Nữ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2013 Nguyễn Ngọc Lưu Ly (sinh năm 1981), Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ và Văn hóa Pháp ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, vừa được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014. Ái nữ dòng họ Nguyễn Lân nói rằng, để thành công, mỗi người trẻ cần biết vạch kế hoạch tương lai cho mình và nỗ lực thực hiện không ngừng.
Điểm tựa
Sinh ra trong gia đình có truyền thống học tập và nghiên cứu khoa học, có khi nào chị thấy bị áp lực?
Rất nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này. Thú thực là điều này khiến tôi khá lạ lẫm và tò mò. Theo tôi, mỗi cá nhân đều có nhiều ưu điểm. Nếu cha mẹ biết nhìn nhận những ưu điểm của con cái để động viên con đúng lúc, con cái sẽ được nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, thêm tự tin vào khả năng của mình, từ đó sẽ từng bước cố gắng. Nếu một người nghĩ được rằng “đối mặt với thất bại, biện pháp tốt nhất là nên cảm ơn và làm lại từ đầu”, tôi chắc rằng, người đó sẽ thành công.
Kiến thức là điều mỗi cá nhân phải tự tích lũy, nhưng phong cách sống và thái độ sống là điều cha mẹ có thể làm gương cho con. Tôi nghĩ mình thật may mắn khi được là con ba mẹ, sống trong một gia đình mà ba mẹ rất yêu thương nhau và yêu thương 2 chị em tôi. Ba tôi (PGS. TS Nguyễn Lân Trung) vừa là cha, vừa là thầy, lại vừa là bạn, đã chia sẻ với tôi nhiều kinh nghiệm quý trong cuộc sống. Đặc biệt, tôi học được ở ba niềm đam mê hết mình trong công việc và sự lạc quan, vui vẻ trong cuộc sống. Dần dần, tôi đã học cách sống chân thành hơn, đơn giản hơn, cười nhiều hơn, cố gắng tránh để mình rơi vào trạng thái áp lực, căng thẳng.
Gặt hái được nhiều thành công, trở thành PGS khi tuổi còn rất trẻ, có khi nào chị bỏ rơi gia đình vì công việc?
Hạnh phúc gia đình với tôi là điều quan trọng và thiêng liêng nhất. Đó là nền tảng để tôi có thể làm tốt công việc.
Tôi luôn trân trọng những lúc ở bên chồng, bên con. Năm 2008, được sự ủng hộ của gia đình, tôi học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Pháp. Xa con nhỏ, nhớ quay quắt, nhưng không hề than vãn mà âm thầm nỗ lực hoàn thành khóa học càng sớm càng tốt. Lẽ thường, phải học xong rồi mới đi thực tập, nhưng tôi làm ngược lại. Ngay từ những ngày đầu mới sang đất Pháp, tôi đã mang hồ sơ gõ cửa các Cty xin thực tập và may mắn được nhận. Tôi đã hoàn thành khóa học trước 3 tháng, về bên gia đình sớm hơn dự kiến.
Chỉ cần nghĩ lại những ngày cuối tuần chúng tôi xúng xính bồng bế nhau đi chơi, thăm ông bà hay ngồi kể lể chuyện ở trường của con trai, rồi “mỗi ngày một chuyện” của con gái… là tôi cũng đã thấy vui lắm rồi. Điều này đã nạp đầy năng lượng cho chúng tôi, để rồi lại cố gắng.
Chị có định hướng con đi theo truyền thống gia đình không?
Tôi không có ý định đó. Mỗi người có một thiên hướng riêng, mình không thể áp đặt. Tôi tôn trọng sở thích và lựa chọn của con. Riêng việc dạy “bạn lớn” (con trai đầu) và “bạn bé” (con gái thứ 2), tôi cũng có sự điều chỉnh rất lớn. Với “bạn bé”, tôi luôn gợi mở để bé thể hiện bản thân, hình thành tính tự lập. Hai tuổi nhưng “bạn ấy” đã có thể tự đi dép xăng đan, chọn mũ đội, tự xúc thức ăn, lựa chọn thức ăn, chọn những thứ theo sở thích của mình. Làm cha mẹ, điều quan trọng là phát hiện ra sở trường, thiên hướng của con để giúp con phát huy tối đa những sở trường đó.
Vạch kế hoạch tương lai
Có ý kiến cho rằng, nghề sư phạm dễ nhàm chán, đơn điệu. Là giảng viên trẻ, chị nhận xét thế nào?
Tôi quý thời gian lắm, nên thường tranh thủ làm nhiều việc cùng lúc, luôn bận rộn, nên chưa khi nào thấy nhàm chán. Không riêng gì sư phạm, bất cứ ngành nghề nào, nếu không có đam mê thực sự thì khó tìm được sự mới mẻ, hào hứng trong công việc.
Từ thời học cấp II, cấp III, tôi tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn, Hội, là một trong những thành viên tích cực nhất trong các hội diễn văn nghệ của trường. Lên đại học, tôi vừa là bí thư Liên chi đoàn khoa, vừa là ủy viên BCH Đoàn ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm 2003, tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Pháp, tôi tranh thủ hoàn thành nốt tấm bằng kép chuyên ngành tiếng Nhật, bảo vệ luận án tiến sĩ. Giờ là giảng viên, ngoài giờ lên lớp, tôi còn làm nghiên cứu khoa học, tham gia nhiều hoạt động xã hội. Những hoạt động đó bổ trợ cho nhau, giúp mình cân bằng cuộc sống.
Chị có hài lòng với những thành công ngày hôm nay?
Tôi luôn biết hài lòng với những gì mình đang có, còn những gì chưa đạt được, tôi luôn tự động viên mình phấn đấu, chứ chưa bao giờ tự tạo áp lực cho bản thân. Thành quả của ngày hôm nay, một phần đến từ sự may mắn. Đó là kết quả của cả quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Điều quan trọng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ và ủng hộ của người thân, gia đình.
Chị có lời khuyên nào đối với các bạn trẻ ngày nay?
Hãy cố gắng nỗ lực, làm việc hết mình. Mọi cố gắng đều được đền đáp xứng đáng. Muốn thành công, mỗi bạn trẻ hãy suy nghĩ, lập ra kế hoạch tương lai cho mình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Tùy mỗi hoàn cảnh, mình có sự điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Có kế hoạch, mình có đường hướng, động lực, mục tiêu để phấn đấu. Nếu không, người trẻ dễ rơi vào trạng thái thụ động, trông chờ, ỷ lại.
Nguyễn Ngọc Lưu Ly là nữ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2013, chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐH Quốc gia Hà Nội, tham gia viết báo cho tạp chí Khoa học, tạp chí Ngôn ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội; tham gia biên soạn, tổng hợp, điều chỉnh và tổ chức thực hiện 3 chương trình đào tạo với 5 định hướng theo chuẩn đầu ra CDIO. Chị là ủy viên T.Ư Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt - Pháp (AACVF). Năm 2014, chị được nhận bằng khen “Vinh danh người có nhiều cống hiến cho cộng đồng Pháp ngữ” của nhóm các sứ quán và các tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam