Giúp thanh niên làm giàu và sống đẹp
Tốt nghiệp đại học, Võ Vĩnh Tài (SN 1980, Đức Lạng, Đức Thọ) về quê làm việc và trở thành bí thư chi đoàn thôn Tân Đồng, xã Đức Lạng. Nhìn thanh niên không có việc làm bỏ làng đi làm thuê tứ xứ, Tài day dứt.
Võ Vĩnh Tài. |
Chàng cử nhân kinh tế nông nghiệp quyết định tập hợp thanh niên trong xã xây dựng trang trại chăn nuôi. Nhận được sự ủng hộ từ các đoàn viên thanh niên (ĐVTN), Tài lao vào việc rất tự tin và hăng say.
Từ vài mô hình kinh tế nhỏ lẻ, đến nay, toàn xã Đức Lạng có gần 20 mô hình kinh tế của thanh niên với thu nhập từ 70 đến 150 triệu đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 50 ĐVTN.
“Có được kinh tế khá giả như hôm nay, gia đình tôi cảm ơn anh Tài nhiều lắm”, anh Võ Thế Mùi, người nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2008 tâm sự.
Hôm nay, 16-10, Đại hội Đoàn tỉnh Hà Tĩnh chính thức khai mạc. Dự và chỉ đạo có Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Thị Hà, cùng 224 đại biểu đại diện cho gần 30 vạn ĐVTN. Đại hội diễn ra trong ba ngày, từ 16-10 đến 18-10. |
Từ bí thư chi đoàn thôn, sau một thời gian ngắn, anh Tài được tín nhiệm bầu làm bí thư Đoàn xã.
Nhờ sự nỗ lực tuyên truyền vận động của bí thư Đoàn xã Võ Vĩnh Tài, toàn xã Đức Lạng thu hút được hơn 2 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm và vốn kích cầu của Chính phủ giúp đỡ thanh niên phát triển kinh tế.
Năm 2010, phong trào xây dựng nông thôn mới xã Đức Lạng gặp khó khăn khi nhiều công trình đi qua địa bàn xã phải giải phóng lượng mặt bằng lớn.
Một lần nữa, Võ Vĩnh Tài đưa ra ý tưởng vận động ĐVTN hiến đất xây dựng nông thôn mới. Để mọi người tin tưởng, gia đình Tài đi đầu hiến gần 500 m2 đất. Hiện có gần 100 hộ gia đình có con là ĐVTN tham gia hiến gần 9.000 m2 đất xây dựng nông thôn mới.
“Là cán bộ Đoàn để ĐVTN tin tưởng, trước hết mình phải làm gương”, anh Tài tâm sự. Với những cống hiến của mình, Võ Vĩnh Tài nhiều lần được T.Ư Đoàn, Tỉnh Đoàn tặng bằng khen. Năm 2010, Tài đứng trong tốp 10 bí thư cơ sở Đoàn tiêu biểu nhất toàn quốc.
Người cá không chân
Sinh năm 1980, tại xã Liên Minh, Đức Thọ, Đặng Văn Công được bạn bè tặng cho biệt danh “người cá”.
Đặng Văng Công. |
Câu chuyện trở thành người cá của Công lại bắt đầu từ một tai nạn khủng khiếp. Một lần Công leo lên chiếc máy làm gạch ở nhà bạn chơi. Vừa leo lên, phía trong nhà, một thợ làm gạch không quan sát đã bật điện cho máy hoạt động. Dây cu roa kéo hai chân Công vào máy, nát tươm!
Gần hai năm sau tai nạn ấy, một buổi trưa hè, bố Công đùa: “Con bơi được 1m, bố mẹ sẽ tặng con một chiếc áo bơi như các vận động viên trong tivi”.
Lập tức, Công yêu cầu bố đưa ra sông La. Bố bế Công ra sông. Lần này ông không dám mạo hiểm ném con xuống sông như ngày trước vì Công không còn hai chân nữa! Nhưng, Công nằng nặc đề nghị bố ném xuống.
Một tiếng “bùm”, Công chìm nghỉm. Giãy giụa trong nước, Công cố ngoi lên nhưng không được. Được bố kéo lên, Công cứ thắc mắc tại sao không có chân xuống nước lại chìm nhanh thế. Công tiếp tục đề nghị bố cõng ra sông. Lần này, Công từ từ cho người xuống nước tìm cách giữ thăng bằng bằng tay.
Tập nhiều thành quen rồi Công cũng giữ được thăng bằng cơ thể bằng đôi tay. Thật lạ, từ khi biết bơi nhưng không có trợ giúp của đôi chân, tốc độ bơi của Công lại nhanh hơn trước.
Nhiều lần đi học về, thấy bạn bè cõng mình vất vả, Công nhờ mọi người xách cặp rồi nhào mình xuống sông La bơi về nhà.
Để chuẩn bị cho giải thể thao người khuyết tật năm 2002 tại Thừa Thiên Huế, đoàn thể thao Hà Tĩnh cho Công bơi thử cùng các vận động viên nghiệp dư của tỉnh, cự ly 50m.
Nhiều người tham dự không tin vào mắt mình, khi một học sinh không chân lại cán đích đầu tiên, bỏ xa các vận động viên bình thường.
Tuổi trẻ Hà Tĩnh khám bệnh cho người nghèo. |
Năm đó, Công đạt giải nhì nội dung tự do 200m. Năm 2003, Công được gọi vào đội tuyển quốc gia tham dự giải Paragame 2, trước khi dự giải, Công được lãnh đạo đội giao chỉ tiêu đạt 1 huy chương.
Bất ngờ, lần đầu tiên ở đấu trường khu vực, Công giật 3 huy chương vàng... Thành công nối tiếp thành công, từ năm 2002 đến năm 2012, Công dành trên 50 huy chương các loại tại các cuộc thi trong và ngoài nước.
Công là vận động viên khuyết tật đóng góp rất nhiều vào thành tích thể thao chung của tỉnh và quốc gia. Dù được nhiều tỉnh mời về đầu quân với mức lương khủng nhưng Công vẫn chọn Sở VHTTDL Hà Tĩnh.
Nói về thành tích và tương lai, Công cho biết: “Đây mới là thành tích bước đầu tạo đà cho mình trên con đường thể thao. Mình muốn trở thành HLV bơi lội”.
Đặng Văn Công được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và nhiều đơn vị khác... tặng bằng khen. Công là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2009.
10 gương mặt trẻ tiêu biểu Hà Tĩnh Phan Đình Thành (SN 1979), Giáo viên Trường THPT Hà Huy Tập - Cẩm Xuyên; Diệp Xuân Quyền (SN 1984), Phó Bí thư Chi đoàn cơ sở Công an TP Hà Tĩnh; Võ Tá Bảo (SN 1982), Giám đốc, Bí thư chi Đoàn Cty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Sông Lam; Cao Thanh Bình (SN 1983), cán bộ Chi cục Hải quan CKQT Cầu Treo; Trần Hữu Hương (SN 1979), Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TX Hồng Lĩnh; Lê Quang Dũng (SN 1982), nhân viên Đội Đặc nhiệm Phòng PCTP ma túy - Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh; Võ Vĩnh Tài (SN 1980), Bí thư Đoàn xã Đức Lạng, Đức Thọ; Đặng Văn Công (SN 1984), vận động viên môn bơi lội khuyết tật hai chân; Thân Văn Tự (SN 1983), Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN Hà Tĩnh; Nguyễn Quốc (SN 1983), Bí thư chi đoàn xã Xuân Lộc - Can Lộc. |