Phá rừng dưới 'vỏ' xóa nhà tạm

Việc khai thác gỗ ở tiểu khu 715 rừng Hướng Lộc không được giám sát chặt
Việc khai thác gỗ ở tiểu khu 715 rừng Hướng Lộc không được giám sát chặt
TP - Trong khi thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của Chính phủ, việc giám sát chưa chặt chẽ đã để một doanh nghiệp tư nhân lợi dụng phá rừng đại ngàn. Chuyện xảy ra ở xã Hướng Lộc của huyện rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị).
Việc khai thác gỗ ở tiểu khu 715 rừng Hướng Lộc không được giám sát chặt
Việc khai thác gỗ ở tiểu khu 715 rừng Hướng Lộc không được giám sát chặt.

Tại xã Hướng Lộc, UBND xã hợp đồng với Cty TNHH Thành Duy khai thác gỗ, làm nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn. Cty Thành Duy đã khai thác gỗ ở tiểu khu 715 rừng Hướng Lộc từ tháng 11-2010 đến nay (20-2-2011).

Trong khi đó, văn bản hướng dẫn của Phòng NN&PTNT Hướng Hoá chỉ rõ: "Hiện nay, tỉnh Quảng Trị không có chỉ tiêu giao khai thác gỗ rừng tự nhiên hằng năm, mặt khác hiện trạng rừng và điều kiện tự nhiên hiện nay không có rừng để khai thác tập trung. Vì vậy, huyện giao cho người dân được hỗ trợ làm nhà ở tự khai thác.

Trong trường hợp hộ hoặc nhóm hộ trong xã được cấp chỉ tiêu gỗ, nhưng không có khả năng tự khai thác thì UBND huyện hợp đồng với các tổ chức, các doanh nghiệp có tham gia xây dựng nhà ở hộ nghèo tổ chức khai thác; hoặc UBND các xã hợp đồng với các doanh nghiệp tổ chức khai thác.

Việc khai thác phải tuyệt đối tuân thủ các quy trình, thủ tục của Bộ NN&PTNT quy định về lập quy hoạch, bài cây, đóng búa. Nghiêm cấm việc khai thác, sử dụng gỗ sai mục đích và vận chuyển gỗ này ra khỏi địa bàn".

Nhưng qua tìm hiểu của PV Tiền Phong, chính quyền địa phương và đơn vị chức năng đã cho Cty Thành Duy khai thác gỗ theo kiểu tùy hứng. Ông Thái Bình Giải, Phó trưởng Trạm Kiểm lâm Tân Long (Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa) kiêm kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Hướng Lộc thừa nhận, việc giám sát khai thác gỗ của Cty Thành Duy chưa chặt chẽ do nhiều nguyên nhân.

Theo ông Giải, số gỗ tập kết ở bãi 2, tức bãi cách tiểu khu 715 rừng Hướng Lộc cách chừng 1,5 km là ông thấy được; còn bãi ở tiểu khu 715 rừng Hướng Lộc thì ông ít có điều kiện vào đó; riêng tổ chỉ đạo khai thác gỗ (Chủ tịch xã làm tổ trưởng, các đại diện Mặt trận, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công an, Địa chính xã... làm thành viên) thì hiếm khi vào vùng rừng đang được khai thác.

Theo quan sát của PV, tại tiểu khu 715 rừng Hướng Lộc, nhiều cây đã bị đốn hạ có đường kính gốc từ 1m trở lên. Gỗ được xẻ thành phách nằm ngổn ngang trong rừng, phần lớn có kích thước mặt 25cm x 25cm, dài từ 3,8-4,2m; số khác có bề dày 20cm, rộng 1- 1,2m, dài 2,6-2,8m.

Theo một tài xế xe tải chuyên thâm canh ở đây cũng như nhiều người dân hơn hai tháng nay, có hàng chục bộ phản ngựa được khai thác ở vùng rừng này đã được vận chuyển ra khỏi địa bàn xã.

Đã có gần 1.000 hộ nghèo ở Quảng Trị, đa số ở hai huyện rẻo cao Đakrông và Hướng Hoá, được xây dựng nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhiều căn nhà mới được dựng rất sơ sài, gỗ được làm ít hơn nhiều so với quy định, mà chủ yếu là gỗ bìa, gỗ tạp...

Ông Thái Bình Giải nói, tổng khối lượng gỗ quy tròn cho mỗi căn nhà đã được xây cất ở đây là chưa đầy 3m3, trong khi đó, theo quy định là trên 7,5 m3.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG