Ngày 23/10, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố.
Dự điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 24 và dự thảo Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Chính phủ triển khai nghị quyết. Sau đó các đại biểu có những bài phát biểu, tham luận.
Cần phối hợp đồng bộ và kịp thời
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đọc đến đâu thấm sâu đến đó.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại điểm cầu TP Hà Nội. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đồng chí đánh giá, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đang mở ra không gian và triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam bộ nhiều lợi thế. Trong đó, tập trung nguồn lực, nhất là hoàn thiện chính sách và thể chế tạo động lực phát triển không chỉ đưa vùng vào giai đoạn phát triển mới, mà còn đóng góp to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta với tầm nhìn đến năm 2045. TPHCM quyết tâm triển khai sớm và đạt các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.
Theo đồng chí, trước hết nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của Nghị quyết 24, đó là cần có sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ và các bộ ngành Trung ương để cụ thể hóa 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp đã đề ra. Đồng thời, tán thành với mục tiêu tăng trưởng GRDP chung của vùng bình quân 8-8,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030, giữ vững vai trò vùng kinh tế động lực. “Mục tiêu trên hoàn toàn khả thi, nếu triển khai đồng bộ và có hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà Nghị quyết 24 đã đề ra”, đồng chí Phan Văn Mãi tin tưởng.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trong đó, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh đến giải pháp tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng có ý nghĩa đột phá. Hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối vùng và cơ chế liên kết vùng, chính sách tạo động lực, liên kết phát triển là 2 điểm nghẽn chính, làm hạn chế sự phát triển của vùng Đông Nam bộ.
Nghị quyết 24 đã chỉ ra những điểm nghẽn và định hướng tháo gỡ các điểm nghẽn này rất đầy đủ và đồng bộ. Dù vậy vấn đề triển khai như thế nào để nghị quyết đi vào cuộc sống, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong vùng Đông Nam bộ.
Nhưng thực tiễn cho thấy, nếu thiếu sự vào cuộc một cách tích cực và trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương thì việc đưa nghị quyết vào cuộc sống rất khó khăn. “Bởi vì không có chương trình hay dự án nào nhằm tháo gỡ 2 điểm nghẽn nêu trên, mà các địa phương trong vùng Đông Nam bộ có thể tự liên kết làm được”, đồng chí Phan Văn Mãi đặt vấn đề.
Do đó, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, cần có sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các địa phương trong vùng và các bộ ngành Trung ương trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết 24 trên địa bàn vùng Đông Nam bộ.
Trước mắt là sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương và quy hoạch vùng. Cùng với đó triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng như đường vành đai 3, 4; các đường cao tốc TPHCM- Mộc Bài; TPHCM- Chơn Thành; Biên Hòa- Vũng Tàu; Đồng Nai- Lâm Đồng. Mở rộng cao tốc TPHCM- Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối vùng đô thị TPHCM.
Với kinh nghiệm có được từ thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ tin tưởng, TPHCM sẽ chủ động phối hợp với các địa phương để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và vận hành cơ chế liên kết, điều phối vùng. Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù phát triển vùng.
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải tham dự tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bên cạnh đó, hợp tác phát triển giao thông, bảo vệ các hệ thống sông, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và y tế, các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng. Đồng thời, hợp tác phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu chung về kinh tế - xã hội của vùng, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết vùng.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị cần có cơ chế mở rộng cơ chế hợp tác giữa vùng Đông Nam bộ với các vùng khác, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế.
Mở ra không gian, triển vọng phát triển mới
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, TPHCM xác định trách nhiệm và cam kết tích cực triển khai Nghị quyết 24 cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả cao nhất. Triển khai Nghị quyết 24 là công việc phải thực hiện trong nhiều năm, TPHCM sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể.
Trước mắt, TPHCM tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm vừa giải quyết những bất cập trước mắt, vừa tạo nền tảng cho việc phát triển lâu dài, nhằm tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của TPHCM trong vùng.
Đó là, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế sau đại dịch, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và năng suất lao động cao. Tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai.
TPHCM đang rà soát và tập trung phát triển kinh tế dịch vụ theo hướng phát triển các dịch vụ mới và các dịch vụ gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại - du lịch - logistics quốc tế, trung tâm chuyển đổi số, trung tâm đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe khu vực và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
TPHCM rà soát chuyển đổi công năng các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, giá trị gia tăng cao gắn với hình thành các khu công nghiệp chuyên đề về công nghệ thông tin, dược - vật tư y tế, cơ khí, tự động hóa…
TPHCM sẽ hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo và các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị hiện đại. Cùng với đó, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch, thể hiện rõ hơn vai trò trung tâm sản xuất giống cây trồng - vật nuôi và trung tâm chế biến và xuất khẩu nông sản.
TPHCM từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TPHCM trong vùng là thành phố hiện đại, thông minh, năng động sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
TPHCM sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2030 với các nội dung trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết 24. Trước mắt, phối hợp triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng cơ chế chính sách tạo động lực phát triển TPHCM trong thời kỳ mới thông qua việc tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Đồng thời kiến nghị ban hành những nghị quyết mới thay thế.
Đi cùng với đó là TPHCM xin thí điểm việc mở rộng cơ chế phân cấp phân quyền cho TPHCM trong một số lĩnh vực như đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị - đất đai, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý xã hội, thí điểm cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, cơ chế phân cấp phân quyền cho TP Thủ Đức.
TPHCM tập trung làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như đường vành đai 3, vành đai 4 và các cao tốc kết nối.
Để phát huy các dự án đó trong tương lai và đón đầu việc khánh thành sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, TPHCM tập trung xây dựng nút giao thông An Phú, nối các đoạn của Vành đai 2 và cùng với Đồng Nai nghiên cứu các cầu kết nối quận 7, TP Thủ Đức với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía Đông.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm mở rộng đường cao tốc TPHCM đến sân bay Long Thành. Đây là dự án huyết mạch để giải quyết bài toán giao thông cho sân bay Long Thành.
Xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Bên cạnh các công trình giao thông, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, TPHCM đang phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ GTVT xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” theo tinh thần Nghị quyết 24.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là nhằm khai thác cao nhất vai trò của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ. Đây là dự án mang tính bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, chứ không mang tính cạnh tranh làm suy yếu hệ thống cảng biển hiện có.
Đây là dự án cơ bản sử dụng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, mang tính khả thi cao do nhà đầu tư là một trong những hãng vận tải tàu biển hàng đầu thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ tin tưởng, nếu triển khai được dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển, mà còn nâng cao được lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực và thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.
TPHCM cũng tập trung nguồn lực đầu tư công và cơ chế huy động các nguồn lực đầu tư xã hội triển khai các công trình, dự án xây dựng hạ tầng xã hội và chỉnh trang đô thị gắn với thực hiện mục tiêu giải quyết dứt điểm các vấn đề về ngập nước, ùn tắc giao thông, nhà ở thay nhà trên ven kênh rạch, chung cư cũ, nhà lưu trú cho công nhân và sinh viên…
Cùng với đó, TPHCM phát huy vai trò Đại học Quốc gia TPHCM và hệ thống các trường trên địa bàn để đưa TPHCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của cả vùng, xây dựng thị trường lao động chung của vùng Đông Nam bộ.
Đồng thời là vùng đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước.
Trong đó, TPHCM phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Đồng thời là trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%.
- Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo là 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khoảng 7%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 56%.
- Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10.000 dân; tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
- Đến năm 2030, tỉ lệ che phủ rừng đạt khoảng 19,6%; tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 100%, nông thôn là 95%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định; 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.
Link gốc: https://www.sggp.org.vn/chu-tich-ubnd-tphcm-phan-van-mai-tphcm-dang-phoi-hop-xay-dung-de-an-cang-trung-chuyen-quoc-te-can-gio-851019.html