'Phác họa' không gian phát triển quốc gia tầm nhìn mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lần đầu tiên, một bản dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia “chưa từng có tiền lệ” được lập ra nhằm hoạch định, mở ra không gian phát triển mới của đất nước thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ những nét “phác họa” ban đầu của dự thảo cho thấy, không gian phát triển quốc gia thời kỳ quy hoạch mới sẽ khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết vùng.

Khắc phục chia cắt, cục bộ

Quy hoạch tổng thể quốc gia là bản quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là nhiệm vụ lớn, mới, “chưa từng có tiền lệ”. Thông qua, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021- 2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của đất nước đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Tuy nhiên, về dài hạn, các dự báo cho thấy, nếu không đẩy mạnh cải cách, tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm. Nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu xa hơn về năng suất so với các quốc gia trong khu vực, thậm chí nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khá lớn. Trong khi đó, không gian phát triển giữa các vùng, các địa phương thời gian qua thiếu mối liên kết. Các địa phương chủ yếu tập trung phát triển trong địa giới hành chính của mình, ít phối hợp với các tỉnh lân cận để phát huy lợi thế. Một số địa phương phát triển theo phong trào, không dựa trên các lợi thế so sánh, thiếu tầm nhìn dài hạn, nhất là trong xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch… dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, khó thu hút đầu tư.

Để hạn chế những bất cập trên và hiện thực mục tiêu, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000- 32.000 USD/người, Bộ KH&ĐT cho rằng cần phải kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững. Cụ thể, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời một cách khoa học để tạo không gian phát triển đồng bộ. Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Trong đó, tổ chức không gian phát triển quốc gia thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương.

Động lực từ những hành lang kinh tế

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Bộ KH&ĐT đề xuất, thời kỳ quy hoạch mới sẽ tập trung hình thành các hành lang kinh tế dọc theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn và gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, địa bàn tăng trưởng. Trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, sẽ tập trung hoàn thành các trục đường chính: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; nâng cấp đường sắt Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến TP. Hồ Chí Minh; xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP. HCM; tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Trong giai đoạn tới cần tiếp tục xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các khu vực đang là trọng điểm phát triển hiện nay để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn. Phát triển các trung tâm logistics hiện đại gắn với các cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn, cửa khẩu quốc tế trên hành lang. Liên kết phát triển Hành lang kinh tế Bắc - Nam với Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore.

Hỗ trợ cho Hành lang kinh tế Bắc - Nam là dải ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, theo Bộ KH&ĐT, việc hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển, hành lang này có tính chất kết nối các khu vực phát triển kinh tế năng động như: Các khu kinh tế ven biển, các khu đô thị, du lịch, nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng và nguồn lợi từ biển, tạo không gian phát triển mới. Ngoài ra, hình thành một số đoạn hành lang kinh tế dọc theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, Chính phủ quyết định sử dụng phương án phân theo 6 vùng kinh tế - xã hội hiện hành. Tuy nhiên, khác với trước đây, sẽ bố trí không gian phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế đi qua địa bàn vùng và kết nối với các hành lang kinh tế khu vực, quốc tế. Đồng thời tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp, đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn, bảo đảm quy mô và chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định.

'Phác họa' không gian phát triển quốc gia tầm nhìn mới ảnh 1

Dự án cao tốc Bắc - Nam

Thúc đẩy vai trò dẫn dắt của các vùng đô thị lớn

Trong dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng xác định, Hà Nội và TP.HCM có vị trí hết sức đặc biệt. Mục tiêu thời kỳ quy hoạch mới hướng đến là xây dựng phát triển Hà Nội, TP.HCM và các thành phố trực thuộc Trung ương thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Theo đó, Hà Nội, TP.HCM tập trung phát triển các dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo, công nghệ thông tin..., hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều đất, lao động.

“Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội rất quý để đất nước đánh giá lại thực trạng, thực chất, tổng thể nhằm phát hiện, nhận diện những khó khăn thách thức để đưa ra những định hướng mới cho đất nước, tạo ra động lực tăng trưởng mới góp phần đạt được mục tiêu, khát vọng của Đại hội XIII của Đảng đề ra”

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Tiếp tục phát huy hiệu quả, tác động lan tỏa của vùng Thủ đô Hà Nội, gồm ranh giới của thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và một số địa phương vùng Trung du miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang). Đây là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xây dựng vùng Thủ đô có môi trường sống và môi trường cảnh quan phong phú, giàu tính văn hóa - xã hội, mang đậm bản sắc dân tộc với xu hướng phát triển hiện đại; là vùng đầu mối tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Một số chỉ tiêu cụ thể nêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia:

-Quy mô dân số:

.Năm 2030 khoảng 105 triệu người

.Năm 2050 khoảng 115 triệu người.

-Tốc độ tăng trưởng GDP:

.Giai đoạn 2021- 2030, bình quân đạt khoảng 7,0%/năm

.Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu khoảng 6,5-7,5%/năm.

-GDP bình quân đầu người:

.Đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người

.Đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người.

- Tỷ lệ dân số đô thị:

.Đến năm 2030 đạt trên 50%

.Đến năm 2050 đạt 70-75%.

-Cơ sở hạ tầng giao thông:

.Đến năm 2030, có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc

.Đến năm 2050 có trên 9.000 km đường bộ cao tốc

.Hoàn thành đường sắt tốc độ cao.

Một số chỉ tiêu cụ thể nêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia:

-Quy mô dân số:

- Năm 2030 khoảng 105 triệu người

-Năm 2050 khoảng 115 triệu người.

-Tốc độ tăng trưởng GDP:

-Giai đoạn 2021- 2030, bình quân đạt khoảng 7,0%/năm

-Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu khoảng 6,5-7,5%/năm.

-GDP bình quân đầu người:

-Đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người

.Đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người.

- Tỷ lệ dân số đô thị:

.Đến năm 2030 đạt trên 50%

.Đến năm 2050 đạt 70-75%.

-Cơ sở hạ tầng giao thông:

.Đến năm 2030, có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc

.Đến năm 2050 có trên 9.000 km đường bộ cao tốc

.Hoàn thành đường sắt tốc độ cao.

Đối với vùng đô thị TP.HCM, quy hoạch xác định là trung tâm trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ở đây sẽ tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 3, vành đai 4); các trục, hành lang kinh tế từ TP.HCM đi các địa phương trong vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành. Mục tiêu hướng đến là phát triển trở thành vùng phát triển kinh tế năng động, bền vững; có khả năng cạnh tranh cao trong nước và quốc tế; trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam bộ và cả nước; trung tâm công nghiệp, công nghệ cao, tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao tầm quốc gia và khu vực…

'Phác họa' không gian phát triển quốc gia tầm nhìn mới ảnh 2

Tân Cảng

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.