Phải tăng thêm quyền cho người sử dụng đất

Phải tăng thêm quyền cho người sử dụng đất
TP - Trao đổi với Tiền Phong về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, ông Phạm Quốc Anh cho rằng, phải tăng thêm quyền cho người sử dụng đất; đẩy mạnh cơ chế thỏa thuận khi thu hồi đất trên cơ sở dân chủ, công khai.

> Công khai tài sản tại khu dân cư là bình thường

Thực thi luật không tốt

Nhìn tổng thể thì những bất cập hiện nay trong chính sách đất đai là do luật pháp hay quá trình thực thi, thưa ông?

Tôi nghiêng về việc cán bộ đã thực thi không tốt. Dù luật sửa đổi đến mấy cũng khó sát hết thực tiễn. Do vậy, quan trọng là cái tâm, trách nhiệm của người cán bộ thực thi luật.

Tôi cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư về xây dựng Đảng có ý nghĩa quyết định để nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên các cấp.

Nếu cán bộ không thực sự trân trọng những quyền lợi của người dân, thì khó tránh khỏi những sai lầm. Do vậy, cần công khai, dân chủ, minh bạch và trên hết là cái tâm của người cán bộ.

Theo khảo sát mới đây của nhóm nghiên cứu về chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2011, chỉ có 12,86% số hộ gia đình bị thu hồi đất cho biết giá đền bù gần với giá thị trường. Ý kiến của ông thế nào?

Hiện nay, 70% vụ khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan lĩnh vực đất đai. Mà KNTC cũng chủ yếu do giá đền bù khi thu hồi đất. Nếu giải quyết thỏa đáng, có tình, có lý thì người dân ủng hộ. Nhưng có nơi đã giải quyết mang tính chủ quan, áp đặt hoặc có lợi ích cho một nhóm người.

Do vậy, điều đầu tiên là phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Trong kỳ họp tới đây, QH sẽ xem xét nội dung này. Trong thực thi pháp luật, phải tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu đúng Luật Đất đai.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự công khai, minh bạch trong giải quyết liên quan đến quyền lợi của người dân. Ví như, giá đền bù khi thu hồi đất phải sát thực tiễn cuộc sống, chứ không thể đền bù quá thấp, áp giá đền bù không đúng loại đất.

Tôi nghĩ người dân rất tốt nhưng có nơi một số cán bộ địa phương làm không đúng, gây thiệt thòi quá lớn nên người dân không đồng tình.

Nhiều ý kiến cho rằng khi sửa Luật Đất đai tới đây cần thu hẹp phạm vi áp dụng của cơ chế nhà nước thu hồi đất, tăng thêm quyền cho người sử dụng đất, ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng phải tăng thêm quyền cho người sử dụng đất. Đẩy mạnh cơ chế thỏa thuận khi thu hồi đất trên cơ sở dân chủ, công khai.

Đương nhiên, những công trình liên quan lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng thì người dân có thể phải chịu hy sinh quyền lợi cá nhân chứ không thể đòi lên, đòi xuống được.

Còn những công trình không cấp thiết, phục vụ cho lợi ích kinh tế của một bộ phận thì phải đền bù thỏa đáng cho người sử dụng đất.

Kéo dài thời gian giao đất cho nông dân

Cần mở rộng hạn mức và kéo dài thời gian giao đất cho nông dân
Cần mở rộng hạn mức và kéo dài thời gian giao đất cho nông dân.
 

Đối với đất nông nghiệp, các ý kiến đều thống nhất cần mở rộng hạn mức và kéo dài thời gian giao đất cho nông dân, quan điểm của ông ra sao?

Tôi rất tán thành những đề xuất này khi sửa đổi luật. Nước ta đang trên đường CNH, HĐH nhưng hiện nay cơ bản vẫn là nước nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn là cốt lõi, đảm bảo sự bền vững của nền kinh tế.

Phải đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho nông dân mất đất, chứ không thể thu hồi đất của nông dân rồi để hoang.

Do vậy, trong quy hoạch khu đô thị, công nghiệp phải đảm bảo hiệu quả sử dụng bởi đất đai là vàng, là tư liệu sản xuất của nông dân.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội có những khu đất để hoang nhiều năm trời mà chưa bị xử lý…

Tại Hà Nội có những khu đất được gọi là “đất vàng” để hoang thì UBND thành phố phải vào cuộc xử lý sớm, vị phạm thì phải thu hồi. Những khu dự án không triển khai trên thực tế thì phải trả lại đất cho nông dân như một số tỉnh đã thực hiện thời gian qua.

Về phía Hội Luật gia Việt Nam, việc trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là người nghèo đã được triển khai ra sao, thưa ông?

Đối với việc trao quyền pháp lý cho người dân, chúng tôi rất chú trọng đến việc trợ giúp để người dân hiểu Luật Đất đai, giám sát việc thực thi luật của chính quyền.

Trên cơ sở đó, sẽ giải quyết những KNTC trong lĩnh vực này. Tôi cho rằng, căn cứ vào Luật Đất đai hiện có và tới đây được sửa đổi, bổ sung thì việc thực thi vẫn là quan trọng nhất.

Cám ơn ông.

Ngày 27- 8, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại VN phối hợp Hội Luật gia VN tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ 3 “Diễn đàn đối tác châu Á về trao quyền pháp lý” với sự tham gia của các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực trao quyền pháp lý, đại diện chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đến từ 17 quốc gia châu Á- Thái Bình Dương. Phát biểu tại hội nghị, ông Bakhodir Burkhanov, Quyền Giám đốc quốc gia UNDP tại VN cho biết, UNDP đã xác định 4 lĩnh vực trụ cột gồm: tiếp cận công lý và pháp quyền; quyền lao động; quyền tài sản và quyền kinh doanh. Đây là những yếu tố quan trọng chi phối kế sinh nhai của người nghèo và cần phải được thừa nhận.

 

Hà Nhân
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG