Ông giáo già lập web tìm liệt sĩ

Ông giáo già lập web tìm liệt sĩ
TP - “Hơn 30 năm trời đi tìm mộ anh trai nên tôi đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người đi tìm mộ. Tôi làm trang web này mong giúp những người tìm thân nhân có thêm thông tin”, ông Nguyễn Sỹ Hồ, chủ trang web nguoiduado.vn, nói.

> Ánh sáng từ những người đã khuất
> Triệu ngọn nến tri ân

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ tại nhà
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ tại nhà .

Từ trang web này, đã có hàng ngàn trường hợp thân nhân liệt sĩ tìm được mộ người thân.

Quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh, nhưng ông giáo dạy toán Nguyễn Sỹ Hồ đã hơn 30 năm gắn bó mảnh đất Bình Dương. Nhà ông có người anh hy sinh năm 1973.

Trên giấy báo tử chỉ ghi: “Hy sinh tại chiến trường miền Nam”. Đó là điều làm ông suy nghĩ suốt bao năm. Cứ mỗi khi thu xếp được, ông lại tìm đến những vùng chiến trường xưa, tìm tên anh mình ở các nghĩa trang liệt sỹ.

Ông còn tìm đến những đồng đội cũ của anh mình để hỏi thông tin, đến phòng chính sách của các đơn vị quân đội để tìm danh sách.

30 năm ròng biết bao nhiêu nơi, cuối cùng may mắn đã đến với ông khi tìm được mộ anh mình tại một nghĩa trang thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

“Tôi cảm thấy mình còn may mắn vì đã tìm được mộ anh mình. Biết bao gia đình khác thì sao? Nghe lời khuyên của một người bạn, tôi đã đưa danh sách hơn 1.000 liệt sĩ thuộc đơn vị của anh tôi lên blog và hy vọng sẽ giúp được ai đó. Nào ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, đã có trên 400 liệt sĩ “tìm được” người thân. Tôi quyết định lập trang web”.

Ông Hồ vẫn mầy mò tự học công nghệ thông tin, tự tạo blog với thiết kế đơn giản, dễ tìm. Ông chia danh sách liệt sĩ theo từng tỉnh, từng huyện và theo từng nghĩa trang.

Ông Hồ còn xây dựng các trang chuyên mục như đăng thông tin tìm mộ để mọi người cùng biết, trang nhật ký tìm mộ, ghi chép tư liệu thực tế, thông tin phát hiện mộ liệt sĩ ở các trang khác... Sau khi hoàn chỉnh trang web, ông bắt đầu tìm kiếm thông tin để chuyển đăng tải.

Đây là giai đoạn khó nhất bởi tại các đơn vị quản lý thông tin liệt sỹ như ban chính sách các đơn vị quân đội, phòng chính sách với người có công, thông tin đều ít và khá cũ.

Đó là chưa kể có những thông tin sai lệch khó kiểm chứng. Bởi thế, ông quyết định đi từng nghĩa trang, chụp thông tin của từng ngôi mộ để đưa lên mạng.

Trong chuyến đi đầu tiên chụp hình tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An, chiếc máy ông mượn chỉ chụp có 70 kiểu là hết pin. Không chuẩn bị trước đồ nghề nên ông đành bỏ dở chuyến đi. Lần thứ hai là chuyến đi về nghĩa trang tỉnh Bình Phước.

Ông mượn thêm một máy chụp hình, thêm cả vài thẻ nhớ. Chụp được hết mộ tại nghĩa trang nhưng trên đường về ông bị cướp mất toàn bộ hành lý. Bao công sức mất hết, lại còn phải móc tiền túi đền máy ảnh cho người ta.

Nhưng cũng từ những chuyện xui xẻo này mà ông gặp được người đồng cảm. Có người bạn tặng ông một chiếc máy ảnh và chỉ cách để ông chụp nhiều ảnh với dung lượng cần thiết. Một cựu chiến binh tặng ông một chiếc máy chụp hình. “Cả hai chiếc đều đã cũ nhưng còn chụp rất tốt”, ông Hồ nói.

Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ (áo trắng) trong một chuyến đi tìm mộ
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ (áo trắng) trong một chuyến đi tìm mộ .

Tính tới nay, ông chụp trên 50 ngàn bức ảnh và thông tin của hơn 200 ngàn ngôi mộ liệt sĩ ở các tỉnh miền Đông Nam bộ… Ông còn đến Long An, Tiền Giang và dự định đi hết các tỉnh miền Tây, các tỉnh Tây Nguyên. Đó là chưa kể vài chuyến ra miền Trung lấy thêm tư liệu.

Hằng ngày ông nhận không biết bao nhiêu điện thoại, thư điện tử, thư gửi trực tiếp, hỏi thông tin tìm mộ. Ông Hồ kể: “Có những lúc đang đêm khuya cũng có người gọi điện thoại hỏi đường đi tới nghĩa trang, có những người còn yêu cầu tôi tìm giùm mộ người thân của họ ở mãi Cao Bằng, Yên Bái”.

Cho tới nay, trang web nguoiduado.vn có trên 20 triệu lượt truy cập và hàng nghìn thành viên. Ngoài thời giờ đi tìm thông tin, phần lớn thời gian còn lại ông chỉ ngồi mạng, vừa đưa thông tin vừa trả lời thư bạn đọc.

Ngày nào ông cũng thức tới khuya, nhưng cũng không đủ thời gian, bởi ngày nào cũng có tới hàng trăm lá thư, ông phải huy động cả vợ, cả con vào giúp mà vẫn không trả lời hết.

Cuộc sống khó khăn

Nơi ông ở là căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm ven con đường liên tỉnh. Thu nhập cả gia đình vẫn trông chờ vào đồng lương hưu và lương giáo viên. Để tăng thêm thu nhập, ông còn nhận sửa máy vi tính, nhưng vùng quê nghèo ít người có máy vi tính.

Biết ông khó khăn, đã có gia đình liệt sĩ khi tìm được người thân ngỏ ý giúp ông đôi chút, nhưng ông kiên quyết từ chối.

“Khi làm việc này, tôi coi đó là việc nghĩa. Tôi sẽ không bao giờ nhận bất cứ đồng nào từ gia đình các liệt sĩ vì như thế thì ý nghĩa công việc của tôi sẽ không còn nữa”. Ông chỉ mong có quảng cáo trên trang web để ông có thêm kinh phí nuôi web.

“Tôi cũng mong muốn được nâng trang web lên mức thuê bao cao nhất là 10 triệu 800 ngàn/năm (hiện nay ở mức 5,6 triệu đồng) nhưng với đồng lương hưu thì tôi không thể kham thêm nữa”- ông bảo.

Cuộc trò chuyện luôn bị ngắt quãng bởi ông hay phải trả lời những cuộc điện thoại nhờ tìm thông tin liệt sĩ. Có tiếng gõ cửa, ông đưa thư lại tới với một chồng thư trên tay, màn hình máy tính lại nhấp nháy báo có thư mới gửi đến. Ông giáo già lại bắt tay vào công việc.

Nữ thương binh vì đồng đội

Bà Tô Thị Tuyết Thu (cựu TNXP, thương binh hạng 4/4, nghỉ hưu, ở phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nhiều năm nay đi tìm hài cốt liệt sĩ và cất nhà tình nghĩa cho đồng đội cũ.

Bà Thu (thứ 2 từ trái) trong một chuyến vào rừng tìm hài cốt liệt sỹ
Bà Thu (thứ 2 từ trái) trong một chuyến vào rừng tìm hài cốt liệt sỹ.

Sinh năm 1952 ở tỉnh Cà Mau, 13 tuổi, bà đi làm giao liên, rồi y tá của Trung đoàn 195 thanh niên xung phong, Quân khu 9. Lấy chồng là đồng đội, khi bà có bầu được 4 tháng thì chồng hy sinh.

Sau này, bà mời gọi đồng đội cũ, đi nhiều chuyến về chiến trường xưa khắp các cánh rừng, lung bàu ở Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, sang cả Campuchia để tìm hài cốt liệt sĩ.

Đến nay, bà cùng đồng đội tìm được 186 bộ hài cốt, đưa về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng. Theo các cựu TNXP, còn 100 hài cốt TNXP chưa tìm được nên công việc của bà cùng đồng đội chưa dừng lại.

Từ năm 2008, bà còn vận động quyên góp xây được 50 căn nhà tình nghĩa tặng cho những đồng đội cũ chưa có nhà ở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG