Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN chia sẻ: “Hiện có quan điểm xây dựng giá dịch vụ y tế mà tôi cho rằng cần điều chỉnh lại chứ tôi không muốn nói là sai lầm”.
Cụ thể, theo ông Sơn, cần điều chỉnh quan điểm cho rằng đây là dịp để tăng nguồn thu cho các cơ sở khám chữa bệnh mà không hướng tới mục tiêu chi đúng, chi đủ ba yếu tố cấu phần đã quy định.
“Giá viện phí mới đã được thực hiện, việc điều chỉnh xuống là khó. Nhưng nếu cơ sở nào làm sai, Bộ Y tế sẽ yêu cầu hạ giá dịch vụ”. |
“Nếu để cho các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng giá, tất cả các địa phương đều xây dựng mức trên 100% so với khung giá viện phí liên bộ Y tế - Tài chính quy định. Sau đó, người ta đưa về mức 100% theo hướng dẫn của Bộ Y tế là vừa”, ông Sơn nói tiếp.
Sau khi bị BHXH phát hiện và kiến nghị, có tỉnh điều chỉnh được xuống 70-75% nhưng không ít tỉnh không điều chỉnh. Mẹo của hầu hết các sở y tế địa phương là họ đưa văn bản cho cơ quan thẩm định chỉ trước ngày chính thức áp dụng với danh mục gần 2.000 dịch vụ.
Bóc tách ra thì thấy, chỉ 447 dịch vụ trong số đó là có trong khung quy định chung của Bộ Y tế. Số còn lại là các thủ thuật phẫu thuật được các địa phương biến báo, tạo nên sự chênh lệch về giá viện phí không đáng có giữa các tỉnh.
Về trình tự, theo đánh giá của BHXH, lẽ ra trước khi áp dụng mức viện phí mới, cần chuẩn bị đủ nhân lực, tài lực, cần minh bạch ngay tại bệnh viện khoản nào bệnh nhân trả, khoản nào không.
“Hãy thay đổi từ những cái mọi người có thể nhìn thấy đầu tiên như công khai thông tin, thay đổi thái độ phục vụ, làm sao để dân ít phải chờ đợi hơn khi đến khám. Mọi người cần thay đổi từ những cái nhìn trước mắt, rồi mới đến chất lượng kỹ thuật”, ông Sơn chia sẻ.
Tham gia BHYT, không thể thương mại hóa
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tăng giá dịch vụ y tế sẽ khuyến khích mọi người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, BHXH cho rằng đừng để việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này biến việc tham gia BHYT thành thương mại hóa. Tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, giá viện phí được tính đúng, tính đủ.
Cơ chế viện phí không phải do tự cơ sở khám chữa bệnh xây dựng nên mà có cơ quan áp đặt giá xuống. Thái Lan tuân thủ quy luật thị trường dù viện công hay tư giá dịch vụ đều tính đúng, tính đủ. Và có cơ quan thẩm định không liên quan riêng.
Còn tại Việt Nam, phải chăng ngành y tế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”? Ông Sơn cho biết tiếp, khi đặt bút ký còn vướng nhiều văn bản pháp luật. Chưa nói đến vai trò thẩm định của các cơ quan liên quan hiện còn hạn chế.
Kể cả ngành tài chính cũng có lý do không có chuyên môn về y, không biết liều thuốc, gói bông, bao nhiêu găng tay trong một kỹ thuật là đủ. Cơ quan BHXH có chuyên môn thì chỉ được phép góp ý.
“Chỉ khi nào các bên cùng bình đẳng ký vào biên bản đồng ý tăng giá viện phí, mới tránh được những phi phí như hiện nay”, ông Sơn khẳng định.
BHXH đề nghị, dù còn nhiều bất cập khi thực hiện giá dịch vụ y tế mới, liên Bộ Y tế và Tài chính cần đồng lòng trong việc yêu cầu các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới.
Theo đó, Bộ Y tế phải là nơi tổng hợp các ý kiến để trình Thủ tướng, Quốc hội xem xét lại. Ngoài ra, sau một tháng thực hiện giá viện phí mới, BHXH yêu cầu các tỉnh phải đánh giá tác động đối với các đối tượng hưởng thụ và khả năng chi trả của BHYT.