Theo quy chế thi THPT quốc gia, mọi thí sinh đều có quyền phúc khảo bài thi của mình. Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu sẽ nộp đơn phúc khảo ở nơi đó trong thời gian 10 ngày.
Đối với các đơn vị trường học sau khi tiếp nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh sẽ chuyển thông tin, dữ liệu của thí sinh đến Hội đồng thi. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố kết qủa sau khi chấm phúc khảo cho thí sinh.
Cũng theo quy chế thi, sau khi nhận đơn phúc khảo của thí sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT phải thành lập Ban phúc khảo bài thi tự luận và Ban phúc khảo bài thi trắc nghiệm theo quy định. Trưởng ban phúc khảo do lãnh đạo Hội đồng thi kiêm nhiệm. Trong cùng một kỳ thi, người làm trưởng ban phúc khảo bài thi tự luận sẽ không đồng thời làm trưởng ban chấm thi tự luận.
Các cán bộ, giáo viên có chuyên môn tốt, đang giảng dạy đúng môn thi tự luận sẽ được phân công chấm thi. Quy định cũng nêu, người đã chấm bài thi tại Ban chấm thi tự luận sẽ không được chấm phúc khảo.
Ban phúc khảo ngoài chấm lại bài thi có nhiệm vụ kiểm tra các sai sót như: cộng nhần điểm, ghi nhầm điểm bài thi.
Ban phúc khảo bải thi trắc nghiệm có nhiệm vụ kiểm tra các sai sót trong quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm; Kiểm tra, rà soát các lỗi kỹ thuật; chấm lại bài thi theo đơn đề nghị của thí sinh.
Trong khi tiến hành các việc liên quan đến chấm thi phúc khảo phải có ít nhất hai người trở lên và có sự giám sát của cán bộ thanh tra. Đồng thời, phải tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách.
Nếu có những sai lệch về kết quả chấm phúc khảo so với kết quả chấm trước đó phải xác định rõ nguyên nhân vì sao. Sau đó mới in kết quả chấm trước và sau để lưu hồ sơ.
Đối với ban chấm thi phúc khảo trắc nghiệm sau khi được thành lập cũng sẽ rút bài thí sinh để chấm lại trên máy. Kết quả chấm lại cuả Ban phúc khảo sẽ là điểm thi cuối cùng công bố cho thí sinh.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, sau khi có kết quả thi, tại các địa phương nhận được khá nhiều đơn xin phúc khảo của thí sinh. Điều đáng nói, kết quả phúc khảo điểm của một số thí sinh sau khi phúc khảo đã tăng lên rất nhiều. Ví như, tại Hội đồng thi Đắk Lắk, có bài thi đã tăng từ 0,6 đến 7,2 điểm ở môn Toán. Các môn Ngữ văn, Sinh học, Hoá học…cũng tăng điểm đáng kể sau khi chấm phúc khảo. Các bài thi trắc nghiệm này sau khi chấm lại mới phát hiện thí sinh mắc lỗi tô mờ đáp án khiến máy chấm không nhận diện được kết quả. Vì thế, có thí sinh từ trượt tốt nghiệp sau khi phúc khảo đã có mức điểm khá cao.
Hay tại Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Bình Phước, có 281 thí sinh gửi đơn xin phúc khảo điểm thi. Kết quả chấm phúc khảo, không có bài thi nào bị giảm điểm, ngược lại có 25 bài thi tăng từ 0,25 đến 3,6 điểm. Trong đó, lý do tăng điểm ở môn thi trắc nghiệm là tô mờ mã đề và giáo viên cộng nhầm điểm ở bài thi Ngữ văn.
Theo một giáo viên THPT ở Hà Nội, sau kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã công bố đáp án thi, do đó, thí sinh đã tự ước lượng được phần điểm của bài thi. Khi công bố kết quả, thấy nghi ngờ điểm thi thì nên làm đơn phúc khảo để đảm bảo quyền lợi cho mình. Bởi, trong quá trình chấm nhiều bài thi, vẫn có thể mắc các lỗi như: giám khảo cộng nhầm điểm ở bài thi tự luận, bài thi tô mờ kết quả máy không nhận diện….