Sáng 6/3, Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Nêu ý kiến tại phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, số liệu báo cáo về tai nạn giao thông không đáng tin cậy. “Cứ nói tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, coi đó là kết quả chỉ đạo điều hành. Xin lỗi, thực tế cái này là ảo. Tôi có hỏi một số người có trách nhiệm, họ nói địa phương giấu số liệu rất nhiều, do sợ bị nói, sợ bị phê bình. Tai nạn giao thông chết ở đường thì thống kê, còn đưa vào viện mới chết lại nói chết vì lý do khác”, ông Cương cho hay.
Về tình trạng vi phạm giao thông, đại biểu Cương đánh giá “toàn dân vi phạm, toàn dân vượt đèn đỏ”, nhưng việc xử phạt tỷ lệ rất thấp. Ông nói, xưa xử phạt lái xe sử dụng điện thoại, còn bây giờ là chuyện vặt, không ai xử lý nữa, mà ai cũng biết nó vi phạm. Giờ người tham gia giao thông đi vào đường ngược chiều vô tư, ngang nhiên.
Với người nước ngoài, trong tiềm thức của họ đã nghĩ ngay, cứ vi phạm là bị xử phạt, còn quan niệm của người Việt Nam, vi phạm là chuyện bình thường, nếu chẳng may bị bắt và xử phạt thì phải chịu thôi. Ý thức tự giác của chúng ta như vậy, và việc xử phạt rất quan trọng, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ lại cứ đứng trong bục, để vi phạm xảy ra.
Ông Cương đề nghị các ngành chức năng cần nhìn thẳng vào thực trạng chung chi, tiêu cực. “Tôi dám chắc người vi phạm rất nhiều. Trong 10 trường hợp gọi vào không biết xử phạt được mấy người, còn lại là chung chi. Điều này làm người dân không phục và nâng cao ý thức chấp hành cho tốt hơn”, ông Cương nhìn nhận.
“Cứ nói tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, coi đó là kết quả chỉ đạo điều hành. Xin lỗi, thực tế cái này là ảo", ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại.
Liên quan đến vấn đề số liệu thống kê, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện các cơ quan đang thực hiện theo Thông tư 58, tính số người chết ngay tại hiện trường, nhưng Tổ chức Y tế thế giới lại tính số người chết trong vòng 30 ngày. Bà Nga cho rằng, chúng ta phải xem lại Thông tư 58, xem có cần điều chỉnh không, còn việc bộ, ngành, địa phương có làm đúng thông tư này hay không lại là một vấn đề khác.
Về vấn đề xử phạt, bà Nga cho rằng, ở nước ta, dù có bao nhiêu cảnh sát giao thông đi nữa cũng không đủ để phạt trực tiếp các vi phạm. Chính vì vậy, phải thực hiện như các nước, có hỗ trợ công nghệ. Điều này sẽ tránh được tình trạng chống đối người thi hành công vụ và góp phần minh bạch, tránh tình trạng chung chi. Thế nhưng cái khó khi tiến hành phạt nguội, mà ngành công an trăn trở là với ô tô thì áp dụng được, còn xe máy khó vì xe không chính chủ.
Trong khi đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, công tác đào tạo lái xe rất hình thức, trong khi việc kiểm tra kiểm định lại rất ít. “Việc đào tạo lái xe rất nhiều sơ hở. Nhiều lái xe bảo, ở trong trường học được bao nhiêu đâu, chủ yếu ra ngoài vừa lái vừa nâng cao tay nghề thôi. Khi cầm bằng lái bước ra xe, phải đạt chín muồi về lý thuyết và thực hành, kỹ ăng ứng xử, phản xạ phải đạt được tiêu chí nhất định. Nhưng bây giờ không đạt, xe 2 bánh hầu như mua bằng, cử tri phản ánh rất đúng, cần kiểm tra lại”, ông Nghĩa nêu.
Điều đáng lưu ý, theo ông Nghĩa là tình trạng nhà nước đi sau hậu quả. Lẽ thường, cơ quan quản lý nhà nước phải xác định nhiệm vụ là không để vi phạm xảy ra, phòng ngừa là đầu tiên, còn khi xảy ra, việc xử lý là nhiệm vụ thứ hai. Nhưng hiện nay chúng ta chủ yếu đi xử lý hậu quả là chính. "Phải có chiến lược để tai nạn giao thông giảm đến mức nào đó, chứ cứ thế này thì 5 năm nữa tình hình cũng không có biến chuyển”, ông Nghĩa cho hay.