1. Dịp giỗ tổ Hùng Vương năm ngoái, tôi tìm gặp trùm phường Xoan Kim Đới Nguyễn Văn Quyết để chuẩn bị cho một dự án âm nhạc. Phường Xoan Kim Đới nằm ở xã Phù Đức ngoại thành Việt Trì, gần khu vực đền Hùng. Đất trung du nhiều đồi núi, sau một chặng đường quanh co, cuối cùng cũng đến được nhà ông trùm.
Đón tôi là một anh thanh niên chỉ chừng ngoài hai mươi khá đẹp trai, trông rất chững chạc. Tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi biết đó chính là Quyết. Không ngạc nhiên sao được khi bao năm qua trên hành trình âm nhạc dân gian, tiếp xúc biết bao nhiêu loại hình cổ nhạc từ Bắc chí Nam dường như mặc định trong tôi những ông/bà trùm là người cao niên, chí ít cũng trên 50.
Ngay kể cả trong 4 phường xoan, trùm 3 phường kia cũng vậy, cụ phường Phù Đức cỡ trên 70, cụ phường Thét thì trên 80, còn trùm phường An Thái trẻ hơn cũng đã ngoài 60. Thấy tôi chưa hết vẻ ngạc nhiên, Quyết mỉm cười: “Em sinh năm 1986”.
Trẻ thế sao đã được làm trùm phường rồi? - tôi phân vân, Quyết bảo: “Trước đây ông nội em là trùm phường, em như vai thư ký giúp ông rất nhiều công việc. Lâu dần thành quen nên khi ông nội em mất các cụ trong phường bảo: giờ có thay ai cũng không nắm được bằng thằng Quyết, nó lại trẻ làm gì cũng nhanh. Vậy là các cụ bầu”.
Hoạt động của phường Kim Đới rất đều đặn. Ông Trùm vừa là thầy dạy nghệ thuật hát Xoan, vừa là người tổ chức các cuộc trình diễn và lưu diễn của phường Xoan đi khắp các đình làng trong vùng. Khi hát xoan chưa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhận loại, loại hình này chưa có chương trình bảo tồn, phường Xoan Kim Đới vẫn duy trì luyện tập hàng ngày vào các buổi tối.
Cách dạy của phường là các lớp nghệ nhân dạy gối tiếp nhau, tức là cụ trên 90 dạy các cụ 70 - 80, các cụ 70-80 lại dạy các nghệ nhân 50-60, cứ thế làng có tới 5 thế hệ cùng tham gia hoạt động trong phường Xoan.
2. Ở Phú Thọ, các phường Xoan hoạt động quanh năm nhưng chủ yếu là vào mùa Xuân, nhiều nhất là tháng Giêng và chính hội là 10/3 trùng ngày Giỗ Tổ. Bên cạnh đó, Quyết còn cùng các cụ nghệ nhân ở 4 phường cổ tham gia vào việc truyền dạy hát xoan tại địa phương cũng như trên địa bàn toàn tỉnh.
Bận nhiều việc với Xoan, cũng có chút thu nhập nhưng chưa thể gọi là một nghề bởi nó chưa nuôi sống được các nghệ nhân. “Các thành viên của phường đang độ tuổi lao động hầu hết đi làm công nhân hoặc làm nông, hay như em ngày thường đi làm xây dựng” - Quyết chia sẻ.
Việc để tham gia được hát xoan lại với vai trò là trùm phường bận hơn nhiều lần so với thành viên bình thường nên Quyết cũng phải khéo léo sắp xếp thời gian.
Quyết thừa nhận: “Khó khăn thực ra có rất nhiều, chẳng hạn đi họp việc xoan không bao giờ có lương, trong khi mình lại nghỉ làm, tối về lại phải đi gọi các cụ trong làng đến nhà mình tập mà làng thì rộng đi rất nhiều nơi”.
Tuy nhiên, cái khó nhất theo Quyết chính là vì thiếu chủ trương bảo tồn. Việc duy trì hoạt động của các phường Xoan đơn giản là tự phát. Theo ông trùm Quyết chia sẻ, lời Xoan chủ yếu là tiếng Hán Nôm nên người theo học phải thực sự đam mê. Vì thế, việc vận động các bạn trẻ theo học hát xoan gặp không ít khó khăn.
Kim Đới là một trong 4 phường xoan cổ nay thuộc địa bàn hai xã Kim Đức và Phượng Lâu ngoại thành Việt Trì, Phú Thọ là nơi phát tích của hát xoan. Xoan Kim Đới được hát thường niên vào các dịp sáng mồng 2 và mồng 7 tháng Giêng hằng năm. Đặc biệt, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10/3 âm lịch, cả 4 phường cổ đều mở hội hát xoan và coi đây là ngày chính hội.
Theo Nguyễn Quang Long