A Rem xa ngái
Sáng sớm, chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông lạ hoắc đổ dồn: “Anh có chi cứu trợ A Rem với. Bão lụt cô lập, đồng bào hết gạo mấy ngày ni rồi”. Hỏi ra mới biết, ông là Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Xã Tân Trạch chỉ có một bản Bản Chỉ có một tộc người Arem. Và tộc người có nguy cơ diệt vong này chỉ khoảng 400 người.
Trên chiếc xe hai cầu, cùng với mấy chục thùng mì tôm mà ông Sỹ xin được của một nhà hảo tâm, chúng tôi ngược đường 20 - Quyết Thắng trong mưa ngàn bao phủ. Ngồi trên xe, ông Sỹ cứ nhấp nha, nhấp nhổm không yên, lo đường bị tắc, trong khi đồng bào A Rem đang chờ ông từng giây, từng phút. Ông nói, hết bão số 10, thì đến bão số 11, rồi lũ lụt bao vây, người A Rem hết cái ăn nên ông đã cắt rừng về xuôi báo cáo tình hình với huyện và xin cứu trợ.
Đường 20 - Quyết Thắng đang được nâng cấp, nhưng do bão lũ làm sạt lở nhiều đoạn, xe cộ sa lầy nằm la liệt. Chỉ 39km, mất gần 5 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến nơi. Xe vừa đỗ ở sân UBND xã Tân Trạch, nhác thấy bóng ông Sỹ bước xuống, hàng chục người dân trong bản reo hò chạy đến “Cán bộ Sỹ về rồi bà con ơi! Rứa là cái bụng hết đói rồi!”.
Theo ông Sỹ, muốn thành công việc gì, ngoài đường lối chính sách, thì người cán bộ phải có cái tâm, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân bản, đặc biệt không để dân bị đói. |
Chia xong mì tôm cho dân bản, ngồi trong phòng làm việc, đồng thời là nơi ăn ở của mình, ông Sỹ kể: Cũng như tộc người Rục ở xã Thượng Hóa, năm 1956, trong một chuyến tuần tra, bộ đội biên phòng phát hiện ra tộc người A Rem, chỉ còn lại 18 người sống trong những hang đá giữa núi rừng Phong Nha- Kẻ Bàng. Sau nhiều tháng lặn lội thuyết phục, bộ đội biên phòng đã đưa được người A Rem rời hang đá. Tuy nhiên, không lâu sau, do chiến tranh tàn phá, nên người A Rem trở lại hang đá giữa núi rừng Trường Sơn.
Đến năm 1992, người A Rem một lần nữa tái hòa nhập cộng đồng và định cư ở km39 của đường 20 - Quyết Thắng. Cảm thông với những khó khăn của đồng bào A Rem, năm 2004, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vận động quyên góp được trên 1 tỷ đồng để xây tặng 42 căn nhà kiên cố giúp đồng bào. Tỉnh tiếp tục đầu tư trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã, đường giao thông... Dân số toàn xã hiện có 77 hộ, gần 400 khẩu, trong đó có 8 hộ ở bản Đoòng (mới sáp nhập), cách trung tâm xã chừng 40 cây số đường rừng.
So với các bản đồng bào dân tộc khác thì nhà cửa của A Rem có vẻ khang trang hơn, nhưng thực chất cuộc sống người dân vẫn còn rất khó khăn. Do bản tính hoang dã, tập tục bó buộc, cộng với thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt của vùng lõi vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nên người A Rem vẫn đang rất lạc hậu.
Gần 20 năm qua, khi tộc người Arem hưởng dự án “Bảo tồn và phát triển các tộc người có nguy cơ biến mất “cùng với tộc Rục và Mã Liềng thì từ 98 người rời hang, tộc người này đã có sự phát triển đáng kể. Dẫu vậy, tệ nghiện rượu, thuốc lá và hôn phối cận huyết đang làm suy kiệt người Arem.
Nặng nợ
Năm 2010, ông Sỹ lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, được huyện điều động lên làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, vì đã có thời gian đi bộ đội ở Lào. Những ngày đầu lên với đồng bào A Rem, ông Sỹ tưởng chừng như không thể vượt qua được, có lúc ông tính chuyện bỏ về, cùng vợ ruộng vườn nuôi con.
Cha mẹ có thể không nhớ, nhưng ông Sỹ nhớ từng ngày sinh tháng đẻ của trẻ em A Rem. |
“Tui lên nhận chức mới, đi nhờ trên một chiếc xe tải, vật vã bò qua từng đoàn dốc đèo, mất ba ngày mới tới nơi. Vừa bước chân xuống đầu bản, người dân đã bao vây mời rượu. Họ có trăm ngàn lí do để mời, mình không uống không được. Cả tuần đầu tiên tui ngập chìm trong rượu của dân bản. Hết người này đến người khác, họ mang rượu đến tận giường ngủ để mời. Kể cả cán bộ xã, họ uống từ khi bảnh mắt, người cứ xiêu xiêu, vẹo vẹo không chịu làm việc, nhắc nhở thì chỉ cười xòa. Thậm chí Chủ tịch hội Phụ nữ xã uống rượu say, đánh cả cán bộ Biên phòng khi bị nhắc nhở. Nản quá, tôi thối chí” - ông Sỹ kể.
Chưa kịp chấn chỉnh, triển khai công việc mới trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã thì trận lụt lịch sử năm 2010 ập đến. Ở trung tâm xã Tân Trạch bị nước lũ cô lập, còn nhà cửa ở bản Đoòng trôi sạch, người dân phải trèo lên cây lánh nạn. Không thể ngồi nhìn đói rét bủa vây A Rem, cùng với một người dân thông thuộc địa hình, ông đã cắt rừng về xuôi báo cáo tình hình và xin cứu trợ. Năm đó, cả miền xuôi Quảng Bình cũng trắng xóa trong nước lũ. Ông gõ cửa khắp nơi, từ huyện đến tỉnh, rồi các nhà hảo tâm... gom góp từng cân gạo, từng bộ áo quần mang lên cho đồng bào. Xe chở hàng mắc kẹt giữa đường, ông đã vác một bao gạo đi bộ hơn chục cây số vào bản, nấu cơm, gọi những người còn sức đến ăn no để ra gùi gạo.
Từ đận đó, dân bản tin yêu ông tuyệt đối. Cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ những khó khăn... ông dần nhận ra những đức tính tốt, cũng như hủ tục lạc hậu của dân bản. Một chiến dịch “cải tạo” dân bản được ông lên kế hoạch chi tiết. Đầu tiên là nạn rượu chè của dân bản được ông nhắm đến. Một cuộc họp, “bàn” về rượu được tổ chức với sự có mặt đông đủ của dân bản. Ông Sỹ vừa nhắc đến câu bỏ rượu, dân bản ồ lên phản ứng. Đinh Đen đứng lên phát biểu: “Cán bộ Sỹ nói rứa mà cũng nói được à! Cái rượu cho ta ấm bụng, cho ta khỏi bị sợ, khỏi bị buồn... Cái rượu nó theo ta suốt đời rồi, bỏ sao được, nghĩ cách khác đi”.
Người A Rem thường phải ăn rau rừng trong thiên tai và mùa giáp hạt. |
Cho mọi người nói hết, ông Sỹ bắt đầu hỏi: “Dân bản có thương cán bộ Sỹ không?”. “Có chứ, có chứ! Dân bản mang ơn cán bộ Sỹ nhiều lắm. Không có cán bộ Sỹ, dân bản đói cái bụng mà” – nhiều người lên tiếng. Ông Sỹ nói tiếp: “Cấp trên cử cán bộ Sỹ về đây là để cùng dân bản xây dựng đời sống mới. Nhưng nếu dân bản không bỏ rượu, cứ say sưa mãi thế, không chịu làm ăn thì cán bộ Sỹ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, cấp trên kỷ luật cán bộ Sỹ và bắt về xuôi. Nếu thương cán bộ Sỹ, muốn cán bộ Sỹ ở lại với dân bản lâu hơn thì phải bỏ rượu thôi”.
Cả hội trường lặng im. Một giải pháp mang tính “thỏa hiệp” được thống nhất. Dân bản không được uống rượu vào buổi sáng, mà phải sau 5 giờ chiều, khi nào có kẻng mới được uống, nhưng cấm say... Nạn say rượu không còn, nhiều cuộc vận động như bỏ tục nối dây (anh em, chú bác trong gia đình sẽ lấy vợ của người đã khuất), nạn tảo hôn của dân bản dần được đẩy lùi. Làm ăn kinh tế cũng được dân bản quan tâm hơn. Họ bắt đầu tập trồng lúa nước, nhận bảo vệ rừng cho vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ông Sỹ cũng đã vận động làm thêm được 16 ngôi nhà và nhiều đoạn đường bê tông cho dân bản.
Chỉ trong vòng ba năm, để có kết quả đó là cả một sự nỗ lực cố gắng của bản thân ông Sỹ và sự đồng tình, ủng hộ của dân bản. Theo ông Sỹ, muốn thành công việc gì, ngoài đường lối chính sách, thì người cán bộ phải có cái tâm, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân bản, đặc biệt không để dân bị đói. Tiền lương của ông phần lớn dành mua gạo cho dân bản, ai gặp khó khăn, đau ốm ông hỗ trợ tiền. Có những trường hợp đau ốm cận tử, ông đưa về viện, giao cho vợ ông chăm sóc. “Cán bộ Sỹ thương dân lắm, nếu không có ông ấy thì mình chết rục xương lâu rồi. Hồi đó mình bị ốm nặng, không có tiền đi viện. Cán bộ Sỹ đến nhà, đưa xe chở mình ra bệnh viện giao cho vợ. Hơn một tháng trời nằm viện, vợ cán bộ Sỹ chăm sóc mình như người nhà, cho ăn, cho uống rồi còn thanh toán tiền viện cho mình nữa” - bà Y Chu kể.
Giờ ông Sỹ không còn ý định bỏ người A Rem mà về nữa. Ông còn động viên cả con gái và con rể lên A Rem dạy học. Các cơ quan đoàn thể trong tỉnh, rồi các nhà hảo tâm vẫn thường bắt gặp ông gõ cửa xin cứu trợ những lúc thiên tai, giáp hạt và gọi đùa là “ông Bí thư hành khất”.
Chia tay A Rem trong sương chiều phủ trắng những dãy đá vôi sừng sững, ông Sỹ nắm chặt tay chúng tôi nói: “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, thì bản thân người A Rem vẫn chưa thể tự lo cuộc sống cho mình được”.