còn ai kia là kiếp hổ, kiếp nai/ Hắn tự biết kiếp mình là cỏ/ Cỏ tầm thường vẫn bám váy ai! (Hắn) Từ ngày ông Uýt-man của Hoa Kỳ vinh danh cho cỏ trong thơ bằng cái câu thoạt nghe thật tội nghiệp Hãy tìm tôi dưới gót giày của anh! thì vô số thi sĩ thường tự ví mình với cỏ. Nhưng Trứ vừa tiếp thu, vừa biết phát triển. Cỏ của anh là cỏ may, không sắc cũng không hương, mọc nơi vệ đường, bờ đê, chẳng để làm gì, chỉ để bám váy ai chơi! Câu thơ cợt nhả, đúng kiểu trơ tráo của anh trai quê trong ca dao Sáng trăng vằng vặc/ Vác c. đi chơi/ Gặp đàn vịt trời/ Giương cung anh bắn/ Gặp cô yếm thắm/ Đội gạo lên chùa/ Thò tay bóp vú... Tục là một yếu tố làm nên cái quê thứ thiệt của thơ Trứ. Tập "Phồn thi" (NXB Hội Nhà văn 2004) tục từ cái tên, đôi khi mấp mé vè tiếu lâm Dù đài các hay quê mùa/ Cũng thích phần xác, cũng ưa phần hồn/ Dẫu chuộng thực hay chuộng khôn/ Chung quy vẫn một vần "ồn" mà ra (Phồn thi). Đọc bài "Khỏa", như được xem... truyền hình Thoạt đầu khỏa tay/ Nuột nà tay trắng/ Rồi thì khỏa chân/ Ngọc ngà chân thẳng/ Rồi thì khỏa ngực/ Mởn mơ ngực hồng/ Rồi thì khoả hông/Hông đầy ngồn ngộn/ Bây giờ khỏa rốn/ Rốn tròn bây by. Thi sĩ cũng khéo "cắt cảnh" như đạo diễn Rồi nữa khỏa gì?/Gặp em hỏi nhỏ/ Em cười quay đi! Nhân một cuốn sách dịch thời thượng, Phạm Công Trứ có cả một bài thơ, khề khà bàn về mấy thứ cánh mày râu suốt đời nghi ngóp, không ngại "gọi sự vật bằng tên của nó" "Phong nhũ phì đồn"/ Thật thà chuyển ngôn/ Vú to mông nở/ Người dịch tự sửa/ "Báu vật của đời"/ Nhân cái chuyện ấy/ Mấy dòng bàn chơi. Hình như anh hơi có ý diễu thói sính chữ nghĩa che đậy của người đời Tên thường gọi vú/Đích thị đàn bà/ Để cho văn vẻ/ Chữ là nhũ hoa/ Đứa trẻ lên ba/ Gọi là cái" tí"/ Thêm tý duy mĩ/ Bồng đảo đôi gò/ Nàng chửa muốn cho/ Cau còn non lắm... Có một ám ảnh phồn thực trong hồn thơ này, phải chăng là từ thời thơ ấu Ta về lặn lại sông sen/ Trồi lên mặt nước hé xem chúm hồng? Cứ động đến... chỗ ấy, anh có giọng thơ rất trìu mến, âu yếm Cổ áo rộng ra, váy ngắn dần/ Nõn nà ngà ngọc bọc thanh tân...
Cái trên trễ xuống, cái dưới co lên, vần điệu quấn quít , nâng niu. Tục trong thơ Phạm Công Trứ vẫn nằm trong phạm vi truyền thống với bà cố tổ là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đừng tưởng nói tục, nhất lại tục trong thơ là dễ. Cái tục phải chọn đúng đối tượng, đúng cảnh, nếu không muốn gây nên phản cảm, thậm chí trở thành quái vật trước con mắt mọi người. Không ai văng tục trong phòng khách nhà người ta, sớm mồng một tết. Cũng ít anh com-lê, cà-vạt dám ngồi xổm trên hè phố ăn bún đậu mắm tôm.
Chính cái vẻ quê quê, cái giọng thơ khề khà, lè phè, luẩn quẩn, gàn gàn của Trứ khiến cái tục trở nên đắc địa, nếu chưa hay thì cũng không chướng. Như cái bài "Về làng" này Giật lùi cắm mạ xuống đồng/ Từng hàng nón trắng chĩa mông lên trời/ Đã qua thế kỉ hai mươi/ Về làng còn thấy bao người... bán mông!
Hay thì chẳng lấy gì làm hay (Trứ có nhiều bài tầm tầm như vậy, nhất là "Cỏ may thi tập"), nó như nhại lại câu ca dao hài hước của chàng nho sĩ vô danh, chỉ thêm chút "thế kỉ hai mươi "Em ơi tội vạ gì đâu/ Suốt ngày em chổng phao câu lên trời. Nhưng bài thơ đặt trong cả tập, đặt trong cái " trường" chung của thơ Trứ không bị " vênh".
Cũng cái mông ấy nhưng tại sao khi Nguyễn Thụy Kha viết Em quanh năm mông chổng lên trời/ Còn ta thi sĩ rong chơi thì đọc lại thấy gợn? Có lẽ vì Kha không "bình dân" như Trứ. Cái tục, cái bông phèng, tếu táo (chữ của Vũ Quần Phương) là nét khu biệt thơ Phạm Công Trứ với bậc đàn anh, bậc thi bá Nguyễn Bính.
Phạm Công Trứ đi lính thì ôm được chữ Thọ. Ra quân là quyết chí vào đại học. Tốt nghiệp bám trụ Thăng Long. Rồi đi Tây lấy bằng "phun thuốc sâu". Về nước, ngoảnh đi ngoảnh lại đã có hàm Phó Giáo sư, có nhà xây to đùng như trụ sở ủy ban quận... Con đường của Phạm Công Trứ, Trần Đăng Khoa... khá điển hình cho sức vươn lên của con em nông dân ngày nay trong sự thăng trầm của thế cuộc. Điều đáng quý là Phạm Công Trứ khá thành thật. Thơ anh có sự ngất ngưởng, ung dung tự tại. Có buồn cũng là buồn thực, không làm dáng.
So sánh với bạn bè thành đạt, Trứ không mặc cảm Thương mình lạc nẻo văn chương/ Thương người mộng chốn quan trường vân vi/ Văn trường đắc ý mấy khi/Quan trường chung cuộc lấy gì làm tin? Về chơi “Hội làng" anh bình tĩnh trước những phôi pha của màu sắc dân gian Trai làng đóng khố/ Khố sợi ni-lông/ Gái làng đeo yếm/ Yếm thêu a-còng/ Chú Tễu ngoái trông/ Tờ tranh quảng cáo/Mẹ Đốp lắc mông/Trả lời nhà báo...
Cả khi suy ngẫm về chung cục của cõi người, Phạm Công Trứ cũng không bi luỵ Là hoa thì nở/Hoa nào có biết/Đã nở là tàn/ /Là sông thì chảy/Sông đâu có biết/Đã chảy là tan/Là người thì sống/Biết sống là già/Biết già là chết/Biết chết là hết!!! Sự bình tĩnh, thậm chí là thản nhiên trước thành bại tử sinh, không bi kịch hoá cuộc đời, theo tôi cũng là cái khỏe mạnh của người lao động, người nông dân mà Trứ thừa hưởng.
Đời cũng nửa hài, nửa bi
Nhà thơ, nhà báo Phạm Công Trứ mới nghỉ hưu được một tháng ở toà soạn báo Pháp Luật Việt Nam. Mải “gỡ lời thề cỏ may” nên ông lấy vợ tương đối muộn, bà xã kém chục tuổi. Hai con của nhà thơ đều đang học cấp ba, con lớn học lớp 12, con nhỏ mới vào lớp 10: “Bây giờ tôi vẫn phải lo cho chúng ăn học, nên cũng không nhàn nhã gì. Nhưng biết sao được, số nó vậy rồi”. Phạm Công Trứ nhận: Thơ tôi nửa bi, nửa hài. Đời cũng nửa hài, nửa bi. “Bi”, bởi lẽ, ông là người được học hành, đào tạo bài bản: “Mình bằng cấp nước ngoài hẳn hoi, bảo vệ bên Nga, song lại thích làm văn, làm báo, đường sự nghiệp không thành đạt. Nó có chất giống ông Nguyễn Bính, hơi… lỡ buớc”, nhà thơ tự trào. Tác giả “Lời thề cỏ may” nguyên là một thầy giáo, duyên nợ với nghiệp viết đã khiến vị phó giáo sư tiến sỹ Luật rời bỏ giảng đường. Phạm Công Trứ vẫn đang tiếp tục sáng tác. Ở tuổi sáu mươi, ông chuyển sang dạng thơ thiền, ngẫm nhân tình thế thái. Hỏi: “Ngoài đời ông có tếu táo như những gì ông viết trong “Phồn thi” không?”, ông đáp: “Mình gốc nông dân, nông dân vùng biển (Hải Hậu – Nam Định) nên chất dân gian, tếu táo cứ tự nhiên vậy thôi”. Phạm Công Trứ nhận mình là “lão xấu giai”. |