Ông Trương Đình Tuyển: Doanh nghiệp tư nhân vẫn bị 'phân biệt đối xử'

TPO - Ngày 26/4, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá, doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam tồn tại nhiều điểm yếu, nhất là kiểu làm ăn chộp giật. Tuy nhiên, DN tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử khi tiếp cận các yếu tố như vốn, đất đai.

Mặc dù hưởng lợi thế từ nguồn lao động dồi dào, trong thời kỳ dân số vàng và khả năng bắt chước của lao động giỏi nhưng tiềm lực công nghệ, tài chính, kinh nghiệm DN non yếu. Đặc biệt là thói quen kinh doanh kiểu chộp giật, tranh thủ thanh đổi chính sách để 'xin cho'.

“Việc kinh doanh chộp giật này có một phần do sự thay đổi chính sách liên tục, khiến DN không thể lường trước để lên kế hoạch kinh doanh dài hạn. Nếu là chủ DN trong trường hợp này, tôi cũng tranh thủ cơ hội để xin cho”, ông Tuyển nói.

Ông Tuyển lí giải, DN không đặt lợi ích khách hàng vào vị trí trung tâm để kinh doanh và 2 bên cùng có lợi. Mặc dù trên văn bản pháp luật không có sự phân biệt nhưng thực tế DN tư nhân bị phân biệt đối xử khi tiếp cận các yếu tố như vốn, đất đai. Theo đó, để vươn lên phát triển, DN tư nhân cần có chiến lược tái cơ cấu DN, nâng cao sức cạnh tranh, dần dần chiếm thị phần trên thị trường.

Đánh giá về chính sách khuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN, để giúp lực lượng DN tư nhân phát triển hơn, đại diện Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cần giải quyết điểm nghẽn chính sách. Điểm nghẽn này chính là những lợi thế đơn giản hơn về hồ sơ thủ tục hành chính, lệ phí, các loại thuế, quy trình tuyển lao động…

Theo CIEM, để “chính thức hoá” hộ kinh doanh nên dùng đòn bẩy kinh tế hơn mệnh lệnh hành chính. Điều quan trọng nhất cho nhà đầu tư thấy được lợi ích về chi phí khi thành lập DN. CIEM cũng kiến nghị, Chính phủ rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, nhất là thuế, điều kiện đầu tư kinh doanh, lao động nhằm bãi bỏ, sửa đổi các quy định cản trở kinh doanh, tạo ra gánh nặng pháp lý quá mức đối với DN nhỏ.

Phát biểu tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù tạo xung lực cho thương mại phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm giúp giảm nghèo nhưng “chiếc áo” WTO đã chật. Việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên khi tham gia các hiệp định này, DN Việt Nam cần phải hoàn thiện hơn nữa để thực hiện tốt các cam kết về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hoá. 

MỚI - NÓNG