> Đại gia khốn đốn, đòi nợ lẫn nhau
Cách đây 3 tháng, anh còn hãnh diện là giám đốc công ty xây dựng với hơn 20 công nhân. Thế nhưng, thời buổi khó khăn, công ty bị phá sản. Vị giám đốc hôm nào lại quay trở về cảnh đi làm thuê.
Anh Quang kể, ba năm trước, vợ chồng anh gom góp tiền mua máy cẩu để nhận phần việc của công ty xây dựng. Công việc dần dà tốt lên, anh thành lập công ty TNHH chuyên nhận việc san lấp công trình và thi công một số hạng mục.
Cuối năm 2012, làm ăn khó khăn, 20 công nhân công ty rút xuống còn 10. Rồi các công ty lớn nợ tiền không trả, không có việc, hết tiền trả lương cho công nhân nên cách đây 3 tháng, anh buộc phải tuyên bố phá sản. Bán hết các trang thiết bị của công ty, anh cũng chưa trả hết nợ. Bây giờ, anh Quang lại đi công trường làm giám sát cho người bạn.
Tình trạng bỏ công ty đi làm thuê như anh Quang khá nhiều. Anh Bùi Tiến Minh (nguyên giám đốc một văn phòng luật đặt trụ sở tại phố Trần Duy Hưng) cũng phải đóng cửa công ty gia đình, hai vợ chồng đi xin việc làm. Văn phòng luật của anh Minh gồm một giám đốc và bốn nhân viên. Vợ anh cũng làm hành chính tại công ty. Tuy nhiên, từ sau Tết, anh quyết định đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc và hai vợ chồng đi làm thuê.
“Các hợp đồng giao dịch, các đối tác thưa dần từ giữa năm 2012. Mình phải thuê mặt bằng mất 10 triệu đồng/tháng cộng với tiền lương của nhân viên. Để duy trì được, mỗi tháng mình phải kiếm được tối thiểu 40 triệu đồng. Trước đây, văn phòng hay giúp các công ty làm thủ tục hành chính với mức giá hợp lý. Nay khó khăn, công ty nào cũng thắt chặt chi tiêu, các hợp đồng đều tính toán chi phí thấp nhất. Nhiều lúc họ làm bên mình, nhưng có chỗ khác rẻ hơn thì lại chuyển. Việc ít, tiền không có, chi phí mỗi tháng quá lớn nên mình bỏ công ty đi làm nhân viên cho một văn phòng luật khác. Còn vợ cũng vừa xin làm nhân viên hành chính ở một công ty liên quan tới in ấn từ đầu tháng 4”, anh Minh rầu rĩ.
Người dân ở Quảng Châu, Hưng Yên, ai cũng biết chuyện đôi vợ chồng giám đốc về làm vườn.
5h sáng, chuông đồng hồ reo, anh Trần Văn Đảm gọi vợ dậy chuẩn bị ăn sáng rồi ra vườn. 6h anh chị có mặt ở mảnh vườn cam canh diện tích 500m2. Mang bộ quần áo lao động, đội trên đầu mũ cối, anh cầm kéo đi tỉa cành cây sâu. Chị Lan - vợ anh, buộc chặt mái tóc xoăn nhuộm màu hạt dẻ, mặc áo chống nắng và mang liềm đi cắt cỏ ở vườn.
Trước đây, anh Đảm có công ty chuyên phân phối gạch xây dựng đặt tại phố Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. 5 năm làm việc tại Thủ đô, anh mở được công ty riêng. Vợ anh tốt nghiệp đại học tài chính, ra trường cũng về làm việc cùng chồng. Việc không may xảy đến với gia đình khiến công ty phá sản. Vợ chồng anh chán nản quyết tìm con đường khác đó là quay về làm nông dân.
Anh Đảm chia sẻ: “Thông qua một người quen, tôi nhận phân phối toàn bộ gạch xây dựng cho công trình lớn từ 2 năm trước. Vốn bỏ ra cũng lớn nhưng công ty đó nợ lại lâu quá. Và đến đầu năm 2012 họ tuyên bố phá sản. Số tiền mấy tỷ đồng của công ty có khả năng không đòi được. Hàng bán chậm, tiền vay nợ lãi. Tôi thấy việc duy trì công ty sẽ rất nguy hiểm”.
“Trước đây, khi có tiền, hai vợ chồng cũng có mua được mấy mảnh vườn ở quê, tính để cuối tuần đưa con cái về chơi. Nhưng giờ công ty đóng cửa, đi làm thuê thì không biết làm gì nên chúng tôi quyết định về quê trồng trọt”, anh nói.
Lau những giọt mồ hôi trên mặt, chị Lan vợ anh Đảm cho hay: “Từ bé tới giờ, mình chưa bao giờ làm ruộng. Cuộc sống xô đẩy nên phải cố thôi. Nhiều người ở quê trồng cam, táo mỗi năm thu được vài trăm triệu đồng. Hy vọng sau 1-2 năm, trời thương, vườn cây ra hoa kết trái thì vợ chồng mình cũng khấm khá hơn”.
Theo Châu Giang
VEF