Nguồn thức ăn kém dinh dưỡng và thuốc trừ sâu là những nguyên nhân chủ yếu đang khiến các loài ong trong tự nhiên đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Theo ước tính của Hiệp hội những người nuôi ong ở Mỹ, số lượng những đàn ong nuôi đã giảm khoảng 40%.
Trong khi đó, đa phần người nông dân đều phải mua hoặc thuê các đàn ong để phục vụ công việc đồng áng, điều này góp phần làm cho giá lương thực trở nên đắt đỏ hơn.
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học Nga tại Đại học Bách khoa Tomsk (TPU) đã đưa ra một giải pháp thay thế: Ong máy. Dự án này dự định sẽ khởi động vào năm 2019 để tạo ra những chú ong máy có kích thước lớn hơn ít nhất bảy lần so với ong trong tự nhiên, có nghĩa là chúng sẽ to bằng lòng bàn tay con người.
Theo Alexey Yakovlev, hiệu trường Trường Kỹ thuật thuộc TPU, ong nhân tạo sẽ đặc biệt thích hợp cho dâu tây và các loại cây khác được trồng quanh năm trong nhà kính.
Để chế tạo những con ong máy, các nhà khoa học Nga sẽ phải phát triển các thuật toán, phần mềm, các hệ thống quang học và những phương pháp nhận dạng hình ảnh giúp việc định vị được chính xác. Sẽ phải mất khoảng 1,4 triệu USD cho 100 con ong máy dự tính sẽ được xuất xưởng trong lần đầu tiên.
Các nhà vườn lớn chủ yếu dùng ong nghệ cho việc thụ phấn hoa quanh năm. Mỗi đàn ong có giá khoảng 500 USD. Vào mùa đông, họ sử dụng ánh sáng hồng ngoại để tạo ra nhiệt độ ấm, tuy nhiên, khi mùa xuân tới (thời tiết ấm lên), các đàn ong hoàn toàn có khả năng bỏ vườn bay đi mất. Điều này đồng nghĩa với hao hụt kinh tế. Trái lại, ong máy có khả năng làm việc không nghỉ mà chẳng bao giờ bay đi nơi khác.
Việc sử dụng ong máy tuy không thể hoàn toàn thay thế được những chức năng của ong trong tự nhiên, nhưng các nhà vườn trồng những loại thực vật khác nhau có thể sử dụng chung một bầy ong máy với chi phí thấp hơn thuê, hoặc mua một đàn ong tự nhiên, và ngoài các sinh vật có thể thụ phấn thay thế ong, như: dơi, ruồi, muỗi… ong máy chắc chắn là giải phải mà những chủ nhà vườn đang tìm kiếm.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế các đàn ong tự nhiên đang ngày một ít dần, các chuyên gia cũng đã thử nghiệm nhiều giải pháp thụ phấn nhân tạo.
Năm 2017, nhóm nghiên cứu của Eijiro Miyako thuộc Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến của Nhật Bản đã phát triển mô hình máy bay không người lái có gắn lông ngựa và một loại gel đặc biệt để giúp thụ phấn hoa.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard cũng đã phát triển mô hình ong nhân tạo có trọng lượng chỉ bằng 1/10gram được gắn cảm biến thông minh hoạt động giống như mắt của loài ong.
Phòng thí nghiệm Draper Charles Stark ở Cambridge, Massachusetts cũng đang hối hả với thiết bị thụ phấn có điều khiển mà họ gọi đó là Rồng thụ phấn hoa. Và gần đây nhất, vào tháng 3 vừa rồi, Walmart đã gửi đơn xin cấp bằng sáng chế cho các máy bay không người lái thụ phấn của mình.
Tuy nhiên, tất cả những nghiên cứu này vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu thụ phấn hàng loạt, và sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa trước khi được chứng kiến một đàn ong máy vo ve trên những cánh đồng.