Thầy giáo Lưu Đức Ngò. |
“Lần đó tôi vừa ngồi xuống ghế đá ở khu vực gần đền Ngọc Sơn thì thấy cụ Rùa nổi rất gần, sẵn máy ảnh, tôi chụp luôn. Khi xem lại ảnh chụp hôm đó, tôi thấy mình thật may mắn vì trông thấy cụ rùa rất rõ. Sau đó mỗi lần lên bờ Hồ tôi đều mang theo máy ảnh”. Ông Ngò kể lại lần đầu được ‘gặp’cụ Rùa.
Thời gian thấm thoắt đã gần 10 năm kể từ lần đầu ‘gặp’ cụ Rùa, thầy Ngò đã chụp được 500 khoảnh khắc khác nhau về cụ Rùa. Từ bộ sưu tập ảnh cụ Rùa đó, ông rong ruổi trên phố phường Hà Nội bằng xe đạp để kể chuyện Rùa Hồ Gươm qua việc bán những bức ảnh cụ Rùa. Mỗi lần có khách mua ảnh, ông giáo Ngò còn giảng về tập tính của loài rùa, truyền thuyết Rùa thần nhận gươm báu và những câu chuyện mà ông lượm lặt được về rùa hồ Gươm.
Việc bán ảnh cụ Rùa đã mang lại cho ông số tiền không nhỏ (theo như ông nói là gần 20 cây vàng) để ông đảm bảo cuộc sống hàng ngày và ủng hộ cho 877 thương binh và thân nhân liệt sĩ. Với ông Ngò thì việc chụp được ảnh cụ Rùa như một cơ duyên, và bán ảnh cụ như một cái lộc trời cho, thế nên “lộc bất tận hưởng”.
Một trong những bức ảnh chụp 'cụ' Rùa của thầy Ngò. |
Hơn nữa, ông cho rằng việc bán ảnh cụ Rùa để “mọi người được thỏa khao khát trông thấy cụ Rùa, để hình ảnh cụ được lưu truyền trong hậu thế, để những nhà giáo như tôi không phải giảng chay mỗi lần có bài về “Truyền thuyết hồ Gươm”.
Từ những trải nghiệm của bản thân, ông Ngò đã đưa ra lý giải riêng của mình về cụ Rùa.”Sở dĩ rùa tai đỏ nằm trên lưng rùa hồ Gươm có thể là do rùa tai đỏ đang bơi trên mặt nước thì cụ đột ngột nổi lên và mang theo rùa tai đỏ trên lưng. Còn chuyện rùa tai đỏ gặm mai rùa hồ Gươm thì càng không thể vì theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé”. Rùa tai đỏ quá nhỏ bé so với rùa hồ Gươm, trông thấy từ đằng xa nó đã phải chạy rồi chứ làm gì dám đến gần huống chi gặm mai cụ…”
Chưa rõ nhận định này đúng sai thế nào nào nhưng với những tâm huyết mà ông dành cho cụ Rùa, cũng đủ thấy tấm lòng của ông.
Mấy ngày nay, khi nghe tin cụ Rùa mang bệnh, được khám bệnh, sẽ được đưa lên bờ... Ông Ngò chỉ mong cho cụ Rùa mau chóng được khỏi bệnh, để ông vẫn có thế kể tiếp cậu chuyện về rùa hồ Gươm, mà ông luôn gọi tôn kính là “CỤ RÙA”.