PGS Văn Như Cương 'chê' Bộ GD&ĐT

PGS Văn Như Cương 'chê' Bộ GD&ĐT
TP - PGS Cương đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua cả 3 yêu cầu: giảm căng thẳng, tiết kiệm tài chính, chọn đúng năng lực thí sinh đều chưa đạt được. Nguyên nhân do Bộ GD&ĐT giao việc không đúng và vẫn “ôm” công việc.

Ngày 28/10, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ đã tổ chức hội thảo về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Hai vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận đó là giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD&ĐT và giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường…

Tại hội thảo, đa số các ý kiến đều cho rằng Bộ GD&ĐT nên tách riêng hai việc tốt nghiệp và xét tuyển.  PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các Sở GD&ĐT, còn tuyển sinh ĐH, CĐ nên giao cho các trường tự chủ.

PGS Cương đánh giá kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua cả 3 yêu cầu: giảm căng thẳng, tiết kiệm tài chính, chọn đúng năng lực thí sinh đều chưa đạt được. Nguyên nhân do Bộ giao việc không đúng và vẫn “ôm” công việc đáng lẽ nên giao cho các Sở GD&ĐT. 

Không những thế, theo ông Cương, đánh giá của Bộ có phần không logic và thiếu thực tế.  Ví dụ ở cụm thi ĐH tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 96%, cụm thi tốt nghiệp phổ thông đạt tỷ lệ 86%, Bộ kết luận là cụm địa phương nghiêm túc. “Lý do nào kết luận nghiêm túc” - ông Cương đặt câu hỏi.

Thứ hai là thi theo năng lực nhưng Bộ chỉ đưa ra có tính chất cảm tính. Bài thi Toán năm nay có khác bài thi 10 năm trước không? Giải phương trình, hình học không gian năm nào cũng có. 

Chính vì vậy, với kỳ thi năm 2016, PGS Văn Như Cương cho rằng cần phải phân tích, đánh giá lại. “Tôi xin nói không có cách gì vừa tốt nghiệp, vừa đánh giá năng lực học sinh. Tôi nghĩ kỳ thi tốt nghiệp giao cho Sở và làm nhẹ nhàng. Thi ĐH thì giao quyền tự chủ cho các trường, các trường có quyền lựa chọn mô hình phù hợp” - vị PGS đề xuất.

Về vấn đề tuyển sinh ĐH, CĐ, GS Lâm Quang Thiệp (Nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH - Bộ GD&ĐT) cho rằng nên tách rạch ròi phần thi và phần tuyển. Về phần thi, từng trường ĐH khó có thể tổ chức được. Do đó, cần một kỳ thi chất lượng nên Bộ GD&ĐT có thể tổ chức. Nhưng đến tuyển sinh, điểm của kỳ thi đó cho các trường tự quyết và không cần phải có điểm sàn. 

Ông Võ Thế Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Đông Đô cũng cho rằng, với kỳ thi năm 2016, phần tốt nghiệp Bộ nên giao cho các Sở GD&ĐT và Bộ chỉ làm công việc ban hành quy chế, thanh tra, quản lý và ra đề thi. Tuyển sinh ĐH, Bộ ban hành quy chế, quản lý chỉ tiêu tuyển sinh, thanh tra kiểm  tra các trường thực hiện. 

Giải đáp các băn khoăn của các đại biểu dự hội thảo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi THPT quốc gia vừa qua không phải là kỳ thi 2 trong 1. 

Bản chất của kỳ thi này là học sinh học hết 12 năm học phải có “cái thang” để xem học sinh đứng ở đâu. Từ “cái thang” đó có 2 mục đích là tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh. Cũng theo ông Mai Văn Trinh, từ năm 2014, Bộ đã giao cho các trường tự chủ tuyển sinh và rất mong muốn các trường tự chủ.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.