Ông xe ôm nghèo trả lại 50 triệu đồng
Sau khi đã trả lại chiếc túi có khoảng 50 triệu đồng và nhiều giấy tờ tùy thân cho người mất, ông Tô Phước Thành (ở TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vẫn miệt mài với nghề chạy xe ôm kiếm từng đồng trả nợ.
Ông Bảy Thành vui khi trả lại chiếc túi có khoảng 50 triệu đồng cho người mất. Ảnh: Diễm Thúy (Tuổi Trẻ) |
Ai biết chuyện hỏi thăm, ông đều bảo: “Người khác cũng sẽ làm như tui thôi mà. Lấy số tiền đó thì tui cũng đâu có giàu lên được. Vả lại xài tiền không phải do mình làm ra sẽ ray rứt lắm, tui không làm vậy được”.
Khoảng 12g trưa 5-4, trong lúc chạy xe ôm đến trước cổng Trường THPT Nội trú tỉnh Trà Vinh, ông Bảy Thành nhìn thấy chiếc túi của ai đó đánh rơi. Ông nhặt lên và quyết định nhanh: “Chắc là trong túi có giấy tờ gì đó của chủ chiếc túi. Nếu biết địa chỉ thì mình đến trả lại cho người ta. Chắc giờ này họ đang buồn vì chiếc túi bị mất”.
Khi mở ra thấy có nhiều tiền và vàng, ông vội đóng lại và mang đến Ủy ban MTTQ VN tỉnh Trà Vinh ở gần đó trình báo và nhờ tìm người mất để trả lại. Một giờ sau, lúc 13g, chiếc túi đã được ông Thành trao lại cho chị B. (cán bộ Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh) với đầy đủ tiền mặt 28 triệu đồng, 4 chỉ vàng, một thẻ ATM và giấy tờ tùy thân.
Nhiều người dân ở TP Trà Vinh biết rõ hoàn cảnh gia đình ông Bảy Thành nói: “Ổng nghèo lắm, không có đất đai gì mà đang nợ nần tùm lum hà. Có người bảo ổng ngu. Số tiền đó sẽ giúp ông trả hết nợ và còn sống khỏe mà đem trả làm gì”.
Đem chuyện này kể lại cho ông nghe, ông cười ha hả: “Họ nói chỉ đúng một phần thôi. Đúng là tui nghèo và đang nợ nần. Còn không đúng ở chỗ lương tâm, phẩm giá của Bảy Thành xe ôm đáng giá hơn 50 triệu đồng đó chứ”.
Tiền công mỗi ngày đêm ông chạy xe được vài chục ngàn đồng. Số tiền này trang trải chi phí gạo, thức ăn cho vợ chồng ông và con gái út không có công việc ổn định.
Ngoài ra, ông còn để dành một ít để cuối tháng trả một phần tiền lãi vay khoản nợ 20 triệu đồng. Bản thân ông sức khỏe không tốt sau hai lần phẫu thuật. Vợ ông đang bị bệnh về cột sống nhưng không có điều kiện chữa chạy vì “nghe nói bệnh này trị nhiều tiền lắm”.
Ông bảo có lần ông làm mất 500.000 đồng. Mấy ngày liền vợ chồng ông buồn như mất cả gia tài, mặt mày như đưa đám. Vậy nên ông hiểu được tâm trạng đau khổ của người bị mất 50 triệu đồng như thế nào.
“Có khi vì chuyện đó mà gia đình người ta xào xáo nữa. Mình không thể vui khi người ta đau khổ được chú à. Chỉ có một cách duy nhất để người ta vui, mình vui là tìm cách trả lại cho họ. Và đúng như vậy, bây giờ mọi người đều rất vui” - ông Bảy Thành tâm sự.
Theo Ngọc Tài
Tuổi Trẻ