Khu công nghiệp đầu tiên ở miền Nam: Kết thúc sứ mệnh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau gần 6 thập niên hình thành và hoạt động, khu công nghiệp (KCN) đầu tiên tại miền Nam, mang tên Khu kỹ nghệ Biên Hòa (thuộc tỉnh Đồng Nai) đang chuẩn bị kết thúc sứ mệnh của mình.

Thăng trầm

Tháng 6/1961, Bộ Kinh tế của chính quyền Sài Gòn chủ trương xây dựng một khu công nghiệp ở Biên Hoà và Khu kỹ nghệ Biên Hoà được ra đời tháng 5/1963, xây dựng trên diện tích 376 ha tại xã Tam Hiệp, xã Long Bình của Biên Hoà. Đây là địa điểm lý tưởng rất thuận tiện về giao thông trong khu vực, nằm trên các trục lộ giao thông huyết mạch giữa Sài Gòn với miền Trung và cao nguyên. Tích hợp đường sắt, đường thuỷ (sông Đồng Nai) và đường bộ.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân hơn 259 tỷ đồng. Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn 200 suất tái định cư để bố trí cho người dân.

Tính đến năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hoà có 94 nhà máy, xí nghiệp với đa dạng về nguồn vốn đầu tư và nhiều nhóm ngành nghề sản xuất như hoá mỹ phẩm, cơ khí và luyện kim, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng. Thời gian đầu khi chính quyền cách mạng tiếp quản, chỉ còn 38/94 nhà máy, xí nghiệp hoạt động.

Mặc dù vậy, quá trình hình thành và phát triển của Khu Kỹ nghệ Biên Hoà (Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sau này) là một nền tảng cho tỉnh Đồng Nai sau này phát triển mạnh công nghiệp, nhất là từ khi thực hiện chính sách mở cửa. Năm 1990, tỉnh Đồng Nai thành lập Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi). Công ty này đã đầu tư nguồn vốn, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư nước ngoài, đưa KCN Biên Hoà 1 vào giai đoạn phát triển mới.

“Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ di dời các doanh nghiệp cũng như các hộ dân trong khu vực KCN Biên Hòa 1 để hiện thực hóa mục tiêu biến nơi đây trở thành một khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Từ đó, tạo ra không gian cảnh quan cho đô thị Biên Hòa”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng

Tuy nhiên, KCN Biên Hòa 1 ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, như lọt giữa khu vực dân cư đông đúc của thành phố Biên Hòa, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng; đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường nước sông Đồng Nai.

Khu công nghiệp đầu tiên ở miền Nam: Kết thúc sứ mệnh ảnh 1

Khu kỹ nghệ Biên Hòa vẫn được lưu giữ tại KCN Biên Hòa 1

Do vậy từ hơn 10 năm trước, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 và xây dựng đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam.

Diện mạo mới

Diện tích của KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đổi công năng là hơn 327ha và chia làm 2 khu vực. Trong đó, khu vực thực hiện dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 283ha. Phần diện tích còn lại 44ha sẽ làm khu trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai.

“Bên cạnh mục tiêu bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai, việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 còn giúp mở rộng thêm không gian phát triển đô thị của thành phố Biên Hòa hiện đã khá chật hẹp”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nói. Với việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại dịch vụ. Tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo mới TP Biên Hòa và trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất hình thức đầu tư. Theo đó, có 3 phương án thực hiện đầu tư dự án được đề xuất xem xét lựa chọn gồm: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất KCN Biên Hòa 1 và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất KCN Biên Hòa 1 sau khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất sạch.

Chủ tịch Cao Tiến Dũng cho biết, UBND tỉnh thống nhất lựa chọn phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 để đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét. Việc đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, đấu giá từng khu vực. Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công.

KCN Biên Hòa 1 hiện có 154 doanh nghiệp, trong đó có 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động với nhiều lĩnh vực như sản xuất máy cơ khí, vật liệu xây dựng, thực phẩm... Ngoài ra, còn khoảng 200 hộ dân đang sinh sống trong khu vực thực hiện dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1.

Chủ tịch Cao Tiến Dũng cho hay, tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp, tất cả đã thống nhất sẽ di chuyển nhà máy đến vị trí mới. Theo đó, chủ trương của tỉnh là sẽ bồi thường, hỗ trợ di dời thỏa đáng. Đồng thời, tỉnh cũng giao chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ đối với người lao động để các doanh nghiệp di dời ổn định.

MỚI - NÓNG