Ông lão 67 mê câu cá Trường Sa

Ông lão 67 mê câu cá Trường Sa
TP - Được câu cá ở Trường Sa là cơ hội thú vị với những người mê câu. Và đối với ông lão gần 70 tuổi, đó là mong ước đến gần cuối đời mới đạt được.

> Những 'anh nuôi' trên tàu ra Trường Sa

Ông Quý với con cá lượng nặng khoảng 20kg câu được trong chuyến đi Trường Sa cuối năm 2013. Ảnh: tuấn nguyễn
Ông Quý với con cá lượng nặng khoảng 20kg câu được trong chuyến đi Trường Sa cuối năm 2013. Ảnh: tuấn nguyễn.

Trong hành trình ra chúc Tết quân dân huyện đảo Trường Sa cuối năm 2013, chúng tôi có dịp câu cá biển. Những con cá chuồn cứ thấy ánh sáng đèn tàu chiếu xuống là lại bay lên khỏi mặt nước. Có chú đâm thẳng vào thành tàu hoặc lao hẳn lên mạn tàu, bị dân câu biến thành mồi nhử các loại cá khác. Đặc biệt hơn là những màn câu được cá lượng, cá nhám, cá sũ, cá bè, cá nhám…thậm chí là cá mập nặng tới vài chục cân của các “cần thủ”.

Thường thì những sĩ quan hay đi biển rất dày dạn kinh nghiệm trong việc này. Tuy nhiên, trong số các “cần thủ” của đoàn tàu chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quý (67 tuổi), Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Bình Thuận, Ủy viên Ban chỉ đạo tuyên truyền bảo vệ phát triển biển đảo Bình Thuận - có tài câu cá không thua kém đám thanh niên.

Ông Quý đã đi gần khắp đất nước Việt Nam, duy chỉ có Trường Sa, Hoàng Sa nơi đầu sóng ngọn gió là ông chưa đến được. Vốn mê câu từ nhỏ, tính đến nay, trong nhà ông Quý có cả một bộ sưu tập đồ câu cá gồm các loại cần, ống, lưỡi, máy, dây thích hợp cho các loại cá, các kiểu mồi, chì, lưỡi, quần áo, giày dép, găng tay, túi chống nước, võng, bạt, thuốc chống muỗi, thuốc sát trùng, kìm, kéo chuyên dụng cho nghề câu…

Sau kháng chiến chống Mỹ, ông công tác tại miền Bắc, đã nhiều lần câu được cá to ở sông Hồng, sông Đuống và sông Thương. Tuy nhiên, ông đam mê nhất trò câu cá biển. Biển rộng, sâu, luôn có sóng gió, mực nước chênh lệch, thay đổi theo mùa, thậm chí theo ngày giờ, nên người câu phải hiểu được quy luật của thuỷ triều, sóng gió.

Tại quê nhà Bình Thuận, tranh thủ những lúc rảnh rỗi cuối tuần, ông Quý thường mang theo đồ nghề cùng bạn bè đi câu tại vùng biển Mũi Né, Hòn Lao, Côn Đảo và nhiều điểm xa xôi hơn. Ở những vùng này, nhiều lần ông đã câu được cá to, nặng tới chục cân như cá hồng, cá mú, cá thu bè, cá đuối. Đối với ông, câu cá vừa để giải toả stress, vừa tăng khẩu phần thức ăn hằng ngày cho gia đình.

Chuyến đi Trường Sa lần này, ông Quý đã mua 3.500m cước, 2.000 lưỡi câu các loại và một số ngư cụ khác để tặng cán bộ, chiến sỹ hải quân, tạo điều kiện cho họ câu thêm nhiều cá, cải thiện đời sống. Ông Quý cũng mang bộ cần câu chủ lực gồm máy hiệu Daiwa của Nhật và cần câu Shimano, cùng cước Nhật trị giá gần 10 triệu đồng.

“Để câu được cá ở khu vực Trường Sa phải có cước dài từ 200m trở lên, do đó phải dùng ống câu (còn gọi là câu đài) mới cuộn được nhiều cước. Ống câu trước đây được ông cha làm bằng tre Tàu cưa ngắn, tạo ma sát, về sau được làm bằng gỗ, hiện nay đa số được làm bằng nhựa. Ống nhựa tuỳ loại đúc dày, mỏng, thường chịu mưa nắng tốt. Còn ống gỗ có thể bị nứt do ngấm nước. Chính ra, câu bằng ống tre Tàu hoặc ống gỗ nhẹ hơn nên khi quấn cước sẽ nhanh hơn” – ông Quý chia sẻ.

Trong hành trình đi các huyện đảo Trường Sa, các điểm neo đậu của tàu được tận dụng làm điểm câu cá cho các “cần thủ”. Thời gian câu lý tưởng nhất thường từ 20h-23h. Theo ông Quý, câu cá biển có 2 cách: Câu đáy (mồi sát đáy), chì phải thật nặng (khoảng 300-500 gam). Loại này thường câu được cá mú. Cách thứ hai là câu nổi, thường câu được cá thu, cá ngừ, cá nhồng, cá măng…Mồi câu có thể dùng chính con cá chuồn sống, con mực.

Mấy ngày đầu, sở trường câu cá ven bờ của ông Quý tỏ ra chưa “bén duyên” với nơi đảo xa. Về sau, nắm được quy luật săn mồi của cá và kinh nghiệm của một số “cần thủ” cùng tàu, ông Quý bắt đầu câu được nhiều cá lớn.

Đêm hôm ấy, sau gần 2 tiếng đồng hồ ngồi câu dưới trời đổ mưa phùn, gió rít từng hồi, sóng vỗ bập bềnh, đột nhiên dây cước bị giật mạnh, biết cá đã cắn câu, ông Quý nhanh tay cuộn cước. Vừa kéo vừa thả cho cá đuối sức, rồi ông kéo lên mặt nước, nhờ sự hỗ trợ của “đồng nghiệp” dùng khấu móc vào mang cá, kéo lên tàu. Thành quả là một chú cá lượng nặng chừng 20kg. Mọi người vỗ tay hò reo, hoan hô ông lão. Ngay sau đó, một bữa nhậu linh đình được tổ chức tại tàu với món lẩu cá thơm phức.

Từ thú vui câu cá, ông Quý cùng bạn bè còn có nhiều đề xuất, sáng kiến cho các địa phương lập dự án các khu bảo tồn để bảo vệ nguồn gen hải sản đang dần cạn kiệt. Họ còn có các chương trình thả cá, gây quỹ từ thiện cho ngư dân nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG