Ngày 27/10, tham dự Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) TPHCM (1992 - 2022), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận những thành tựu và cũng đặt ra “đầu bài” mới.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, 30 năm qua, mô hình KCX, KCN được xem là “hoàn thành sứ mệnh” khi góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành, còn hiện nay trong bối cảnh công nghiệp và dịch vụ thì buộc phải chuyển sang mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ; tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững - tuần hoàn.
Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - phát biểu tại hội nghị (ảnh: Ngô Tùng). |
Ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự phấn khởi và trân trọng cám ơn các công ty phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trong đó có hơn 500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã hiện diện và đầu tư tại các KCX, KCN trên địa bàn thành phố. Đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, các công nhân, người lao động đã nỗ lực không ngừng và làm việc rất hiệu quả và đóng góp tích cực nhiều mặt, nhất là trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.
“30 năm nhìn lại cho chúng ta rất nhiều bài học phong phú và giá trị về tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết đoán và chịu trách nhiệm của các lãnh đạo, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đồng thời, chúng ta cũng rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá về tư duy phải đổi mới liên tục, phải luôn luôn năng động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Chính phủ chủ trương thí điểm một mô hình kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế phục vụ cho quá trình CNH, HĐH đất nước. Trong đó, mô hình KCX đầu tiên của cả nước – KCX Tân Thuận đã ra đời vào ngày 25/11/1991.
Vượt qua những khó khăn của giai đoạn đầu, từ thành công của mô hình KCX Tân Thuận, lần lượt các KCX, KCN tại TPHCM và các tỉnh, thành trong cả nước được thành lập.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, lúc trước thành phố làm được như vậy có thể xem là tiên phong, là đột phá. Còn bây giờ, phải nhìn ra bên ngoài, nhìn ra các thành phố lớn trên thế giới để định vị lại TPHCM, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đang nằm ở mức nào để tiếp tục phấn đấu.
Ông Nên cho rằng, giờ đây, với những thuận lợi trong quá trình hội nhập, vị thế, vai trò, tiềm lực, uy tín của thành phố trên thế giới ngày càng cao thì phải nhìn xa, nghĩ xa và phải phát huy cho được nội lực ngày càng nhiều. Trong đó, cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa việc hội tụ đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, hội tụ các Ban quản lý, các công ty, cán bộ công chức và nhà doanh nghiệp… để chung sức tạo nên kết quả tốt nhất.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng cờ thi đua của UBND thành phố cho Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM nhân dịp kỷ niệm 30 năm phát triển. |
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng nêu rõ, 30 năm qua mô hình KCX và KCN được xem là hoàn thành sứ mệnh mà Chính phủ giao là: Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho người lao động, tiếp thu kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của thế giới, tăng cường năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ quốc gia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành.
"Hiện nay, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp và dịch vụ thì buộc phải chuyển sang mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, đòi hỏi các KCX - KCN thành phố phải tập trung cải tiến toàn diện và quyết liệt nhằm loại bỏ các công việc già cỗi, sử dụng nguyên nhiên liệu có mức phát thải cao và tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững - tuần hoàn, dựa trên nền tảng công nghệ - vật liệu mới, đồng thời đảm bảo vai trò chuyển giao công nghệ cho các KCN của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - ông Nên cho hay.
Thu hút đầu tư hơn 12 tỷ USD
Sau 30 năm phát triển, đến nay TPHCM có 3 KCX và 14 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 4.000 ha, đạt 64% diện tích quy hoạch của 23 KCX, KCN thành phố, tỷ lệ lấp đầy đạt 77%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trao kỷ niệm chương và bằng khen cho các tập thể, cá nhân đóng góp tiêu biểu đối với ngành trong thời gian qua (ảnh: Ngô Tùng). |
Lũy kế đến tháng 9/2022, các KCX, KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 12 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Các KCX, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.
Mục tiêu tới năm 2025, tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1ha từ hơn 6 triệu USD lên 15 triệu USD.