Bà Hiệp chăm sóc chồng. Ảnh: Lê Kiến. |
Kể về người bạn một thời cùng “ăn rau rừng, uống nước suối”, anh Hồng Chiến - phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Cư Yang Sin lắc đầu bảo: Nghe đồn hắn biến dạng khó coi lắm, nhưng đến khi xuống gặp vẫn khựng người, bởi vượt xa trí tưởng tượng của tôi!
Đưa tôi xấp hồ sơ, anh Chiến hướng dẫn: “Đến thôn Quyết Tiến 1, xã Ea Týh huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) hỏi ông Hương “mặc váy” thì ai cũng biết, đến lúc nào cũng gặp bởi ổng chả biến đi đâu được.
Sao lại mặc váy?
Sau một bận hỏi đường, tôi đã tìm thấy nhà ông Nguyễn Văn Hương. Bước đi chậm rãi, dáng người xồ xề, từ đầu đến chân, cơ thể ông biến dạng khác thường. Yết hầu căng phồng và xệ xuống như một cái diều gà. Hai bắp tay to kềnh. Ngực, bụng đùn ra từng khối rõ rệt.
Không ngần ngại, ông hạ luôn chiếc váy màu lam đang mặc trên người xuống cho tôi xem nơi biến đổi khủng khiếp nhất. Ngay “chỗ kín”, một khối u căng tròn như quả dừa phình ra, không chiếc quần nào bao trùm lên được, thế là ông đành chấp nhận cảnh “mặc váy thành bà”.
Ông Hương cùng vợ và con cháu. |
Nhiều năm nay tôi không có được ngày thảnh thơi. Ăn không ngon, ngủ không yên. Ra khỏi nhà, tôi xấu hổ lắm. Người ta xúm lại hỏi: Bác bị gì, sao lại mặc váy…? Vì lịch sự, trả lời hết cả hơi |
Ông Hương thở dài: “Nhiều năm nay tôi không một ngày thảnh thơi. Ăn không ngon, ngủ không yên. Ra khỏi nhà, tôi xấu hổ lắm. Người ta xúm lại hỏi: Bác đi đâu, bác bị gì, sao lại mặc váy…?”.
Vì lịch sự nhiều khi phải trả lời hết cả hơi. Giờ để vàng trước sân tôi cũng không nhặt được, vì chỉ cần cử động mạnh là… tè ra ngay!
Người nhà ông Hương bảo ông mắc bệnh “thập cẩm”. Cùng chứng u mỡ toàn thân, ông còn bị suy tim, suy thận, tiểu đường, sỏi mật, viêm loét dạ dày.
Tiêu tốn hàng chục triệu đồng đi khám, lấy thuốc ở Bệnh viện khu vực 333, Đa khoa Đắk Lắk, Thiện Hạnh… nhưng cũng không mấy khả quan. Mỗi lần đi lại phát hiện thêm bệnh mới. Càng theo bệnh thì gia đình càng suy kiệt.
Vợ ông, bà Nhữ Thị Hiệp mái đầu bạc đi nhiều vì lo lắng cho chồng. Ngày ngày, bà cắt rau ra chợ bán kiếm mấy đồng bạc lẻ về lo bữa ăn cho cả gia đình. Sợ ông đột quỵ chết, bà tranh thủ bán vội để về chăm sóc cho ông.
“Sau chiến tranh, ông ấy trở về lành lặn nhưng nay bị đủ thứ bệnh, đứa con út cũng bị dị dạng vì chất độc da cam, cả nhà cơ khổ, cậu ạ” - bà Hiệp nói. “Mong ước của tôi là được mặc quần như xưa” - ông Hương cho biết.
Một thời bom đạn
Năm 1969, chiến trường đang ác liệt, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hương xung phong nhập ngũ.
Ông kể: Tôi sinh năm 1950, thân hình nhỏ bé lắm nhưng vì thích đi bộ đội quá nên khai tăng thêm 2 tuổi, đi giày đế cao, đút gạch vào túi mới được 42kg đạt sức khỏe loại B1.
Từ năm 1970, tôi được bổ sung vào Binh trạm 9, trung đoàn 217, Đoàn 559 làm nhiệm vụ lái máy ủi bảo vệ tuyến đường Trường Sơn. Sáu năm ở Lao Bảo - Quảng Trị là sáu năm tôi sống dưới mưa bom.
Dần dà, ông quen từng loại bom, nghe được cả tiếng từng loại máy bay để báo hiệu cho đồng đội lao xuống hầm ẩn nấp khi địch quần thảo.
Hễ nhìn thấy quả bom hình dài thì an tâm, nếu trông quả bom tròn như quả bưởi thì phải nhanh chóng xuống hầm vì có thể nó rơi vào đầu.
Địch phá nát đường, đội của ông lại xông ra san lấp, làm mới để đảm bảo thông suốt tuyến đường huyết mạch. Có lần do sình lầy khiến đoàn xe đang hành quân phải ngưng lại.
Không có thời gian chặt cây, ông báo ngay lên cấp trên rồi dùng bao tải gạo lót đường cho xe qua tức khắc. Nếu chậm, địch phát hiện dội bom thì tổn thất sẽ rất lớn.
Năm 1970-1971 là thời điểm ác liệt nhất khi chiến dịch đường Chín – Nam Lào diễn ra. Ông vẫn còn bị ám ảnh bởi bom đạn và chất độc hóa học rải xuống cung đường này, những cánh rừng bỗng nhiên “chết trắng” và nhiều đồng đội đã hy sinh.
Để chống nôn mửa, đau đầu do chất độc dioxin, ông có sáng kiến tiểu tiện vào áo lót đưa lên bịt mũi rất hiệu nghiệm. Ông từng được bầu là chiến sĩ thi đua.
Di chứng
Sau chiến tranh, ông trở về quê ở thôn An Đông, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang (Hải Dương). Năm 1987, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình ông vào Đắk Lắk sinh sống.
Ông không thể ngờ di chứng chất độc da cam thời chiến tranh lại phát tác với ông và một đứa con. Sinh hạ 4 người con đầu đều lành lặn, đến cậu con trai út Nguyễn Văn Dim (SN 1983) thì bị dị dạng cột sống, tâm tính hơi thất thường.
Ông nói: “Tại tôi hồi xưa sống trong vùng chất độc hóa học nên thằng con út mới bị bệnh. Giờ đến lượt tôi bị phát tác đủ thứ bệnh trên đời”.
Người ông Hương kềnh ra như robot. |
Từ một người thấp bé, chưa tròn 50kg, nay người ông phình to, nặng trên 75kg. Cái chân căng phồng ra và bắt đầu lở loét, chảy máu. Đêm nằm không ngon giấc, ông luôn có cảm giác như bị hàng vạn con kiến đang bò, đục khoét khắp cơ thể.
Cuộc sống hằng ngày sống dựa vào thuốc men phụ trợ, bà Hiệp phải thường xuyên túc trực bên cạnh. Ông cười bảo: “Tôi còn nói chuyện được như thế này là may, nhiều lúc lên cơn co giật, tưởng đi rồi. May mà có vợ con lo cho cả”.
Anh Lê Quang Đại, con rể ông tâm sự: “Tôi làm ở trạm y tế xã nên cũng biết đôi chút về thuốc men trị bệnh, thỉnh thoảng lại chạy đi mượn bình oxy cho ông thở. Nhiều lúc ông bị chuột rút toàn thân do hạ can xi trong máu, tôi phải lấy thuốc tiêm trộm chứ bệnh viện thấy ông nằm một chỗ không dám tiêm”.
Các cựu chiến binh trong xã vẫn thường xuyên lui tới thăm ông, ôn lại kỷ niệm chiến trường. Hai vợ chồng già rau cháo chăm sóc nhau và lo cho cậu con út.
Năm 2009, ông làm hồ sơ giải quyết chế độ nhiễm chất độc da cam và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk giới thiệu ra Hội đồng Giám định Y khoa T.Ư tại Đà Nẵng xét nghiệm.
Nhưng do sức khỏe yếu, ông không đi được, qua đợt nên đến nay ông vẫn chưa được xét. “Tôi chỉ mong sớm được hưởng chế độ do chất độc da cam để giảm bớt gánh nặng gia đình và đỡ phải mặc váy”, ông Hương nói.
Ông Lê Hải Lý, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Trường hợp ông Hương, chúng tôi đã làm hết sức tận tình và trách nhiệm nhưng do ông không đi Đà Nẵng được nên đã qua đợt. Để được hưởng được chế độ, ông Hương cần phải làm lại hồ sơ có sự xác nhận của cơ quan chức năng về bệnh tiểu đường, thần kinh ngoại biên và giám định cho người con út nghi bị ảnh hưởng hậu quả nhiễm chất độc da cam”.