Ông Obama mang 'quyền lực mềm' đến Myanmar

Ông Obama mang 'quyền lực mềm' đến Myanmar
Trong nhiều thập niên, Trung Quốc có toàn quyền hành động ở Myanmar. Nhưng với kết quả cuộc bầu cử dân chủ ở Myanmar đầu năm nay - và cũng là khởi đầu mới đối với phương Tây - dường như các nhà lãnh đạo của Myanmar - trong đó có Tổng thống Thein Sein, đã cho thấy sự thay đổi nhãn quan chính trị một cách đáng kinh ngạc.

Tổng thống Obama tới Myanmar, Trung Quốc có lo mất ‘sân sau’?

Và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Myanmar là để làm sâu sắc thêm sự thay đổi đó.

Trên chiếc Air Force One bề thế, chuyến đi của ông Obama đến Myanmar hôm 19-11 là chuyến công du lịch sử. Mục đích hướng đến của ông có thể là những vấn đề “quyền lực cứng” có sức nặng hơn, như ngòi nổ tiềm tàng ở biển Đông chẳng hạn. Nhưng tính biểu tượng của chuyến đi Myanmar, lần đầu tiên đối với một tổng thống đương nhiệm, lại tập trung vào “quyền lực mềm” mà không thể nhầm lẫn.

Chặng dừng chân ngắn ngủi của ông Obama ở Thái Lan thật ra chỉ để xác nhận lại và hâm nóng mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh đáng tin cậy này trong nhiều năm. Còn ở Campuchia, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á, nơi tiêu điểm sẽ là vấn đề “quyền lực cứng” Trung Quốc với sức mạnh lấn át của họ trên biển Đông.

David Steinberg, giáo sư lỗi lạc chuyên nghiên cứu các vấn đề châu Á ở Đại học Georgetown và là khách thăm thường xuyên Myanmar, nói rằng tất cả ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Myanmar xét về mặt lịch sử đều thể hiện “quyền lực mềm”, cụm từ mà theo cách diễn đạt của giáo sư Joseph Nye ở Đại học Harvard, là thông qua việc hợp tác kinh tế với một nước để đạt được những mục tiêu địa chính trị chứ không dùng đến “quyền lực cứng” như sức mạnh quân sự.

Steinberg nhận định chuyến thăm của ông Obama mang đến nhiều cơ hội ngoại giao cho khu vực “quyền lực mềm”. “Đó là thời cơ đối với ông Thein Sein và cũng là thời cơ với chúng ta. Tôi nghĩ điều đó sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta và tôi không cho rằng ông Obama đang mạo hiểm. Tôi tin chính sách về Myanmar là chính sách ngoại giao thành công nhất của chính quyền Obama ở Đông Á trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông ấy” - Steinberg nói.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Obama ngay sau cuộc tái tranh cử thành công cũng là một khoảnh khắc biểu tượng tác động mạnh đến Myanmar, nơi các nhà lãnh đạo đã bất ngờ và nồng nhiệt tiến hành cuộc cải cách chính trị và kinh tế, điều mà chỉ vài năm trước đây khó có thể hình dung được.

Chỉ riêng quyết định đình chỉ xây con đập quan trọng trên sông Irrawaddy cho thấy thái độ kiên quyết của giới lãnh đạo Myanmar, họ đang cố giảm bớt sự phụ thuộc vào người láng giềng ở phương Bắc mà trong lịch sử họ đã quan hệ với thái độ hoài nghi và bực dọc.

Thế nhưng, đâu đó ở Myanmar vẫn thấp thoáng nỗi lo. Trong buổi tiếp Tổng thống Barack Obama hôm 19-11, thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi tin rằng sự hỗ trợ của Mỹ sẽ giúp đất nước của bà vượt qua những khó khăn nhiều năm tích tụ. Song bà cũng nói về nguy cơ thắng lợi ảo trong tiến trình cải cách chính trị nhanh chóng của Myanmar.

Còn người dân? Họ muốn tin những thay đổi, nhất là về cải cách dân chủ và những đồng đô la đầu tư, là sự thật. Nhưng họ cũng đã mất quá nhiều thời gian chờ đợi. Một doanh nhân người Myanmar nói anh vẫn trong tâm trạng... bán tin bán nghi.

Theo Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.