Ông Lê Hùng Dũng: Tôi cũng là người nhà nước

Ông Lê Hùng Dũng: Tôi cũng là người nhà nước
TP - Trả lời báo chí sau cuộc họp Thường trực LĐBĐVN (VFF) hôm qua, ông Lê Hùng Dũng cho biết, muốn được thi đấu fair-play với Thứ trưởng Lê Khánh Hải trong cuộc đua đến chiếc ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII.

> Ban kiểm phiếu VFF bị "phê bình nghiêm khắc"
> Đại hội VFF chính thức hoãn đến tháng 10

Người nhà nước cấp bộ, người nhà nước địa phương

Đại hội VFF dự kiến sẽ lùi lại tới tháng 10/2013. Ông có cho rằng vì việc này mình sẽ bị mất những lợi thế đang có?

Nhiều người nói nếu giờ bầu cử thì tôi thắng, vì kiểm phiếu vừa rồi tai tiếng, ảnh hưởng ứng viên của Bộ. Tôi nói là tôi chấp nhận chơi fair-play. Tôi không dùng đủ mọi thủ thuật, tiểu xảo để giành thắng lợi.

Quan điểm của Bộ VH-TT&DL, để người Nhà nước làm Chủ tịch VFF nhằm giữ định hướng quản lý đối với bóng đá. Nếu ông trúng cử, VFF liệu sẽ có sự “phá rào” nào hay không?

Cái này tôi muốn nói lại để có bức tranh toàn cảnh hơn. Nếu nói chỉ mình anh Hải là người Nhà nước, tôi không phải thì không đúng. Bản thân tôi 40 năm tuổi Đảng, là chủ tịch một công ty lớn của Nhà nước (ông Dũng kiêm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC-PV), hoạt động theo chuẩn mực của Nhà nước.

Tôi làm quản trị công ty đó thì trong 10 năm, vốn điều lệ tăng lên 17 lần, từ 80 tỷ lên hơn 1.400 tỷ. Các báo trích dẫn ý kiến của Bộ VH-TT&DL, cho rằng người Nhà nước thì vì cái chung hơn. Thế doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp Nhà nước thì vì cái riêng? Nói vậy thì không thỏa đáng.

Quan điểm của Bộ, doanh nghiệp hướng tới lợi nhuận còn người Nhà nước thì vì cái chung?

Tôi cho câu đó chỉ đúng phân nửa vì bản thân tôi cũng là người Nhà nước. Đặt trong nhiệm vụ Thành uỷ, UBND TP giao cho tôi 80 tỷ, làm sao để bảo toàn và phát triển thì trong phạm vi đó, tôi cho rằng làm ra lợi nhuận cũng là nhiệm vụ chính trị. Nếu nói vậy thì vô hình trung có thể tạo nên sự kỳ thị giữa nhà nước với tư nhân, giữa người Nhà nước cấp Bộ và người Nhà nước cấp địa phương.

Tôn trọng luật chơi

Ông có ngại mang tiếng mình lobby?

Theo tôi nghĩ, bản thân việc có 2 ứng viên, và 2 ứng viên đó phải chứng tỏ trước công luận, giới chuyên môn là chuyện nên làm. Lobby (vận động hành lang) không có gì là xấu xa cả nếu công khai, minh bạch.

Theo tôi, trong thời đại ngày nay, việc lần đầu tiên có sự tranh luận nếu có và tranh cử giữa hai ứng viên là phù hợp xu hướng dân chủ hiện đại. Vậy nên, người ta có quyền làm những cái cần thiết nếu luật pháp không cấm.

Ông có hào hứng với một cuộc đấu tay đôi về đề án tranh cử với

Thứ trưởng Lê Khánh Hải?

Tôi rất thích chuyện đấy! Tôi cho rằng áp dụng đa dạng hình thức tranh cử sẽ thổi luồng không khí mới vào hoạt động bóng đá. Tôi rất đồng tình với một ý kiến trên báo, rằng đây là cuộc đấu không phải “quân xanh” làm vì mà là tranh cử thật sự. Cái đó là một nét mới ở Đại hội lần này, đóng góp vào sự phát triển của bóng đá. Kết quả chỉ được biết khi kiểm đến lá phiếu cuối cùng.

Đâu là điểm ông cho rằng mình sẽ làm tốt hơn đối thủ, và đâu là điểm đối thủ yếu hơn ông?

Mình không đi theo công thức hướng tới vạch cái xấu của đối thủ. Nhưng tôi sẽ có đề án nêu rõ nếu tôi làm Chủ tịch, tôi sẽ làm gì phục vụ cho sự phát triển của bóng đá VN. Cái này trong dự thảo nghị quyết BCH cũng đưa vào rồi, là ứng viên Chủ tịch phải có đề cương tranh cử báo cáo trước Đại hội. Cũng có thể thông tin cho báo chí 1, 2 ngày trước đó. Đây cũng không phải đề tài an ninh quốc gia, bí mật quốc phòng để giấu.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải đang nhận được sự hậu thuẫn lớn của Bộ VH-TT&DL. Ông có cho rằng đấy là bất lợi với mình?

Tôi thì cũng không quá thật thà để nói với các bạn điểm mạnh, yếu của mình là gì. Nhưng khi quyết định ra tranh cử, tôi tự biết điều đó và sẽ có nội dung tranh cử phù hợp. Cũng không nên nghĩ là Bộ đưa ứng viên mình ra rồi để tự ứng viên của mình bơi. Chúng ta có luật chơi, tôn trọng luật chơi.

Ông Dũng có gì, ông Hải có gì?

Ông đã tiếp xúc với Thứ trưởng Lê Khánh Hải chưa? Nếu ông làm phó cho ông Hải, sự hợp tác liệu có thuận lợi?

Tôi có gặp loáng thoáng một, hai lần. Tôi là người có thể thích hợp với mọi hoàn cảnh, hoàn cảnh nào cũng có phương án tốt nhất của mình. Tôi có thế mạnh, một là không cần thắng bằng mọi giá, và hai là tôi có hai cửa liền, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch. Đằng nào tôi cũng thắng, không cửa một thì cửa hai.

Doanh nhân điều hành bóng đá có lợi thế gì?

Doanh nhân có lợi thế lớn nhất là đánh giá tình hình và quyết rất nhanh. Mà như vậy mới giải quyết được những vấn đề cấp bách được. Hai là huy động được nguồn lực xã hội, từng bước cho bóng đá sống bằng chính nguồn tạo ra từ các hoạt động bóng đá.

Nhiều người ủng hộ ông nhưng không ít ủng hộ Thứ trưởng Lê Khánh Hải. Sắp tới bầu cử có nhiều người của các địa phương theo ngành dọc. Ông có nghĩ rằng mình sẽ lép vế?

Cái đó chắc chắn. Tôi cũng hiểu điều đó. Tuy nhiên, tôi cũng có chiến thuật riêng của mình, nhưng không công bố đâu (cười). Đó là bí quyết riêng, tôi không dại công bố lúc này. Tôi tin nên mới chơi. Nói vui là tôi đang giấu con “bài tẩy” trong tay mà đối thủ không biết.

Bao giờ ông sẽ tung con bài của mình ra?

Trước Đại hội.

Nếu Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng có một con bài “tẩy” trong tay?

Như vậy mới hấp dẫn. Các bạn không biết trong tay ông Dũng có gì, ông Hải có gì.

Nguyên Phong
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.