Ngày 8/12, một bức thư của cậu con trai học tiểu học gửi cho ông bố nghiện smartphone được đăng tải lên một trang mạng xã hội Trung Quốc và sau đó nhanh chóng "khuấy đảo" mạng xã hội nước này. Bức thư dài 2 trang với nét chữ ngay ngắn, nội dung mộc mạc nhưng rất đáng suy ngẫm.
"Bố, con có lời muốn nói
Bố, bố là trụ cột của cả nhà, cũng là chỗ dựa vững chãi cho gia đình. Công ơn trời biển của bố, sự quan tâm chăm sóc mà bố dành cho con khiến con không biết dùng lời nào mới diễn tả hết. Những lúc mẹ vắng nhà, bố lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ và còn dạy con học nữa. Thế nhưng, con có một chuyện luôn giấu kín trong lòng không dám nói với bố. Bây giờ con muốn nói ra điều đó, mong bố hãy thứ lỗi cho con.
Con biết là công việc của bố rất bận rộn, nhưng không hiểu vì sao mà từ lúc bố đổi sang dùng chiếc điện thoại mới, bố không còn nói chuyện với con, không quan tâm đến con như trước đây nữa. Có một lần, con không giải được bài tập về nhà mà mẹ lại không ở nhà, con mang ra hỏi bố nhưng bố chẳng thèm để ý đến con, bố chỉ quan tâm đến cái phần mềm chát trên điện thoại mà thôi.
Con đã gọi mấy lần bố quay đầu nhìn con. Lúc này, con đang thầm reo mừng trong lòng: 'Bây giờ bố có thể dạy mình học rồi!', thế nhưng bố lại lạnh lùng bảo con: 'Ra hỏi mẹ!'. Con bảo: 'Mẹ không có nhà' và nhận được câu trả lời cực kỳ phũ phàng từ bố: 'Đợi mẹ về rồi hỏi'.
Bố, bố là bố của con, là người thân nhất của con, tại sao bố lại lạnh lùng với con như vậy? Con chỉ muốn nói với bố rằng, bố có thể nhắn bớt đi một cái tin nhắn và quan tâm đến con, yêu con hơn một chút xíu thôi, có được không bố?".
Trang đầu nội dung bức thư của cậu bé tiểu học gửi cha nghiện smartphone.
Anh Khương ở Hàng Châu, Trung Quốc chính là ông bố nghiện smartphone trong bức thư trên. Anh chia sẻ, mới đây anh vừa lên đời chiếc điện thoại thông minh 4.000 tệ (tương đương 14 triệu đồng), thay cho điện thoại cũ dùng hơn một năm và tốc độ quá chậm. Từ ngày có điện thoại mới, mỗi ngày anh dành khoảng 10 tiếng cho nó.
Thường sau bữa cơm tối, theo thói quen anh định lấy điện thoại ra nghịch nhưng hôm đó vô tình phát hiện ra bức thư cậu con trai nhỏ viết cho mình. Nội dung bức thư khiến anh vô cùng ngỡ ngàng, sau đó là cảm giác xấu hổ và thương con.
Tối hôm đó khi đọc xong, anh đã đăng bức thư của con lên mạng như một lời nhắn gửi đến những ông bố, bà mẹ hay những người trẻ tuổi khác - những người đang bán linh hồn cho công nghệ - đừng sống trong thế giới ảo nữa mà hãy quan tâm đến những người thân yêu của mình hơn.