Luật sư Đinh Anh Tuấn - người bào chữa cho một đồng phạm của ông Đinh La Thăng là bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) có cuộc trao đổi với Tiền Phong về đề nghị được thay đổi biện pháp ngăn chặn của ông Đinh La Thăng.
Luật sư Tuấn giải thích, "biện pháp ngăn chặn" được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm phục vụ yêu cầu trong hoạt động điều tra như chống can phạm bỏ trốn, chống thông cung, chống can phạm hủy hoại tài liệu chứng cứ… Ngoài ra, trong một số vụ án hình sự, việc cách ly can phạm ra khỏi đời sống còn nhằm ngăn họ không gây nguy hiểm trực tiếp cho bị hại.
“Tuy nhiên, việc tạm giam khi vụ án được đưa ra xét xử còn đảm bảo cho việc thi hành án sau này. Khi bị can, bị cáo bị tạm giam, tòa án áp dụng hình phạt với họ không phải hình thức cảnh cáo, án treo, phạt tiền… mà là phạt tù giam thì việc tạm giam còn đảm bảo thi hành án vì sau khi có bản án, những ngày bị tam giam được trừ vào ngày bị cáo phải thi hành án. Vì vậy, việc tạm giam không ảnh hưởng tới quyền lợi của bị can, bị cáo xét trên góc độ họ còn phải thi hành án – luật sư Đinh Anh Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng, việc thay đổi biện pháp ngăn chặn chỉ thích hợp với những bị cáo có thể được hưởng mức hình phạt không phải tù giam. Trong vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng đang đối diện mức hình phạt tù giam khá dài, bản thân ông Thăng đang bị tạm giam.
“Tôi không biết ông Thăng có bị tạm giam trong vụ án khác hay không vì tôi chỉ đọc tài liệu và theo dõi diễn biến phiên tòa này nên tôi chỉ phân tích trong phạm vi vụ án... Tôi thấy việc đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông Thăng phù hợp yêu cầu là nếu ông được tại ngoại sẽ không cản trở hoạt động điều tra, xét xử nữa nhưng không phù hợp yêu cầu tạm giam bị cáo để đảm bảo công tác thi hành án” – luật sư Tuấn nêu quan điểm.
Ông Tuấn phân tích thêm: “Nếu ông Đinh La Thăng được tại ngoại trong thời gian này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (ở cả giai đoạn sơ thẩm hiện nay và phúc thẩm, nếu có). Nó cũng không gây nguy hiểm cho bản thân ông Thăng cũng như xã hội vì quá trình công tác của ông cho thấy ông không phải đối tượng gây nguy hiểm về mặt trật tự cho xã hội. Không như các loại tội phạm trật tự xã hội bình thường, đây là người có ăn học, được đào tạo, có thời gian tham gia quản lý, lãnh đạo… Ngoài ra, việc tại ngoại nhằm giúp ông Thăng có điều kiện chữa bệnh cũng như giải quyết những việc liên quan trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự...”.
Cũng theo luật sư, việc cho tại ngoại còn phụ thuộc vào công tác quản lý đối tượng của chính quyền và công an nơi ông Thăng cư trú. “Sẽ mất rất nhiều công sức của cơ quan, chính quyền… Dù ông được tại ngoại cũng không có nghĩa không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, thường là cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc quản lý ông có đi khỏi nơi cư trú hay không thường được giao cho chính quyền và công an phường nơi ông đăng ký tạm trú dài hạn” – luật sư Tuấn nói.
“Ước mơ nhỏ mà gia đình bình thường nào có được, bị cáo không có được, Tết này không đi công trường nữa, phải vào tù. Luật sư vẫn nói, 2 cháu vẫn hỏi sao ông đi công tác lâu, các cháu còn nhỏ, chưa biết ông đi tù. Với bị cáo, mọi ước mơ, khát vọng đã hầu như khép lại… Bị cáo mới được biết bố bị cáo cấp cứu chiều hôm kia ở Bạch Mai, vì vậy, mong HĐXX cho bị cáo thay đổi biện pháp ngăn chặn để bị cáo có điều kiện chăm sóc bố đã 87 tuổi, mắc bệnh và cũng cho bị cáo ăn tết cuối cùng với bạn bè, gia đình, người thân. Sau đó, bị cáo sẽ chấp hành án phạt không biết bao giờ ra”.
Ông Đinh La Thăng nói lời sau cùng tại tòa, sáng 17/1