Phải siêu âm thân đập mới xử lý tận gốc

Xử lý ở hạ lưu là cách trấn an khó... an lòng Ảnh: Nguyễn Thành
Xử lý ở hạ lưu là cách trấn an khó... an lòng Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Muốn xử lý triệt để sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2, phải chụp CT, siêu âm thân đập và khắc phục ở thượng lưu. Một số chuyên gia nói, vá víu ở hạ lưu không giải quyết được gì.

> Rò rỉ đập Thủy điện Sông Tranh 2: Dân vẫn lo

Siêu âm

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng Thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cho rằng, việc xử lý chỗ rò ở hạ lưu đập thủy điện Sông Tranh 2 cũng liên quan đến an toàn của đập, nhưng nếu chỉ tập trung như cách xử lý thời gian qua thì mới chỉ là chữa từ ngọn.

Theo ông Tứ, với những đập bê tông bị thấm nước, có hai cách để giải quyết. Phương pháp đầu tiên là phải rút hết nước bằng cách cho máy chạy tối đa công suất để đập khô ráo rồi xử lý chống thấm.

Cách thứ hai dùng các vật liệu dán chống thấm chuyên dụng để chống thấm từ trên thượng lưu. Cùng với đó phải thực hiện các biện pháp đánh giá kỹ thuật khác như siêu âm thân đập và các vết nứt dọc thân đập.

“Bản thân khe nhiệt trong trường hợp thấm nước thì có các thanh đồng omega giúp chặn lại. Nhưng tại sao các thanh này không làm việc, dẫn đến nước rò qua hạ lưu thân đập.

Cũng có thể xử lý rò bằng phương pháp xử lý ướt bằng cách dán chống thấm. Nhưng với chiều cao đập như vậy thì việc xử lý sẽ rất khó khăn, làm sao để các tấm chống thấm trải dài từ trên đỉnh đập xuống phải gắn chặt với thân đập bê tông thành một khối thì mới có thể hạn chế thấm được”- ông Tứ nói.

PGS.TS Phan Kỳ Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Thủy điện, Đại học Thủy lợi khẳng định, nhiều năm ngồi hội đồng thẩm định các công trình thủy điện lớn như Trị An, Hòa Bình, Yali…, ông tỏ ra lo lắng: “Nên thành lập hội đồng thẩm định gồm nhiều chuyên gia thủy công, công trình đập, còn nếu để các chuyên gia thủy lực, thủy lợi, chuyên gia về thi công như hiện nay thẩm định thì không ổn".

"Việc xử lý chỗ thấm phải thực hiện theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam về cấp công trình. Khi nước hạ thấp ở thượng lưu thì có thể dùng phương pháp khoan phụt bê tông để xử lý chỗ thấm”- ông Nam nói.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) cũng khẳng định cần phải chống thấm từ mặt thượng lưu đập.

Chẳng hạn như ở đập Miel 1 (Columbia), đập bê tông đầm lăn cao nhất thế giới, 188m kể đến trước năm 2007, người ta đã dán lớp màng chống thấm (geomembrane) ngay từ trước lúc tích nước hồ để đảm bảo tuyệt đối không thấm.

Đối với đập Sông Tranh 2, để gia cố chống thấm cho mặt thượng lưu, có nhiều cách giải quyết. Nếu xử lý khô thì phải hạ thấp mức nước hồ, làm khô mái thượng lưu rồi dán màng chống thấm như đã nêu ở trên, hoặc sơn phủ đặc biệt chống thấm, hoặc phụt lớp gia cố chống thấm cho bê tông phía mặt thượng lưu,…

Tuy nhiên, nếu xử lý khô thì phải hạ mức nước hồ, vừa đòi hỏi thời gian, vừa thiệt hại điện năng.

EVN hãy thể hiện sự đổi mới

Trên diễn đàn VNCOLD, TS Tô Văn Trường cho rằng sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy cần phải xem xét lại công tác quy hoạch, khảo sát thủy điện ở nước ta.

Theo ông Trường, cơ chế thị trường, nên nhiều chủ đầu tư muốn đầu tư vào thủy điện đều tìm cách sao cho có lợi nhuận cao nhất, do đó tìm cách tiết kiệm tất cả các khâu từ khảo sát thiết kế đến thi công, kể cả thẩm tra, thẩm định.

Thông thường khi nhận một công trình những đơn vị thiết kế đều lên dự toán theo quy chuẩn của nhà nước, nhưng chủ đầu tư chỉ chi 60-70% giá theo dự toán, muốn được việc người thiết kế đành cắn răng nhận.

Ngay việc khảo sát cũng không được nhận đủ kinh phí theo dự toán. Ví dụ như đo đạc địa hình, các thuỷ điện đều xây dựng ở nơi heo hút, rừng nhiều, đo đạc đâu có dễ, do ít tiền nên chỉ vẽ sơ bộ, còn căn cứ vào bản đồ tỷ lệ thô vẽ lại.

Về địa chất, đáng khoan 10 mũi thì chỉ khoan 5 mũi mà có khi khoan chưa đến đá gốc, lấy vài mẫu để báo cáo, còn lại dùng phương pháp siêu âm ngoại suy, như thế thiết kế sao có thể chuẩn được?

“Hiện nay, trên thế giới người ta có thể dùng máy CT để chụp cắt lớp các khe nứt. Đoàn kiểm tra mới công bố trấn an dư luận đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn nhưng không đưa ra bất cứ số liệu đo đạc kiểm tra để minh chứng. Dù có xử lý bằng cách nào đi nữa, kể cả xử lý triệt để ở mái thượng lưu thì “tuổi thọ” của đập thủy điện Sông Tranh 2 chắc chắn bị tổn hại, đó là điều không phải bàn cãi.

EVN cùng Bộ Công Thương phải thường xuyên báo cáo Thủ tướng một cách trung thực và áp dụng các biện pháp xử lý một cách khoa học và đồng bộ, không sợ chịu trách nhiệm và tốn kém vì sự an toàn của người dân. Đây cũng là một sự kiện để EVN thể hiện sự đổi mới sau khi thay tướng”- ông Trường cho biết.

Yêu cầu kiểm tra tình hình phá rừng ở các hồ thủy điện Quảng Nam

Quảng Nam - Ngày 30-3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa có văn bản yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra, làm rõ tình hình phá rừng ở địa bàn Quảng Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-4-2012.

Theo báo cáo của BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh, từ năm 2006 về trước, khi chưa thi công thủy điện Sông Tranh 2, người dân sở tại sống ổn định, gần như không phá rừng làm nương rẫy, không có vụ việc lớn xảy ra. Tuy nhiên từ năm 2007 đến nay, đã phát hiện gần 40 vụ phá rừng với hơn 42 ha rừng bị tàn phá, gần 600m3 gỗ các loại bị thu giữ.

Nguyễn Thành

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG