Phải công khai trong điều hành giá xăng dầu

Phải công khai trong điều hành giá xăng dầu
TP - Chiều qua, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông báo một số nội dung chủ yếu của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Phải công khai trong điều hành giá xăng dầu

Bộ Tài chính 'bác' chuyện bất đồng với Bộ Công Thương
> Buông lỏng quản lý kinh doanh xăng dầu

Nguy cơ tái lạm phát cao

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết mặc dù trong tháng 9, tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ hai liên tiếp dưới 1% nhưng tình hình kinh tế vĩ mô vẫn chưa thật ổn định và còn tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát cao.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng cho biết Nghị quyết 11 sẽ không chỉ được thực hiện trong năm nay mà còn trong một số năm tới vì mục tiêu của cả nhiệm kỳ này vẫn là ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. “Với ưu tiên đó, chủ trương của Chính phủ là từ đây đến cuối năm phải điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ theo hướng thắt chặt”, ông Đam khẳng định.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước độc lập nghiên cứu và có báo cáo về tình hình lạm phát.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ mong báo chí thấu hiểu và thận trọng hơn trong khi đưa tin, tránh gây ra “lạm phát do tâm lý”. Ông dẫn ví dụ: “Nông dân không quan tâm nhiều việc buôn vàng nhưng khi suốt ngày nghe tin giá vàng lên thì khi ra đi chợ cũng tâm lý phải tăng giá, chuyện tăng lương, giá điện, giá dầu cũng vậy”.

Chuyện xăng dầu phải công khai!

Nhắc đến câu chuyện quản lý giá xăng dầu đang nóng mấy ngày vừa qua, cá nhân ông Vũ Đức Đam cho rằng đó là một cuộc hội thảo khoa học, việc trình bày các ý kiến trái ngược nhau là bình thường.

“Còn điều hành giá xăng dầu cũng như một số mặt hàng thiết yếu khác là một chủ trương nhất quán của Chính phủ làm liên tục và có lộ trình từ mấy năm nay chứ không phải bây giờ mới nảy sinh, không phải bây giờ mới làm”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Ông Đam cũng nêu thực tế bấy lâu nhà nước vẫn luôn luôn bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trong đó có mặt hàng xăng dầu: “Về mặt chủ trương, thời điểm, lộ trình chúng ta phải tính và có mục đích kiềm chế lạm phát nhưng chúng ta cũng có mục đích không kém quan trọng là tiến sát dần đến cơ chế thị trường. Không thể nào bù lỗ mãi được, không thể bao cấp tràn lan mãi được”.

Ông cũng cho biết quan điểm điều hành của Chính phủ là sẽ yêu cầu công khai minh bạch hóa giá thành. Bên cạnh đó là việc sử dụng quỹ bình ổn giá phải theo đúng quy định và cũng phải công khai: “Kinh doanh lỗ lãi thế nào cũng phải công khai” - Ông Đam nói.

Nợ quốc gia vẫn trong giới hạn an toàn

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp khẳng định các chỉ số nợ quốc gia của Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giới hạn an toàn. Nợ quốc gia hiện bằng 42,2% GDP, trong đó 62% là nợ nước ngoài của Chính phủ, còn lại là nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Trong số nợ nước ngoài của Chính phủ thì 93% là nợ ODA, còn 7% là nợ thương mại.

Còn giới hạn nợ quốc gia hiện nay được chỉ đạo theo hướng không quá 50% GDP. Cao Nhật

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG