Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng và trọng điểm trong chiến lược kinh doanh toàn cầu của Panasonic. Những năm qua, Panasonic không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc thành lập các công ty và nhiều dự án lớn trên cả nước.
Tính đến tháng 8 - 2011, Nhóm công ty Panasonic tại Việt Nam gồm có 6 công ty, bao gồm một công ty mẹ chủ quản, 4 công ty sản xuất và một trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao (PRDCV), với tổng số nhân viên lên đến trên 8.200 người.
Trong suốt 4 năm (2007 - 2010), Panasonic đã có những bước phát triển đáng ghi nhận khi tổng doanh thu hợp nhất đã tăng gấp bốn lần.
Nằm trong chính sách và chiến lược kinh doanh toàn cầu, trong quý III/2011, Panasonic đồng thời tiến hành nhiều bước đi chiến lược vào Việt Nam, nhằm mở rộng đầu tư tại thị trường giàu tiềm năng này. Trước hết, Panasonic đã khởi công xây dựng một nhà máy mới chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Thăng Long (Hà Nội), nhằm sản xuất bo mạch đa lớp ALIVH, phục vụ cho nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng của điện thoại thông minh. Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất từ tháng 8 - 2012.
Bên cạnh đó, Panasonic quyết định mở rộng nhà máy sản xuất tủ lạnh tại Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội (được xây dựng từ năm 2003).
Theo dự kiến, đến năm 2015, năng lực sản xuất của nhà máy có thể tăng gấp hai lần so với năm 2011 (từ 400.000 sản phẩm/năm lên đến 800.000 sản phẩm/năm). Nhà máy sẽ tập trung sản xuất tủ lạnh mang thương hiệu Panasonic với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Năm 2012, Panasonic cũng sẽ khánh thành một nhà máy mới chuyên sản xuất máy giặt tại Khu công nghiệp Thăng Long 2 (tỉnh Hưng Yên). Với quy mô lớn nhất châu Á, nhà máy này đặt mục tiêu sản xuất 700.000 sản phẩm/năm vào năm 2015.
Song hành cùng nhà máy này, một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) cũng sẽ được thành lập tại Hưng Yên nhằm nghiên cứu, phát triển những sản phẩm điện gia dụng phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy và trung tâm R&D sẽ góp phần tạo ra hơn 1.000 việc làm cho người dân địa phương.
Việc mở rộng đầu tư này đã tái khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam của Tập đoàn Panasonic nhằm mục tiêu dẫn đầu thị trường máy giặt, tủ lạnh và xa hơn là vươn lên thành thương hiệu điện – điện tử gia dụng hàng đầu tại Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân mỗi năm ở mức 2 chữ số trong giai đoạn 2011-2015. Trước mắt, mục tiêu doanh thu của Panasonic tại thị trường Việt Nam trong năm 2011 là 1 tỷ USD.
Bên cạnh việc đầu tư cho sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Panasonic cũng không ngừng tiến hành các hoạt động cộng đồng vì sự phát triển của xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Tại Việt Nam, Panasonic là một trong các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng phát triển các hoạt động đóng góp cho xã hội trong lĩnh vực giáo dục và môi trường, với mong muốn thông qua các hoạt động này, thương hiệu Panasonic trở nên thân thuộc nhất đối với người tiêu dùng.
Ngày 8 - 9 - 2010, với sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Chính Phủ Việt nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trung tâm Panasonic Risupia Việt Nam chính thức mở cửa chào đón công chúng, đặc biệt là trẻ em.
Trung tâm là một mô hình độc đáo trên thế giới, tiếp sau trung tâm thí điểm tại Nhật Bản, ứng dụng các công nghệ nghe nhìn và kỹ thuật hàng đầu của Panasonic nhằm thể hiện các định luật nổi tiếng về toán học và vật lý.
Với các vật phẩm trưng bày đa dạng, Risupia không chỉ đem đến những niềm vui và sự phấn khích cho trẻ em mà còn thông qua đó khuyến khích các em học hỏi và khám phá vẻ đẹp của khoa học.
Bên cạnh đó, khu vực trưng bày sản phẩm là nơi thể hiện cam kết chân thành của Panasonic trong việc khuyến khích phong cách sống và làm việc tiện nghi, hiện đại và thân thiện với môi trường cho xã hội tương lai. Tọa lạc tại tầng 2 của tòa nhà Sunrise (Cầu Giấy, Hà Nội), trung tâm Panasonic Risupia Việt Nam đã trở thành địa chỉ giáo dục đầy thú vị không chỉ với trẻ em mà còn cho cả phụ huynh, giáo viên…