> Myanmar - hổ châu Á tiềm năng
Chuyến đi Mỹ của Tổng thống U Thein Sein trong tháng 9 được kỳ vọng là chuyến đi phá băng, mở ra chương mới trong sự phát triển và hội nhập của Myanmar vào thế giới sau hàng thập kỷ bị cô lập.
Trước đó, trong nỗ lực thay đổi nhằm tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế, Chính phủ Myanmar đã có hàng loạt động thái cải cách dân chủ, trong đó đáng chú ý là việc thủ lĩnh phe đối lập Aung San Suu Ki trúng cử quốc hội trong một cuộc bầu cử được đánh giá là minh bạch và hàng nghìn tù nhân chính trị được trả tự do.
Đáp lại thiện chí của chính quyền Myanmar, phương Tây gồm Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã bắt đầu xem xét và từng bước dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mạnh tay mà họ áp đặt với Myanmar.
Rõ ràng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là để hưởng ứng công cuộc cải cách đã đem đến những thay đổi hết sức ấn tượng trong đời sống chính trị tại Myanmar.
Tuy nhiên, có thể nói, trong khi Myanmar đã chứng tỏ với thế giới về công cuộc cải cách ngoạn mục mà họ đang thực hiện thì phương Tây trên thực tế chỉ mới nới lỏng sợi dây mà họ đã thắt chặt quanh Myanmar hàng chục năm qua chứ chưa hoàn toàn tháo bỏ.
Việc EU chỉ đình chỉ mà không hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt và Washington cho đến nay, vẫn duy trì lệnh cấm vận đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Myanmar là những minh chứng cho việc phương Tây vẫn còn muốn duy trì áp lực với Myanmar.
Trong khi đó, đứng về góc độ của Mỹ, không thể phủ nhận rằng việc xóa bỏ các lệnh cấm vận không chỉ đem lại lợi ích cho Myanmar mà cũng sẽ tác động tích cực đến siêu cường này, đặc biệt sau khi Washington đã công khai chiến lược ngoại giao lấy châu Á-Thái Bình Dương làm trọng tâm.
Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đầu tư vào Myanmar và tới đây, phía Myanmar hy vọng rằng Tổng thống U Thein Sein sẽ thuyết phục được Washington hủy bỏ lệnh cấm vận đối với hoạt động nhập khẩu của Myanmar, một bước đi sẽ khuyến khích hoạt động đầu tư nước ngoài tại Myanmar, giúp kinh tế nước này khởi sắc.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, cả phương Tây và quốc gia Đông Nam Á này đều cần thực hiện những bước đi tích cực, không chỉ nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực cải cách chính trị và kinh tế của Myanmar mà còn phục vụ các lợi ích địa chiến lược cùa Mỹ tại khu vực được đánh giá năng động nhất thế giới hiện nay.