Thưa ông, khi còn là Giám đốc Sở Thông tin và Truyển thông TPHCM, ông là người đầu tiên kiến nghị phải quản lý trò chơi trực tuyến cả về kỹ thuật lẫn nội dung. Vì sao ông kiến nghị như vậy?
Trò chơi trực tuyến, tức game online (G.O) xuất hiện ở Việt Nam cách đây đúng 15 năm. Lúc đó chưa mấy ai biết về phương thức hoạt động của trò chơi này, kể cả các nhà quản lý internet. Qua kiểm tra Sở Bưu chính Viễn thông (BCVT) TPHCM phát hiện doanh nghiệp cung cấp G.O không có giấy phép viễn thông và giấy phép của Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép về nội dung G.O.
Khi đó còn nhiều ý kiến khác nhau giữa Bộ BCVT và Sở. Thậm chí có một số ý kiến cho rằng không cần giấy phép. Thật ra, ý kiến của Bộ lúc đó mới chỉ là nhận xét ban đầu. Tôi với Thứ trưởng Lê Nam Thắng là bạn học cùng trường, thân quen với nhau đã lâu, không có mâu thuẫn gì. Anh Thắng rất giỏi chuyên môn và cầu thị. Tôi ở cơ sở, nắm thực tế và báo cáo lên Bộ để xem xét, giải quyết.
Tháng 11/2005, Bộ BCVT và Bộ Văn hóa Thể thao (VHTT) tổ chức cuộc họp với Sở BCVT TPHCM để xem xét các vấn đề liên quan đến quản lý G.O. Chúng tôi ra Hà Nội họp mà anh em ở nhà rất hồi hộp, thậm chí lo lắng vì dư luận đang nóng quá, đặc biệt khi đó chúng tôi yêu cầu ngưng phát hành “Võ Lâm Truyền Kỳ” đang vô cùng ăn khách vì chưa có giấy phép.
Cuộc họp kết thúc thì các báo lao vào phỏng vấn. Chúng tôi ra xe đi luôn. Đang đi trên xe thì anh em ở TPHCM nhắn tin reo hò chúc mừng thắng lợi. Mọi người ở nhà xem báo mạng nên biết tin rất sớm. Thật lòng mà nói, lãnh đạo Bộ rất lắng nghe và cầu thị. Chúng tôi gặp và báo cáo trực tiếp là các anh hiểu và quyết định ngay, không có bất đồng gì.
Tháng 6/2006, liên Bộ VHTT - BCVT và Bộ Công an ký ban hành Thông tư liên tịch về quản lý G.O. Thông tư xác định loại hình G.O cần có giấy phép về nội dung và cần được xác nhận đảm bảo điều kiện kỹ thuật trước khi cung cấp.
Lúc ấy dường như ông đơn độc và không nhận được nhiều ủng hộ của cơ quan có thẩm quyền? Vì sao như vậy? Ông đã làm gì để thuyết phục ?
Sau khi Thông tư 60 có hiệu lực (tháng 7/2006), các doanh nghiệp (DN) cung cấp G.O vẫn không thực hiện quy định. Chúng tôi buộc phải có biện pháp mạnh.
Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2006 Sở BCVT TPHCM đã tiến hành xử phạt 6 DN cung cấp game, buộc đình chỉ 13 G.O. Hành động kiên quyết của Sở BCVT TPHCM đã góp phần lập lại trật tự trong kinh doanh G.O. Việc chấn chỉnh hoạt động cung cấp G.O đã tạo thành tiếng vang và được đánh giá là một trong 10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu năm 2006.
Việc lập lại trật tự trong kinh doanh G.O đã khó, việc chống trò chơi bạo lực còn khó hơn nhiều. Trò chơi mang yếu tố bạo lực đã có ngay từ đầu nhưng chưa mấy ai để ý vì số trò chơi ít, tác động chưa rộng. Thế nhưng, sau 4 năm tình hình đã khác hẳn.
Năm 2006, 2 G.O được cấp phép thì cả 2 G.O đều mang tính bạo lực. Đến 2010, trong 65 G.O thì có 43 G.O mang tính bạo lực (chiếm 66%). Dư luận đã rất bức xúc về tác hại của G.O bạo lực và cờ bạc. Theo đánh giá của chúng tôi lúc đó, 4 nhóm tác hại chủ yếu của G.O gồm: bạo lực, tính cờ bạc, khiêu dâm và gây nghiện.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM, chỉ tính riêng trên 11 báo lớn của TPHCM từ năm 2006 đến 2010 thì đã có hơn 7.000 bài báo và ý kiến về G.O, trong đó đa số là phản ánh về tác hại của G.O với bản thân, gia đình và xã hội
Chúng tôi kiến nghị Bộ TT&TT nhiều nội dung, trong đó đề xuất ban hành và công khai tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và cờ bạc. Sau khi có tiêu chí, thẩm định lại các G.O có yếu tố bạo lực, yếu tố cờ bạc và chỉ cho phép lưu hành các G.O không mang tính bạo lực, cờ bạc. Chờ mãi kiến nghị vẫn chưa được Bộ phản hồi, không thể kiên nhẫn hơn do tác hại của các G.O này, Sở TT&TT TPHCM phải đơn phương hành động.
Chúng tôi tập trung xử lý triệt để 3 G.O bạo lực nhất là các G.O bắn súng, trong đó 2 trò chơi đã phải ngưng hoạt động trên toàn quốc là “Biệt đội thần tốc” của Vinagame (ngưng từ 17/10/2010) và “Đặc nhiệm anh hùng” của FPT (ngưng từ 1/11/2010). Trò chơi Đột kích của VTC Intecom bị buộc ngưng cung cấp trên địa bàn TPHCM (do đây là doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT nên Sở không đủ thẩm quyền buộc ngưng trên toàn quốc).
Việc một Sở TT&TT của địa phương yêu cầu DN thuộc Bộ TT&TT ngưng cung cấp trò chơi trực tuyến thực sự gây chấn động lúc bấy giờ. VTC intecom chính là DN sở hữu ngôi sao công nghệ lúc đó là Phan Sào Nam, vừa qua bị phạt tù vì tội tổ chức đánh bạc khi kinh doanh G.O cờ bạc trong vụ án lớn nhất cả nước về đánh bạc trực tuyến.
FPT và Vinagame cũng không phải là DN nhỏ bé. Tiếng nói của họ có trọng lượng rất lớn. Có hiệp hội ngành nghề đã gửi đơn lên lãnh đạo cấp cao để phản đối TPHCM. Một số cơ quan, đơn vị có những lời nói, hành động không cùng hướng với chúng tôi.
Sau 5 tháng TPHCM thực hiện các biện pháp mạnh quản lý G.O, có 20 G.O buộc phải ngừng hoạt động, trong đó có 18 G.O có nội dung bạo lực. Đối với G.O kiếm hiệp có nội dung bạo lực, Sở TT&TT yêu cầu 9 DN loại bỏ tính năng đối kháng trong 29 G.O. Ngoài nội dung bạo lực, chúng tôi cũng đã phát hiện và xử lý 8 G.O cờ bạc trên địa bàn.
May mắn là Sở TT&TT nhận được ủng hộ rất lớn từ UBND và HĐND TPHCM. Lần đầu tiên, HĐND TPHCM có nghị quyết về quản lý G.O. Căn cứ vào nghị quyết này và chỉ đạo của UBND thành phố, Sở TT&TT đã thực hiện nhiều biện pháp để xử lý các G.O bạo lực, cờ bạc.
Tuy nhiên, lúc đó ủng hộ từ cấp bộ ngành còn hạn chế. Nhiều người đánh giá thành phố đơn độc là từ việc này. Bây giờ đọc lại các bài báo lúc đấy, tôi thấy ý kiến của mình rất gay gắt đối với các cơ quan liên quan. Cũng là vì công việc thôi. Chúng tôi nhận được rất nhiều thư phản ánh, thư kêu cứu từ các bậc phụ huynh về tác hại của trò chơi bạo lực, cờ bạc đối với con cái họ, gia đình họ. Đau lòng và sốt ruột lắm. Chúng tôi thuyết phục bằng chính việc làm của mình. Dư luận cũng rất đồng tình, ủng hộ cách làm kiên quyết của TPHCM.
Ông nhìn nhận và đánh giá thế nào về vụ học sinh lớp 11 khai bắt chước game, bắt cóc và làm chết bé trai 5 tuổi? TPHCM và cả nước nói chung, cần làm gì để nâng cao vai trò quản lý nhà nước, ngăn ngừa hệ quả xấu do game online gây ra?
Đây là sự việc rất đau lòng. Tôi không dám đọc chi tiết về sự việc này. Quá kinh khủng. Chúng ta cố gắng hết sức để không có người chết vì virus Corona. Bây giờ, nếu thực sự em bé 5 tuổi chết do thanh niên kia bắt chước hành động trong G.O thì thật khủng khiếp.
Tôi đã nói tương đối kỹ về quá trình TPHCM quản lý, phát hiện và kiên quyết xử lý G.O xấu ở trên. Mong rằng các cơ quan liên quan nhìn vào đó như một kinh nghiệm tốt về quản lý. Anh em làm công tác quản lý phải rất giỏi về công nghệ để biết được, theo kịp được phương thức hoạt động rất mới và luôn phát triển của các ứng dụng trên internet; phải nắm chắc, hiểu rõ pháp luật vì chỉ sơ sảy một chút là thất bại. Vì trẻ em, vì xã hội tốt đẹp không chỉ là khẩu hiệu. Cán bộ của Sở TT&TT lúc đó hành động thực sự là cho mục đích đó. Nhiệt huyết và trong sáng lắm. Một vấn đề nữa là không ngại va chạm, không ngại bất đồng ý kiến, lăn xả vào làm việc.
Tôi cho rằng, quản lý G.O bây giờ có nhiều thuận hơn vì quy định của pháp luật đã tương đối đầy đủ. Nhận thức về mặt trái của trò chơi trực tuyến đã nâng lên rất nhiều. Các G.O trước khi được phát hành đều đã được thẩm định kỹ, không đáng lo.
Thế nhưng, các G.O lậu, từ nước ngoài là không thể kiểm soát về nội dung và doanh thu. Các cơ quan quản lý phải chặn cho được các G.O không được cấp phép bằng các biện pháp kỹ thuật và nhiều biện pháp khác.
Nếu không tham, quản lý tốt, theo dõi sát thì đã không xảy ra vụ đánh bạc trực tuyến ở công ty của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương... Nếu tìm hiểu kỹ nội dung, lập được danh sách các trò chơi trực tuyến lậu mà trẻ em hiện nay đang chơi nhiều để ngăn chặn triệt để thì không xảy ra cái chết thương tâm của em bé 5 tuổi.
Cám ơn ông.