Ông tiên chỉ làng cướp phết

Những ngoắc tre thời xưa dùng để đánh phết, bây giờ chỉ còn sử dụng trong tế lễ.
Những ngoắc tre thời xưa dùng để đánh phết, bây giờ chỉ còn sử dụng trong tế lễ.
TP - Muốn lễ hội thành công thì phải chọn được ông tiên chỉ làng. Được làng chọn là vinh hạnh, nhưng rất gian lao, vất vả.

Quả phết may mắn

Chúng tôi về Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) dịp giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Ghé nhà anh Ngô Ngọc Thành, người từng năm lần cướp được phết, vợ anh đã than không biết năm nay tổ chức lễ hội thế nào, nếu thay đổi cách cướp phết thì chán quá. Xưa nay vợ chồng anh vẫn tâm niệm cướp được phết là mang may mắn về cho gia đình và cho cả làng mạc, họ tộc. Chị Ngần vợ anh Thành bảo, 5 quả phết cướp được đều ứng vào những sự kiện quan trọng của gia đình… Mới đây nhất, quả phết cướp được đầu năm 2016 ứng vào việc cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học đã xin được vào cơ quan nhà nước (?!). Để hiểu thêm, anh Thành đưa chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Loan, nguyên lãnh đạo xã Hiền Quan, nhiều năm làm công tác tổ chức hội cướp phết từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Theo anh Thành, ông Loan còn là một trong những người dịch gia phả, thần tích làng Hiền Quan nên rất hiểu về vấn đề này.

Mở đầu câu chuyện, ông Loan kể truyền thuyết về bà Thiều Hoa, một trong những nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Đến năm 16 tuổi thì cha mẹ bà qua đời, bà về tu ở chùa Hiền Quan. “Bà mời nhiều bạn cùng trang lứa trong vùng đến, ngày thì tụng kinh, học chữ, tối thì luyện võ”, ông Loan kể. Bà luyện quân theo chiến thuật vây đánh, chia làm hai phe giáp thượng, giáp hạ. Bà dùng củ tre đẽo tròn, đào lỗ giữa cánh đồng, bãi sông rồi thả vào đó. Khi trăng lên, hai bên cùng xuất quân đến đánh giáp lá cà để tranh quả phết. “Hồi đó vũ khí làm bằng gậy tre. Gốc tre rất bền, ngoắc vào cổ, đập vào đầu là chết. Trong luyện quân thì dùng ngoắc tre tranh quả phết. Bên nào thua phải cõng bên thắng từ ở điểm vây phết về đình”, ông Loan nói. Vẫn theo lời ông Loan, sau này, khi Hai Bà Trưng chống quân xâm lược, bà Thiều Hoa mang quân đến góp sức và lập nhiều chiến công. Đánh giặc xong, bà tiếp tục tu ở chùa Hiền Quan rồi hóa tại đây. Triều đình cho xây lăng mộ, xây đền, cho thờ ở chùa, ở đình và tổ chức hội cướp phết để tưởng nhớ. “Tích xưa vẫn là ném rồi đánh phết chứ không có cướp phết. Đánh phết dùng gậy để tranh giành. Khi Pháp chiếm Phú Thọ thì bị cấm không cho tổ chức nữa”, ông Loan kể.

Trong câu chuyện của ông Loan, có hai người nước ngoài ảnh hưởng đến lễ hội. Năm 1929, có viên chánh sứ người Pháp đi xe cam nhông trước cửa đền 3 lần bị lao xuống sông. Vì thế, ông này yêu cầu dịch gia phả của làng Hiền Quan và cho mở lại hội. Đến năm 1993, cũng có một người nước ngoài lên Hiền Quan đúng dịp lễ hội. “Anh ta bảo là nếu có được quả phết sẽ tặng 100 USD. Làng lấy quả phết của con ông chủ tịch xã mang cho. Từ đó mới sinh ra việc xin, biếu quả phết, tranh giành, cướp phết để cướp lộc. “Vì sợ đánh gãy chân, gãy tay mới bỏ dùng gậy, chuyển sang cướp tay không. Lúc đầu vẫn chỉ có người dân địa phương tranh với nhau. Sau người làng bên kia sông cướp được, có lời đồn họ làm ăn phát đạt nên nảy sinh tâm lý tranh giành, cướp phết bằng được. Nhưng từ đó đến nay cũng chẳng có ai gãy tay, gãy chân, càng không ảnh hưởng tính mạng”, ông Loan nói. 

Nối tiếp truyền thống địa phương đứng ra tổ chức mấy mùa lễ hội, ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan bảo, hội cướp phết ngày xưa giống với môn thể thao khúc côn cầu bây giờ. “Trước đây đánh phết có chia phe, dùng gậy tre, gọi là dùi phết. Gậy tre cứ đánh đi đánh lại giống như khúc côn cầu vậy. Cũng có giới hạn khu vực. Nếu quả phết vượt qua đường giới hạn thì không tranh cướp nữa”, ông Thanh nói. Nơi đánh phết thường tổ chức ở bãi sông gần đền rộng cả nghìn mét vuông, có cả trên khô, dưới nước. Do đánh bằng gậy tre nên xảy ra một số tai nạn, sau mới quyết định chuyển sang chơi bằng tay không.

Làm Tiên chỉ phải kiêng khem

Nhiều trăn trở về việc chuẩn bị hội cướp phết Xuân Đinh Dậu 2017, ông Thanh kể thêm, vẫn còn nhiều yếu tố tâm linh khó lý giải quanh trò chơi và lễ hội này. Nói chung mọi người đều cho là rất thiêng. Ông Thanh bảo muốn lễ hội thành công thì phải chọn được ông tiên chỉ làng. Được làng chọn là vinh hạnh, nhưng rất gian lao, vất vả. Theo chỉ dẫn của ông Thanh, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Quốc Khánh, người làm tiên chỉ làng Hiền Quan hội cướp phết Xuân Đinh Dậu 2017. Lúc chúng tôi đến, ông Khánh vừa đi xây về. Ông bảo, ngày xưa đến tuổi 54 là đã già, các cụ cho vào lo việc làng, chuẩn bị lên lão. Bây giờ ở tuổi 54 vẫn còn trẻ, không đi làm không biết lấy cái gì nuôi gia đình.

Ông tiên chỉ làng cướp phết ảnh 1

Ông Lê Quốc Khánh - tiên chỉ làng Hiền Quan lễ hội cướp phết 2017. Ảnh: Trường Phong

Mở cửa gian phụ dẫn phóng viên vào nhà, ông Khánh bảo thông cảm vì gian giữa thờ đồ cúng, kiêng không mở cửa. Rót nước mời khách, ông bảo, làm tiên chỉ được người dân kính trọng, nể nang. Ra đình người ta gọi bằng cụ. Người khác muốn làm gì cũng phải xin phép, báo cáo, được ông cho phép thì mới dám làm. “Ra đấy mình là nhất”, ông Khánh cười. Ông cũng bảo, bây giờ nếu đi ăn giỗ hay ăn cưới thì đến là ăn chứ không phải vái, được ngồi mâm chính giữa nhà, được ăn trước và ngồi toàn ông to. Ngoài những niềm vui đó thì ông Khánh cũng phải kiêng khem khá nhiều. Theo lời ông kể, chuồng trại ông không được bước chân vào, không đi đám ma, không ăn thịt chó, không mắm tôm, tỏi. Không được ngủ chung với vợ. Không được để dính nước tiểu, phân của trẻ con. Ngay như chuyện ăn mặc, cũng phải theo quy định. Ông cũng phải nhớ được các nghi lễ quan trọng, đặc biệt trong ngày làm chủ tế lễ hội cướp phết. “Vào lễ hội thì tôi là người ném phết, chủ tế chính”, ông Khánh nói. Ngay cả việc trèo cây nhiều khi cũng phải tránh. “Muốn trèo cây thì phải ra mở cửa đình mật khẩn mới dám trèo. Chẳng may đang trèo ngã xuống thì chết”, ông Khánh nói.

Để có người làm tiên chỉ không hề đơn giản. Có khi cả làng chọn không ai được tuổi thì phải đi thuê. Ông Khánh bảo, nhiều khi làm cả năm không sao, đến sát ngày lễ có tang, thế là hỏng hết. Theo quy định, tiên chỉ có tang thì không được vào lễ, chỉ đứng ngoài vái. “Nếu như có tang là trả cho người khác thay. Có người đang làm chủ hội mà có tang cũng trả. Gia đình anh em, họ hàng mà có tang cũng không được”, ông Khánh nói. “Làm mà không chu đáo, sau này có vấn đề xảy ra người dân nói khổ lắm. Người ta nói tại ông không kiêng rồi thế nọ thế kia. Miệng dân truyền lại, sợ lắm”, ông Khánh tâm sự.

Chia tay phóng viên, cả ông Loan, ông Thanh hay ông Khánh đều bảo, đây là lễ hội của nhân dân có lịch sử nghìn năm, người dân thiết tha mong muốn tổ chức. “Việc gì quá thì hướng dẫn cho đúng, còn nếu bảo thay đổi, mang quả bóng nhựa ra để cướp thì không ai tham gia nữa”, ông Loan nói. Ông Thanh, Chủ tịch xã Hiền Quan thì quả quyết giữ quan điểm duy trì cách chơi như hiện tại.

“Ra đấy mình là nhất”, ông Khánh cười. Ông cũng bảo, bây giờ nếu đi ăn giỗ hay ăn cưới thì đến là ăn chứ không phải vái, được ngồi mâm chính giữa nhà, được ăn trước và ngồi toàn ông to. Ngoài những niềm vui đó thì ông Khánh cũng phải kiêng khem khá nhiều.

MỚI - NÓNG