Phải nắm cấu trúc đề

Phải nắm cấu trúc đề
TP - Một mẹo nhỏ để ôn tập môn Văn hiệu quả là các em nên nắm vững cấu trúc đề thi để dựa vào đó định hướng ôn tập các nội dung kiến thức.

> Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý
> Bí quyết ôn thi tốt nghiệp môn Sinh
> Để được điểm cao môn Địa
> Đề hay thường có bẫy nhỏ

Cấu trúc đề thi môn Văn có ba câu hỏi gồm một câu 2 điểm yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức đã học; một câu 3 điểm nghị luận xã hội; một câu 5 điểm nghị luận văn học.

Câu tái hiện kiến thức thường yêu cầu học sinh nêu một số thông tin liên quan tới tác phẩm đã học như cuộc đời và sự nghiệp của tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, hoặc về một vài chi tiết trong tác phẩm. Với những yêu cầu này, học sinh phải trình bày tương đối chính xác, đầy đủ, ngắn gọn.

Các em lưu ý, câu này chỉ có 2 điểm nên dung lượng thông tin đề bài yêu cầu đưa ra thường vừa phải, ngắn gọn. Để làm bài hiệu quả với những câu hỏi dạng này, học sinh nên tập dượt để có thói quen trả lời đầy đủ nhưng ngắn gọn. Tránh phức tạp hoá vấn đề để rồi viết lan man vừa mất thời gian vừa trả lời không trúng.

Nên theo dõi thời sự

Câu nghị luận xã hội tưởng như khó khăn đối với nhiều học sinh nhưng kỳ thực đây là câu thuộc diện dễ làm, dễ lấy điểm. Có hai dạng nghị luận xã hội: nghị luận một vấn đề tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống. Dù dạng nghị luận gì, vấn đề được yêu cầu nghị luận thường liên quan mật thiết với các sự kiện thời sự - xã hội diễn ra trong thời gian gần đây, được dư luận xã hội quan tâm, phù hợp với khả năng nhận thức của tuổi trẻ học đường.

Nhiều học sinh nghĩ câu này khó bởi phạm vi chủ đề mênh mông, khó có thể đoán đề thi sẽ hỏi vào đâu. Việc này không đáng lo nếu học sinh thay vì chỉ biết đi học thêm mà dành vài chục phút mỗi ngày quan tâm tới các vấn đề thời sự. Chỉ cần chút vốn liếng đó, khi đọc đề, các em sẽ liên tưởng được để viết bài. Điều các em cần chú tâm ôn tập là học kỹ để nắm vững phương pháp làm bài. Sách giáo khoa chương trình cơ bản viết khá đầy đủ về phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội.

Câu nghị luận văn học là câu có hai lựa chọn cho học sinh. Theo đó lựa chọn câu nào để làm, học sinh cần căn cứ vào sở trường và sự chuẩn bị kiến thức của mình.

Nắm vững phương pháp

Tương tự như nghị luận xã hội, để ôn tập kiến thức hiệu quả, trước hết học sinh phải nắm vững phương pháp làm bài. Một bài nghị luận văn học bao giờ cũng đầy đủ ba phần: Mở bài/ đặt vấn đề; thân bài/ giải quyết vấn đề; kết bài/ kết thúc vấn đề. Phần mở bài và kết bài đều yêu cầu học sinh viết ngắn gọn.

Phần mở bài dù ngắn gọn nhưng vẫn phải đảm bảo thông tin cần thiết như giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu vấn đề cần nghị luận. Nếu mở bài giới thiệu khái quát vấn đề thì kết bài phải tóm lược và đánh giá vấn đề, không phải lặp lại nguyên xi phần mở bài.

Phần thân bài, các em triển khai vấn đề theo yêu cầu bài ra bằng hệ thống ý và được trình bày bằng các đoạn văn. Các em lưu ý phải trình bày có liên kết ý và liên kết đoạn, tránh việc cả bài chỉ có ba phần mở bài, thân bài, kết bài. Nghĩa là thân bài tuy có nhiều ý nhưng lại chỉ trình bày bằng một đoạn văn dài làm giám khảo không biết được thí sinh ngắt ý ở đâu, dẫn đến khó nắm được mạch của thí sinh.

Với tác phẩm thơ, dạng đề thường ra là phân tích một bài thơ, đoạn thơ. Các em phải nắm được hoàn cảnh sáng tác, nội dung, cảm hứng chủ đạo của một bài/ đoạn, phát hiện tác giả sử dụng các yếu tố/ biện pháp nghệ thuật nào để thể hiện cảm hứng chủ đạo đó... Với văn xuôi, các em phải nắm được cốt truyện, hệ thống nhân vật, tình huống, chi tiết để từ đó phân tích nhân vật hoặc làm rõ chủ đề.

Nguyễn Như Hương
Giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.