Ôn thi THPT quốc gia theo chế độ “quân ngũ”

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2016 tại hội đồng thi Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2016 tại hội đồng thi Học viện Kỹ thuật Quân sự Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - Học mỗi ngày 3 ca, giải đề, thi thử liên tục... là cách mà các trường THPT tại TPHCM đang làm để “tăng tốc” cho học sinh lớp 12, giúp các em có kiến thức tốt nhất cho cuộc “vượt vũ môn” sắp tới.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra, các học sinh đang bước vào giai đoạn ôn tập căng thẳng. Nhiều trường dân lập tổ chức ôn tập cho học sinh tại trường từ sáng đến tối, trong khi đó, ở các trường công lập, nhiều học sinh ngoài học ở trường còn tìm thêm các trung tâm luyện thi để bổ sung thêm kiến thức.

TPHCM: Ăn, học, ngủ tại trường...

Thầy Phan Thanh Toàn, giáo viên quản nhiệm nội trú Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM cho biết, gần 2 tháng nay, nhà trường áp dụng lịch học “quân ngũ” đối với học sinh lớp 12. “Cụ thể, buổi sáng 5h30 các em bắt đầu dạy để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng.

Sau đó, các em bước vào 3 ca học gồm ca sáng từ 6h30 đến 11h30, ca chiều từ 13h30 đến 16h40 và ca tối từ 18h30 đến 22h. Giữa các ca học, các em học sinh có khoảng 2 giờ đồng hồ để ăn uống, nghỉ ngơi, thư giản. Sau 22h, học sinh có 30 phút để ăn khuya, thư giản. Đến 22h30, toàn trường sẽ tắt điện, học sinh phải đi ngủ để đảm bảo sức khỏe cho ngày mai”, thầy Toàn nói.

Ngoài ra, do học sinh khối 12 đang trong giai đoạn căng thẳng ôn tập nên nhà trường cũng hạn chế cho các em ra ngoài. “Với học sinh bán trú, sau khi kết thúc ca 3 sẽ được phụ huynh đón về và 6h30 sáng hôm sau có mặt để lên lớp. Còn với học sinh nội trú, tùy trường hợp sẽ được giáo viên quản nhiệm giải quyết cho ra ngoài vào chiều tối thứ 7. Tuy nhiên, các em sẽ phải có mặt tại trường trước 21h đêm để điểm danh”, thầy Toàn nói.

Về ôn tập, thầy Toàn cho biết, trường đang trong giai đoạn ôn thi nước rút cho học sinh bằng cách cho học sinh ôn luyện, giải đề liên tục. Đề này được lấy từ đề thi thử của các tỉnh và các trường khác nhau để đa dạng cấu trúc, độ khó cũng tăng dần theo thời gian. “Sau mỗi tuần ôn tập, nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra và thi thử cho học sinh. Mỗi đợt thi thử, trường sẽ xáo trộn danh sách học sinh, mỗi phòng 24 em, 2 giám thị coi thi... giống thi thật để học sinh làm quen với không khí phòng thi”, thầy Toàn nói.

Được ôn luyện theo chế độ “quân ngũ” và liên tục thử sức với những kỳ thi thử nên em Nguyễn Tú Uyên (lớp 12, trường THPT Thành Nhân) tỏ ra khá “chai lỳ”. Tuy nhiên, trước kỳ thi lớn sắp tới, Uyên vẫn tỏ ra lo lắng. “Đề thi minh họa vừa rồi của Bộ GD&ĐT không giống với cấu trúc các em hay giải. Không biết đề thi tới sẽ thế nào, có đủ thời gian để làm bài không”, Uyên nói.

Trong khi đó, dù nhà cách trường 7- 8 km nhưng em Trần Văn Ơn vẫn ở lại trường nội trú để ôn thi, chỉ về nhà tối thứ 7 hằng tuần. “Ở lại trường học, em có thêm động lực từ các bạn, ai cũng học nên mình không thể không học”, Ơn nói. 

Với các trường công lập thì hiện tại, học sinh chỉ ôn tập ở trường theo hình thức phụ đạo, do đó, đa phần các em học sinh đều đi luyện thi thêm các trung tâm bên ngoài.

Ôn thi THPT quốc gia theo chế độ “quân ngũ” ảnh 1

Học sinh trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM đang thi thử. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Hà Nội: Trung tâm luyện thi vắng bóng thí sinh

Dù chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia nhưng tại khu vực phía Bắc, có vẻ phụ huynh tỏ ra lo lắng chuyện thi cử nhiều hơn thí sinh. Chị Nguyễn Mai Hương, quận Đống Đa cho biết, con gái chị vừa tốt nghiệp Trường THPT Kim Liên.

“Vợ chồng tôi lo lắng vì không biết học hành thi cử của cháu thế nào nhưng cháu thì cứ bình chân như vại. Bế giảng năm học xong, cháu đăng ký ôn tập ở trường hai tuần. Sau đó thì về nhà tự ôn. Tuy nhiên, về nhà cũng không thấy cháu ôn nhiều. Thậm chí, lại còn thấy nhàn hơn lúc ôn thi kết thúc học kỳ I” – chị Hương cho hay.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng cho biết, đầu vào của trường đặc thù nên phần lớn học sinh chỉ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp. Bế giảng năm học, trường có tổ chức chia lớp để ôn thi theo hình thức học sinh đăng ký tự nguyện.

“Nhưng tôi nhận thấy, học sinh bây giờ bị phân tán tư tưởng rất nhiều trong việc học. Các em quan niệm thi là đỗ nên cũng không chú tâm học hành, ôn tập. Có thể do đề thi bây giờ dễ hơn trước kia” – thầy Lâm nhận định.

Lãnh đạo Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm cũng cho hay, thời điểm này, trường đang chuẩn bị cho học sinh thi vào lớp 10, nên học sinh tốt nghiệp lớp 12 ôn thi THPT quốc gia đã nghỉ. Chỉ còn một hai nhóm lẻ các em vẫn đến trường tự học.  Thầy Nguyễn Xuân Khang, Trường THCS&THPT Marie Curie, Hà Nội cũng cho biết, từ sau lễ bế giảng, trường không mở bất kỳ một lớp ôn nào, học sinh nghỉ luôn tự ôn ở nhà trước kỳ thi THPT một tháng.

MỚI - NÓNG