Chống buôn lậu, gian lận thương mại:

Phải chống cả bao che, can thiệp

Xe “cửu vạn” chở hàng lậu ngang nhiên giữa ban ngày ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) Ảnh: Duy Chiến
Xe “cửu vạn” chở hàng lậu ngang nhiên giữa ban ngày ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) Ảnh: Duy Chiến
TP - “Khi động tới một số việc lớn thì lại có nơi này, nơi kia can thiệp, nói của ông này, ông kia,… Chúng ta phải kiên quyết chống bao che, làm ngơ, tiếp tay và can thiệp, không anh em cán bộ, chiến sỹ không dám làm đâu”.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra chiều qua (11/12), Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng đã thẳng thắn chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp.

Buôn lậu từ đồ tiêu dùng cho đến vũ khí

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2015, tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, tình trạng mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy, pháo nổ, rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm, gia cầm và sản xuất sản phẩm của gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại diễn ra hết sức phức tạp tại các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Các đường dây ma túy thường có sự câu kết của tội phạm trong nước và nước ngoài, chúng dụ dỗ cư dân biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc người nghiện hút để vận chuyển “hàng trắng”.

Còn tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, động vật hoang dã…Điển hình, cuối tháng 7/2015, tại Sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng Hải quan và Công an đã kiểm tra một lô hàng nghi vấn vận chuyển từ Cộng hòa Séc về Việt Nam, phát hiện 94 khẩu súng ngắn, cùng  284 hộp tiếp đạn. Đến tháng 9/2015, kiểm tra tàu Đông Thiên Phú Golden đang neo đậu tại cảng K3 - cửa khẩu cảng Sài Gòn, lực lượng Hải quan phát hiện, thu giữ 24 khẩu súng hơi.

Còn trên các vùng biển Đông Bắc, Miền Trung, Tây Nam là nạn buôn lậu xăng dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu. Trong đó, tại các tỉnh biên giới Tây Nam bộ với thủ đoạn phổ biến là tổ chức thu mua đường lậu và đóng bao bì do Việt Nam sản xuất trước khi vận chuyển vào nội địa tiêu thụ qua các tuyến song, kênh, rạch theo biên giới Việt Nam Campuchia, trường hợp bị phát hiện thì đối tượng khai báo là đường được sản xuất tại Việt Nam, có  hóa đơn mua bán, vận chuyển của cơ sở trong nước.

Cũng theo Ban Chỉ đạo 389, hàng lậu không chỉ được các đầu nậu vận chuyển qua các đường mòn lối mở, mà còn trà trộn hàng giả, hàng nhái với hàng chính hãng qua các cửa khẩu, lấy danh nghĩa là hàng “xách tay” để tiêu thụ nội địa. Năm 2015, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh trái phép, vi phạm an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, có nhiều diễn biến mới với các thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn, thường xuyên thay đổi phương thức, tuyến đường, địa bàn hoạt động…

Cần phát động phong trào toàn dân

 Thượng tướng Nguyễn Thành Cung  băn khoăn: “Không hiểu vì sao đến giờ này chúng ta vẫn tiếp tục nhận định tình hình diễn biến phức tạp, chúng ta càng đánh nhiều thì nó lại càng phức tạp, không thuyên giảm. Nhiều Bộ, ngành, cơ quan đã vào cuộc với trách nhiệm rất cao, nhưng càng làm tình hình lại càng phức tạp. Tôi nghĩ chúng ta phải nghiên cứu vấn đề này”.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Một là, phải nâng mức chế tài xử phạt, hiện nay mức phạt chưa đủ răn đe vì sau khi bị xử phạt, các đối tượng buôn lậu chưa cụt vốn, chưa sụp nên vẫn tiếp diễn. Hai là, phát động phong trào sâu rộng trong cả nước. Lực lượng chức năng đông nhưng không thể bằng sức mạnh toàn dân. Các lực lượng tối ngày lặn lội trên biển, tuyến biên giới, hay ra chợ kiểm tra nhưng không thể hiệu quả khi nhân dân cùng vào cuộc. Ba là, củng cố đầu tư nâng cao năng lực công tác cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ.

“Vấn đề quan trọng là xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ. Ngay trong lực lượng này chúng ta cũng phải chống biểu hiện làm ngơ, bao che, tiếp tay và can thiệp. Nhiều địa phương, Biên phòng, Cảnh sát biển báo cáo, động tới một số việc lớn là nơi này nơi kia can thiệp. Nếu chúng ta không cương quyết chống “can thiệp” thì anh em không dám làm đâu”, Tướng Cung nói.   

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đúng là còn tình trạng nể nang, bao che, việc điều tra một số vụ kéo dài gây dư luận xấu,  như vụ Cty Thuận Phong. Bên cạnh đó, thực tế còn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, sức khỏe cộng đồng, thuốc thú y giả, thức ăn chăn nuôi sử dụng chất cấm gây bức xúc trong nhân dân. Trong khi công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn sơ hở, buông lỏng,…

“Muốn chống buôn lậu được phải có một lực lượng nghiêm túc trong sạch, không bảo kê, bao che, chống đầu nậu, chống cầm đầu, đánh mạnh vào hang ổ; trang bị phương tiện cho anh em”, Phó Thủ tướng nói.

 Kêt luận Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: từng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, nhất là những địa bàn trọng điểm.Trên tinh thần kiên quyết kiềm chế, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn buôn lậu, gian lận thương mại. “Tránh lạm dụng luồng xanh luồng đỏ để đưa hàng lậu vào Việt Nam. Phải đẩy mạnh chống buôn lậu, coi đó là nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Phải quyết liệt, phải ra quân; lực lượng Quân đội, Công an, QLTT, Biên phòng, Hải quan phải làm gương. Chúng ta hội nhập quốc tế mà gian dối thì hậu quả khôn lường. Vì sức khỏe của giống nòi, vì uy tín của dân tộc chúng ta phải làm cho được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Quay vòng hóa đơn để hợp thức hàng lậu

Trong hai ngày 10 và 11/12, Đội chống buôn lậu – Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an, thành phố Hà Nội liên tiếp bắt giữ 3 xe tải chở hàng chục tấn hàng hóa nghi nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc về Thủ đô. Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện dấu hiệu quay vòng hóa đơn để hợp thức hàng lậu.

Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội cho biết, khoảng 2h ngày 11/12, trong khi làm nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa nhập lậu từ tuyến Lạng Sơn về Hà Nội, tổ công tác Đội chống buôn lậu phối hợp với Đội QLTT số 12 - Hà Nội đã phát hiện ô tô (BKS 98C-080.61) có dấu hiệu nghi vấn nên dừng phương tiện kiểm tra. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe chở 77 bao tải chứa quần áo, giầy dép do Trung Quốc sản xuất.

Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế Nguyễn Văn Quang (SN 1972, trú xã Quang Thịnh, Lạng Giang, Bắc Giang) xuất trình một số giấy tờ, hóa đơn có dấu hiệu quay vòng, kê khai hàng hóa không đúng so với thực tế. Bước đầu tài xế này khai nhận số hàng hóa này anh ta vận chuyển thuê từ Lạng Sơn về cho một chủ hàng ở Hà Nội tại địa chỉ số 6 phố Gầm Cầu (Hà Nội). Phòng Cảnh sát kinh tế đang kiểm tra kho hàng này.

Trước đó, khoảng 5h ngày 10/12, Đội chống buôn lậu phối hợp với Đội QLTT số 11 thành phố Hà Nội kiểm tra kho hàng hóa ở địa chỉ tổ 11 Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội, phát hiện 2 xe ô tô đang để trong khu vực kho bãi có chứa nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Tài xế và chủ kho bãi đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa này.       

           Dương Lê

MỚI - NÓNG