Ông Trần Đăng Tuấn bị loại: Tiêu chuẩn đủ nhưng tín nhiệm thấp

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, trong số ứng viên tiêu biểu, phải chọn người tiêu biểu hơn để đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Ảnh: Trường Phong.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, trong số ứng viên tiêu biểu, phải chọn người tiêu biểu hơn để đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Ảnh: Trường Phong.
TP - Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội khẳng định, việc bốn người tự ứng cử, trong đó có ông Trần Đăng Tuấn bị loại khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội không phải do 1-2 cá nhân quyết định, mà do đa số biểu quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Chiều 19/4, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội, khẳng định, việc bốn người tự ứng cử, trong đó có ông Trần Đăng Tuấn bị loại khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội không phải do 1-2 cá nhân quyết định, mà do đa số biểu quyết theo đúng quy định của pháp luật. Có 3 người tự ứng cử đạt mức tín nhiệm 0%.

Mức tín nhiệm 0%

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, tại Hội nghị hiệp thương lần 3 vừa qua, Hà Nội đã nhất trí thông qua danh sách 38 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XIV. Trong số đó có 34 người đạt tỷ lệ tín nhiệm 100%; 4 người đạt tỷ lệ 96 - 98,8%. Đối với bốn người tự ứng cử bị loại, dù đạt tín nhiệm cao tại nơi cư trú và nơi công tác, tuy nhiên ở Hội nghị Hiệp thương lần 3, tín nhiệm dành cho họ rất thấp. Cụ thể, ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam) chỉ được 13/83 đại biểu tín nhiệm (đạt tỷ lệ 15,66%); 3 người còn lại là ông Nguyễn Quang Huân, Nguyễn Đình Nam, Tạ Hồng Phúc đều đạt mức tín nhiệm 0%.

Trao đổi thêm về dư luận xã hội băn khoăn tình trạng người tự ứng cử phần lớn bị loại, trong đó có người rất được kỳ vọng là nhà báo Trần Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn thông tin, theo quy định của pháp luật, dù là trường hợp tự ứng cử, hay được cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử đều bình đẳng. “Việc lấy ý kiến tín nhiệm cử tri ở nơi công tác, nơi cư trú là theo quy trình. Những người đủ tiêu chuẩn mới lọt vào danh sách hiệp thương vòng 3. Tại hội nghị, việc đánh giá, tín nhiệm thế nào do các đại biểu dự hội nghị quyết định. Chúng tôi đã thực hiện theo đúng quy định”, ông Bùi Anh Tuấn nói.

Tại hội nghị, việc đánh giá, tín nhiệm thế nào do các đại biểu dự hội nghị quyết định. Chúng tôi đã thực hiện theo đúng quy định” 

Ông Bùi Anh Tuấn

Giải thích thêm, ông Bùi Anh Tuấn nói, luật quy định rất rõ những tiêu chuẩn của ứng cử viên ĐBQH và ĐB HĐND các cấp. Tại Hội nghị, các đại biểu đã đối chiếu các tiêu chuẩn như việc gương mẫu chấp hành chủ trương, pháp luật, Hiến pháp; phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; gần gũi, lắng nghe ý kiến nhân dân, được nhân dân tín nhiệm… “Hội nghị đã đối chiếu, đánh giá toàn bộ quá trình, xem xét từng cá nhân để quyết định. Ở đây không phải là 1-2 cá nhân quyết định mà do đa số biểu quyết”, ông Tuấn nói.

  

Theo ông Tuấn, tất cả những người lọt vào danh sách hiệp thương vòng 3 đều là những người đủ tiêu chuẩn, bởi được tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác. Hơn nữa hồ sơ lý lịch đều rất tốt. “Trong số tiêu biểu thì phải chọn người tiêu biểu hơn, mà theo cảm nhận của các đại biểu, có những người có thể đóng góp cho đất nước nhiều hơn, góp phần xây dựng quyết sách nhiều hơn, tốt hơn cho đất nước, cho Thủ đô”, ông Tuấn nói.

Cấm tặng quà để mua chuộc cử tri

Tại Hội nghị, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, số lượng ĐBQH khóa XIV được bầu trên địa bàn thành phố Hà Nội là 30 người. T.Ư sẽ giới thiệu về 13 đại biểu. Sau Hội nghị hiệp thương lần 3, ngày 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH ở T.Ư về Hà Nội.

Cũng theo ông Tuấn, sắp tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ có hướng dẫn gửi các MTTQ cấp cơ sở để hướng dẫn vận động bầu cử và tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc cử tri. “Luật quy định rất rõ về những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử như lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với hiến pháp, pháp luật, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng vận động bầu cử; vận động bầu cử để vận động tài trợ trong và ngoài nước; hứa, tặng cho, dùng quà tặng, tài sản hoặc lợi ích vật chất mua chuộc cử tri”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn hệ thống MTTQ sẽ giám sát từ khâu tổ chức các tổ bầu cử, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử theo pháp luật…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Xuân Hà, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, từ nay đến ngày bầu cử phải tuyên truyền sâu rộng để công dân thể hiện quyền và nghĩa vụ đối với công tác bầu cử. Không để xảy ra việc một người đi bỏ phiếu cho cả nhà.


MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.