Bài phát biểu dự kiến sẽ đề cập đến hàng loạt vấn đề, từ đối ngoại đến phát triển quân sự, kinh tế và giáo dục.
Trong bài phát biểu đầu năm 2019, ông Kim nói ông có thể sẽ thay đổi đường đi nếu Washington khăng khăng thực hiện chiến dịch gây sức ép và đòi Bình Nhưỡng đơn phương thực hiện theo yêu cầu.
Mỹ vẫn đang trên lộ trình phớt lờ thời hạn chót vào cuối năm nay mà ông Kim đặt ra.
Bài phát biểu sắp tới của ông Kim dự kiến sẽ là tổng hợp nội dung kỳ họp đang diễn ra của đảng Lao động Triều Tiên.
Chưa rõ những nội dung gì được thảo luận trong kỳ họp này, nhưng hãng thông tấn Triều Tiên KNCA hôm qua nói rằng ông Kim đã dành 7 giờ đồng hồ trong phiên thảo luận ngày 30/12 để bàn về việc xây dựng nhà nước, phát triển kinh tế và quân sự. Hôm 29/12, ông kêu gọi thực hiện “các biện pháp tích cực và tấn công” để bảo đảm an ninh đất nước.
“Cuộc họp của Ủy ban trung ương đảng nhằm chính thức hóa quy trình đằng sau những quyết định chính sách mà ông Kim Jong Un sẽ thông báo trong bài phát biểu đầu năm mới”, GS Leif-Eric Easley, công tác tại ĐH Phụ nữ Ewha ở Seoul, nhận định.
“Cuộc họp là để tạo nền tảng chính trị cho các chính sách kinh tế và an ninh và Bình Nhưỡng sẽ theo đuổi trong năm 2020”, GS Easley nói.
Triều Tiên mới đưa ra rất ít manh mối để có thể hiểu “con đường mới” của họ là gì, nhưng các tư lệnh Mỹ cho rằng bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng có thể bao gồm việc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mà nước này hoãn lại từ năm 2017.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cảnh báo rằng Washington sẽ “cực kỳ thất vọng” nếu Triều Tiên thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông hy vọng Triều Tiên sẽ chọn hòa bình thay vì đối đầu.
“Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm chúng ta có thể tìm ra con đường phía trước để thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên rằng điều tốt nhất với họ là tạo cơ hội tốt hơn cho người dân bằng cách từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đó là suy nghĩ của chúng tôi”, ông Pompeo nói trên đài Fox News hôm 30/12.
Không quân Mỹ điều một chiếc máy bay giám sát RC-135 bay đến Hàn Quốc vào đầu tuần này, theo mạng theo dõi máy bay quân sự Aircraft Spots.
Dù có nhiều đồn đoán về khả năng khiêu khích quân sự, việc Triều Tiên khởi động lại hoạt động thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể làm tổn hại quan hệ cá nhân của ông Kim với ông Trump, điều mà Bình Nhưỡng nhiều lần ca ngợi trong khi chỉ trích ông Pompeo và các quan chức Mỹ khác.
Cho Tae-yong, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói rằng ông Kim chỉ còn ít lựa chọn để có thể bảo vệ quan hệ với ông Trump.
“Trong bất kỳ trường hợp nào, Triều Tiên cũng sẽ đưa ra rất nhiều lý lẽ trước và sau khi thử, để bảo đảm rằng họ không có ý định phá bàn đàm phán mà chính là Mỹ phản bội họ”, ông Cho nói với Reuters.