Nhà báo Hữu Thọ:

Phải tạo môi trường để người tài được trọng dụng

Bác Hồ dự Đại hội thi đua thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc, tháng 1/1967. Ảnh: TL
Bác Hồ dự Đại hội thi đua thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc, tháng 1/1967. Ảnh: TL
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng, để thực hiện mong muốn của Bác về một đất nước Việt Nam giàu mạnh thì chúng ta phải thực hành dân chủ rộng rãi, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để người tài có cơ hội được trọng dụng, cống hiến xây dựng đất nước.

Trọn đời vì Nhân dân và Dân tộc


Nhớ đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông muốn nói điều gì mà mình tâm đắc nhất?

Gần nửa thế kỷ Bác Hồ xa chúng ta. Người để lại Di chúc nói rất nhiều việc, nhiều vấn đề lớn. Kết thúc Di chúc, Bác mong muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Tất cả chúng ta hiện nay đang thực hiện Di chúc, mong muốn cuối cùng của Bác. 

Trước khi nói tới Di chúc, tôi luôn nghĩ tới bối cảnh trước và sau khi Người khởi thảo những lời dặn lại đời sau. Chúng ta còn nhớ, 3 tháng trước khi khởi thảo Di chúc, Bác có lên Côn Sơn, đi theo có anh Hoài Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng lúc đó. Bác có dịch câu của Nguyễn Trãi là: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân...” như lời nhắn nhủ vị chủ tịch trẻ tuổi về vai trò của nhân dân và trách nhiệm với nhân dân, vì anh Hoài Bắc lúc đó là một trong hai vị chủ tịch trẻ nhất ở miền Bắc. 

Bác kết thúc viết Di chúc lúc 11 giờ ngày 10/5/1968, thì 2 tháng sau Bác đã gặp chị Mácta Rôhat, phóng viên Cuba (có lẽ là phóng viên cuối cùng Bác gặp), trong bài được đăng trên báo Grama của Đảng Cộng sản Cuba ngày 14/7/1969, ghi lại lời Bác: “Tôi hiến cả cuộc đời tôi cho dân tộc tôi”. Đọc Di chúc, nhớ lại những ngày Bác lên Côn Sơn và gặp chị Mácta Rôhat, để hiểu tấm lòng Bác Hồ của chúng ta là suốt đời vì nhân dân và dân tộc.

Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vậy ông thấy sự quan tâm nhất của Người là gì? 

Phải tạo môi trường để người tài được trọng dụng ảnh 1 Nhà báo Hữu Thọ

Bản Di chúc lúc khởi thảo năm 1965 Bác viết: “Trước hết nói về Đảng”, năm nào Bác cũng có sửa chữa chút ít, nhưng bản sửa năm 1968 là bản sửa chữa quan trọng. Từ “trước hết nói về Đảng”, Bác sửa lại là “công việc đầu tiên là phải chỉnh đốn Đảng”. 

Chỉnh đốn là gì, theo tôi, chỉnh đốn là sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm. Có thể thấy bên cạnh những thành tựu vĩ đại, Bác đã nhận thấy trong Đảng ta đã có những tiêu cực khá nặng nề, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng, đó thực sự là nguy cơ rất lớn. Hiện nay, Đảng ta có hơn 3 triệu đảng viên, dù là như vậy cũng chỉ là một số nhỏ so với dân tộc. Sức mạnh của Đảng đến từ nhân dân, để dân mất niềm tin thì Đảng không còn sức mạnh.

Ông có thể nói cụ thể hơn về công việc chỉnh đốn Đảng?

Câu đầu tiên trong Di chúc sửa đổi năm 1968 của Bác nói đến phải chỉnh đốn Đảng, phải làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ đảng viên thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, Đảng phải là người lãnh đạo thật trung thành với nhân dân. Chỉ có chỉnh đốn Đảng để sự lãnh đạo của Đảng đúng đắn mới có khả năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề của nhân dân. 

Như Bác dặn lại, trên thực chất, Bác cũng dự đoán cuộc đấu tranh sắp tới là cuộc đấu tranh khổng lồ, là cuộc đấu tranh với những gì là lạc hậu, hư hỏng, là một cuộc đấu tranh cực kỳ khó khăn. 

Thực tế chúng ta hiện nay cũng đang xông vào cuộc chiến khổng lồ đó, trước hết phải có kế hoạch thật tốt để nâng cao không ngừng đời sống nhân dân. Cán bộ đảng viên phải thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, là tấm gương đối với nhân dân. 

Hai điều quyết định ấy sẽ giúp khôi phục niềm tin trong nhân dân. Mất tiền bạc có thể kiếm lại được, mất niềm tin là mất tất cả. 

Nói phải đi đôi với làm

“Bản Di chúc của Bác chỉ có 1.130 từ thôi, nhưng Bác 8 lần nhắc đến chữ “thật”, “thật sự”. Nghĩa là Bác đã thấy trong Đảng và trong xã hội đang tràn lan việc: nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, giả dối. Cho nên thực hiện Di chúc của Bác thì nói phải đi đôi với làm”. 

Nhà báo Hữu Thọ

Nhìn lại 30 năm đổi mới, ông thấy chúng ta đã thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng như thế nào?

Như trên tôi đã nói, trong Cương lĩnh bổ sung và sửa đổi năm 2011 mà Đại hội XI của Đảng đã thông qua, khẳng định Đảng phải tiếp tục thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn. Trong vấn đề chỉnh đốn Đảng, vấn đề Bác quan tâm nhiều nhất là vấn đề đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh.

Chúng ta nhớ khi Bác trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác có viết một bài trên báo Việt Nam độc lập “sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”. Bác nói rõ là phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ con ngươi của mắt mình, đặc biệt là đoàn kết trong đội ngũ lãnh đạo. Nếu lãnh đạo mất đoàn kết thì tổ chức dễ hình thành phe phái, cực kỳ nguy hiểm. 

Do đó trong Di chúc Bác có dặn, thực hiện dân chủ rộng rãi, thường xuyên: Phê bình và tự phê bình là cách tốt nhất để giữ gìn đoàn kết trong Đảng. Muốn đoàn kết thì phải thực hành dân chủ, phải nghe ý kiến của mọi người, mà phải dân chủ rộng rãi, dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội, rồi phải phê và tự phê. Hiện nay chúng ta thường xuyên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nhưng theo tôi thì không nghiêm chỉnh, nghĩa là còn nể nang, né tránh, mang tính hình thức. 

Bản Di chúc của Bác chỉ có 1.130 từ thôi, nhưng Bác 8 lần nhắc đến chữ “thật”, “thật sự”. Nghĩa là Bác đã thấy trong Đảng và trong xã hội đang tràn lan việc: nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, giả dối.

Cho nên thực hiện Di chúc của Bác thì nói phải đi đôi với làm, nói thì phải làm mà là làm thực sự. Nếu làm được như thế trong chỉnh đốn Đảng thành công để thực hiện một cuộc chiến khổng lồ chống lại cái trì trệ, hư hỏng trong Đảng và trong xã hội. 

Cũng phải khẳng định, sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhưng những tồn tại là rất lớn.

Nhiều vấn đề lớn đang đặt ra cần thảo luận nghiêm túc. Vì sao Đại hội nào cũng nói phát triển bền vững mà lại không phát triển bền vững. Nói “tái cơ cấu” thực chất là sửa chữa sai lầm. Vẫn còn bệnh thành tích và như thế nó cản trở sự phát triển.

Vì sao không đấu tranh, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí? Trên thế giới đã nhận định rằng, nếu không đẩy lùi được tham nhũng thì nên hiểu tham nhũng nằm ngay trong chính cơ thể mình chứ không phải nằm ngoài. Khi nằm trong anh, thì nó là cơ chế dung dưỡng chứ không phải cơ chế đẩy lùi. 

Rồi đời sống nhân dân tuy có nâng cao nhưng vẫn tụt hậu so với các nước xung quanh? Và trong quan hệ quốc tế, câu hỏi là chúng ta có mất cảnh giác với người láng giềng xấu tính?... Tất cả những việc đó là cuộc chiến khổng lồ mà chúng ta đang phải đương đầu để thực hiện Di chúc của Bác.

Trong những khó khăn bộn bề đó, mong muốn của ông là gì?

Bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn cũng rất lớn. Nhưng nếu Đảng thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn theo Di chúc và Cương lĩnh thì dứt khoát chúng ta làm được. Chúng ta thường lo nhất khi giành thắng lợi, nảy sinh tâm lý chủ quan, duy ý chí, rồi rơi vào khủng hoảng. 

Còn khi gặp những khó khăn thì trong lịch sử chưa bao giờ Đảng ta không vượt qua được. Nếu chúng ta thực hiện đúng Di chúc của Bác, đúng Cương lĩnh, cùng sức mạnh của toàn dân thì chắc chắn chúng ta thực hiện được. Nhưng cần chú ý chúng ta đang đối đầu với cuộc chiến đầy khó khăn. Mục đích trước hết tôi nghĩ là phải đoàn kết trong lực lượng lãnh đạo Đảng, đoàn kết trong toàn dân, sẽ tạo sức mạnh to lớn.

Đảng phải bổ sung trí tuệ của mình bằng trí tuệ của toàn xã hội thì trí tuệ của Đảng ngày càng phong phú, sáng suốt và chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn thì mới là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng. Nói như thế để thấy trước mắt đầy khó khăn nhưng chúng ta tin tưởng sẽ vượt qua.

Người tài không biết cách mua bằng, đút lót   

Gần đây có những so sánh việc phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông có thể nói rõ hơn nguy cơ tụt hậu về kinh tế?

Sự so sánh nào cũng khập khiễng, tuy nhiên cần thấy chúng ta tiếp tục tụt hậu vì mình tiến một nhưng người ta lại tiến hai, ba. Đây là một vấn đề rất lớn. 

Muốn tiến nhanh thì phải dựa vào khoa học kỹ thuật, phải trông vào lực lượng trẻ, vào những người Việt Nam ưu tú trong và ngoài nước. Xã hội nào cũng phải coi trọng, xây dựng lực lượng tinh hoa. 

Để xây dựng lực lượng tinh hoa, vấn đề quan trọng là người lãnh đạo phải biết dùng người. Phải chọn đúng người tài, phải cho người ta sống trong môi trường cạnh tranh công bằng. Còn cân nhắc, tin dùng theo kiểu “con ông cháu cha”, rồi mua bằng, mua cấp, thì người tài luôn thua vì người tài không biết cách mua bằng, không biết cách đút lót, người tài thường ngu ngơ về những thủ đoạn chạy chọt.

Người tài ngẩng đầu chứ không biết cúi đầu, không biết quỳ gối. Cho nên phải là người tài mới nhìn nhận được người tài. Cần những thủ lĩnh đứng đầu tài năng, công tâm để tạo môi trường cạnh tranh công bằng để cho người tài có đất sống.

“Con ông cháu cha” cũng không sao miễn người đó phải thực tài. Do vậy, muốn chống tụt hậu phải tạo môi trường cạnh tranh công bằng để thi thố, để biết ai là tài thật, ai là tài giả.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG