TPO - Chia sẻ với Tiền Phong, PGS.TS Trần Xuân Bách đề xuât cần kết hợp các phong trào tình nguyện với các mạng lưới chuyên môn để tạo thành các dịch vụ hỗ trợ xã hội để giải quyết những nhu cầu cụ thể của các phân nhóm xã hội; tạo điều kiện để tất cả các cá nhân, các thành phần xã hội tham gia đóng góp kinh nghiệm, hiểu biết và thời gian ở các mức độ khác nhau, theo từng điều kiện và hoàn cảnh của mình.
Trong hai ngày 17-18/7, tại Kiên Giang diễn ra Hội nghị Ban chấp hành T.Ư ĐoànĐoàn lần thứ ba, khóa XI. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong và Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Góp ý kiến tại hội nghị liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng phong trào tình nguyện, PGS.TS Trần Xuân Bách - Uỷ viên BCH T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Phương hướng chính trong phát triển các phong trào tình nguyện, cũng đã được nhiều đồng chí uỷ viên BCH chia sẻ là nâng cao tính bền vững của các hoạt động phong trào, đồng thời, gắn kết với cộng đồng nhằm phát huy nguồn lực tại chỗ của địa phương, từ đó, nâng cao tính chủ động và khả năng đáp ứng kịp thời của cộng đồng với các vấn đề mới.
Nhận định bối cảnh của quá trình phát triển với nhiều sự chuyển đổi nhanh chóng kéo theo các nhu cầu mới của xã hội, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới với các phong trào tình nguyện, hành động vì cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả của các phong trào này đòi hỏi sự phân tích, đánh giá nhu cầu kịp thời, cũng như xác định những yếu tố thuận lợi và rào cản về tổ chức, chính sách và pháp luật để liên tục tạo ra cơ chế thúc đẩy hiệu quả.
PGS.TS Trần Xuân Bách đề xuất với phong trào tình nguyện nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của xã hội. Bên cạnh các hoạt động tình nguyện mang tính chiến dịch, tổ chức tại cộng đồng, phát huy sức trẻ, nhiệt huyết của các đoàn viên, thanh niên, rất thành công trong nhiều năm qua, và đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của Tuổi trẻ cả nước, chúng ta có thể kết hợp các phong trào tình nguyện với các mạng lưới chuyên môn để tạo thành các "dịch vụ hỗ trợ xã hội".
PGS.TS Bách nêu: Vai trò của của các dịch vụ xã hội này là giải quyết những nhu cầu cụ thể của các phân nhóm xã hội; đồng thời, tạo điều kiện để tất cả các cá nhân, các thành phần xã hội tham gia đóng góp kinh nghiệm, hiểu biết và thời gian ở các mức độ khác nhau, theo từng điều kiện và hoàn cảnh của mình.
Chẳng hạn, tư vấn pháp luật về thuế với doanh nghiệp khởi nghiệp, hay đội tình nguyện y tế hướng dẫn, hỗ trợ chăm sóc người già, các màng lưới tư vấn tầm soát ung thư, các mô hình hướng dẫn phương pháp giáo dục, chăm sóc trẻ đặc biệt, các mô hình trông giữ trẻ dựa vào cộng đồng phòng ngừa đuối nước,…
Đồng thời, thực tế cho thấy có rất nhiều hoạt động xuất phát từ chính cộng đồng như các nhóm tự lực, các dự án huy động vốn cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội với lợi nhuận được tái đầu tư cho hoạt động xã hội, đã phát triển nhanh chóng ở nhiều thành phố trong cả nước trước đòi hỏi chuyên biệt của các phân nhóm xã hội. Các mô hình này có vai trò rất lớn, do đó, cần được định hướng trong hệ thống của Đoàn Thanh niên cũng như được điều tiết, bảo vệ bởi các cơ chế pháp luật phù hợp.
PGS.TS Trần Xuân Bách đề xuất thêm cần gắn kết các phong trào tình nguyện với việc đào tạo tại chỗ nhằm tạo ra màng lưới liên kết cũng như phát huy vai trò của cán bộ Đoàn cơ sở và các ban ngành địa phương trong việc tiếp tục duy trì bền vững các kết quả sau chiến dịch.