Hàng loạt các vụ việc sai phạm trong thi THPT quốc gia vừa qua khiến dư luận lo ngại về chất lượng đầu vào của nhiều trường đại học. GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ với PV Tiền Phong về câu chuyện giáo dục hiện nay, về mối quan hệ thầy trò.
Nhiều ý kiến lo ngại với chất lượng đại học, khi sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia liên tục bị phát hiện tiêu cực, sai phạm. GS đánh giá gì về tình trạng này và chất lượng đào tạo đại học?
Vừa qua, đã có một cuộc hội thảo giáo dục về đại học rất quan trọng, nhằm giải quyết tình huống hiện nay của giáo dục Việt Nam nói chung và của giáo dục đại học nói riêng. Về giáo dục đại học, theo quan điểm của tôi, phải rất chú trọng đến chất lượng ngay từ đầu vào.
Vì sao lại như vậy? Vì đào tạo đại học là đào tạo chuyên gia, những người có nghề chuyên môn tinh xảo và trong số những trí thức tài năng sau này chính là nguồn sinh viên ở các trường đại học. Chính vì vậy cần phải rất chú trọng đến chất lượng đầu vào của các trường đại học.
Vì thế, tôi đề nghị phải trở lại việc thi tuyển đại học, chứ không phải xét tuyển đại học từ chất lượng tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay. Trong quá trình đào tạo phải sàng lọc để những ai ra trường tốt nghiệp đại học phải là những người chủ thực sự sở hữu bằng cử nhân của mình để thành chuyên gia. Đó mới là điều đáp ứng được nhu cầu thực sự của xã hội.
Nhiều thầy ít thợ là sai lầm
Khi chất lượng đầu vào và đầu ra của đại học đang bộc lộ nhiều bất cập thì câu chuyện thừa thầy thiếu thợ lại đang tồn tại. GS nhìn nhận ra sao về việc này?
Học sinh khi tốt nghiệp phổ thông trung học chủ yếu để học nghề, làm thợ, làm công nhân chứ không phải đi làm thầy. Chúng ta sai ở chỗ đã tạo ra một cơ cấu xã hội rất lệch lạc, nhiều thầy ít thợ. Thầy có mấy thầy giỏi? Còn thợ thì những “bàn tay vàng” đã mất hết, do chúng ta đã chú trọng vào chất lượng hệ thống trường nghề, đào tạo công nhân lành nghề, và cũng lại không chú trọng vào chất lượng giáo dục đại học.
Đã giáo dục đại học phải gắn liền với khoa học công nghệ, giảng viên phải thực sự là nhà khoa học. Họ phải đứng trên bục giảng với tư cách là một nhà khoa học thì họ giảng dạy mới có thể đem lại những cảm hứng về nghề nghiệp, cảm hứng trí tuệ cũng như đào tạo nhân cách cho sinh viên.
Cho nên về mặt triết lý giáo dục, chúng ta hay nói là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đó chưa phải là hoàn chỉnh. Đó là điều kiện cần chứ chưa đủ. Điều kiện quan trọng nhất là hoàn thiện nhân cách. Điều này cũng đúng với tinh thần của Đảng, là chuyển từ việc trang bị tri thức sang phát triển năng lực toàn diện và hoàn thiện nhân cách của người học.
Con số 200 nghìn sinh viên ra trường thất nghiệp, phải chăng có nguyên do đào tạo không gắn liền với thực tiễn, nhu cầu của xã hội, thưa GS?
Hoàn toàn đúng như vậy. Chúng ta phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của chính bản thân chúng ta. Cho nên xã hội cần cái gì thì phải đào tạo theo yêu cầu của xã hội. Như vậy nó vừa phải chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa và phải làm cho con người ta thạo một nghề mà ứng phó được với nhiều nghề trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện đại này.
Xin cảm ơn GS.
Tôi đề nghị phải trở lại việc thi tuyển đại học, chứ không phải xét tuyển đại học từ chất lượng tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay. Trong quá trình đào tạo phải sàng lọc để những ai ra trường tốt nghiệp đại học phải là những người chủ thực sự sở hữu bằng cử nhân của mình để thành chuyên gia. GS.TS Hoàng Chí Bảo